Xung quanh điểm thi bất thường ở Hà Giang: Rà soát gấp rút và căng thẳng

17/07/2018 07:13 GMT+7

Hôm qua 16.7, công tác rà soát điểm thi bất thường ở Hà Giang vẫn căng như dây đàn khi lực lượng rà soát được cách ly và thời gian làm việc kéo dài đến gần nửa đêm.

Người dân đặt nghi vấn từ năm ngoái
[VIDEO] Cục trưởng Mai Văn Trinh: "Phát hiện sai phạm trong quá trình chấm thi ở Hà Giang"
Chấm thẩm định ra sao
Trước và sau kỳ thi Bộ GD-ĐT luôn khẳng định sẽ chấm thẩm định nếu thấy có dấu hiệu bất thường trong kết quả thi. Kết quả thi của Hà Giang được khẳng định là bất thường nên việc chấm thẩm định là khâu tất yếu trong quá trình rà soát.
Theo quy chế thi THPT quốc gia hiện hành, việc chấm thẩm định được quy định như sau: Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ra quyết định thành lập Hội đồng chấm thẩm định để chấm thẩm định toàn bộ hoặc một phần số bài thi của một hoặc một số trường. Hội đồng chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT có thẩm quyền quyết định cuối cùng về điểm chính thức của bài thi. Hội đồng chấm thẩm định được sử dụng con dấu của Bộ GD-ĐT.
Việc tổ chức đối thoại hay không đối thoại giữa người chấm sơ khảo, phúc khảo, thẩm định (nếu có đề nghị) do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Giang, cho phóng viên Thanh Niên biết những ngày này ở Hà Giang, đâu đâu cũng thấy người dân bàn tán đầy âu lo về kết quả thi bất thường đang làm xôn xao dư luận ở tỉnh. Không ít gia đình và thí sinh (TS) tham dự kỳ thi THPT quốc gia đang trong tâm trạng chán nản dù họ không thuộc đối tượng được điểm cao chót vót đang là tâm điểm của dư luận.
Trong đó, nhiều TS có điểm cao nhưng kết quả học tập chỉ ở mức bình thường, theo phản ánh, một vài trường hợp là con cháu của lãnh đạo tỉnh hoặc Sở GD-ĐT tỉnh. Từ đó, nhiều phụ huynh đặt ra vấn đề có hay không việc tiêu cực, chạy chọt điểm thi?
Anh Trần M.N, thuộc P.Minh Khai, TP.Hà Giang nói với Thanh Niên, những nghi vấn về tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia đã được đặt ra từ năm ngoái khi xuất hiện nhiều TS đạt mức điểm rất cao cùng với thông tin về việc phụ huynh bỏ ra cả hàng trăm triệu đồng để “mua điểm” cho con em mình đủ tiêu chuẩn vào một trường đại học theo nguyện vọng. “Thực sự khi nghe những thông tin như vậy thì chúng tôi rất hoang mang, lo lắng cho con em mình. Trước kỳ thi vừa rồi, tôi đã có ý định viết thư gửi cho Bộ GD-ĐT, Cục Khảo thí... mục đích là để họ cảnh báo, có biện pháp chấn chỉnh. Nhưng nói thật viết được 2 trang giấy thì bà xã gạt ra không cho viết, bởi động vào đây là rất phức tạp”, anh N. nói.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của Thanh Niên, P.T.M, là TS đạt điểm cao thứ 2 ở Hà Giang với điểm số 28,4 là con trai của một phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang. Bà M., mẹ của T.M cho biết trong kỳ thi vừa qua tại tỉnh Hà Giang, chồng bà không tham gia ban chỉ đạo thi. Bà M. cũng cho biết, ban đầu T.M có nguyện vọng vào ngành y nhưng môn sinh bị 2,5 điểm, nên sẽ chuyển qua nguyện vọng vào các trường thuộc ngành ngân hàng: Những ngày qua, gia đình khá mệt mỏi trước những thông tin từ dư luận. “Chúng tôi khẳng định không bao giờ nâng đỡ con mình bằng việc tiêu cực. Vợ chồng tôi giáo dục các con từ bé đến lớn, đặt sự trung thực lên hàng đầu”, bà M. nói và cho biết mong đoàn công tác của Bộ GD-ĐT và Sở sớm có kết quả để đánh tan những luồng dư luận không tốt đối với những TS đạt điểm cao như con bà.
[VIDEO] Điểm thi ở Hà Giang đã bị "phù phép" như thế nào?
Rà soát căng thẳng

Theo yêu cầu của Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý tại Công văn hỏa tốc số 783/CV-BCĐ, trong ngày 16.7, Sở GD-ĐT phải có báo cáo bằng văn bản kết quả kiểm tra, rà soát về thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tới trưởng ban chỉ đạo kỳ thi này.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, đến cuối ngày 16.7, việc rà soát của đoàn công tác Bộ GD-ĐT và Ban Chỉ đạo thi tỉnh Hà Giang vẫn đang gấp rút tiến hành rất căng thẳng. Công việc từ ngày 14.7 đến nay đều được bắt đầu từ sáng sớm, làm việc xuyên trưa và kéo dài đến gần nửa đêm. Các suất ăn trưa, ăn tối được nhân viên phục vụ ngay tại phòng làm việc. Phòng làm việc được cách ly dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt ở vòng ngoài bởi các cán bộ an ninh. Khá nhiều phóng viên báo chí từ Hà Nội lên chầu trực tại phòng tiếp khách trong vài ngày qua nhưng chỉ nhận được lời hứa “sẽ thông tin sau khi có kết luận chính thức”.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết mọi việc đang được tiến hành hết sức cẩn trọng nhưng khẩn trương, không kể giờ giấc để có kết quả báo cáo lãnh đạo Bộ GD-ĐT và thông tin rộng rãi tới người dân một cách trung thực, khách quan nhất. Hy vọng đúng theo tiến độ mà Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia yêu cầu là báo cáo chậm nhất ngày 17.7.
Còn ông Trần Đức Quý thông tin: Việc rà soát tập trung từng vấn đề một, xem xét việc coi thi, nhận đề, chuyển bài thi, chấm thi, bảo quản các túi đựng đề thi, bài thi của các phòng thi như thế nào. “Chúng tôi rà soát tất cả khâu song song và đồng bộ nhưng sẽ chọn khâu then chốt nhất, có thể xảy ra tiêu cực”, ông Quý nói.
Sở GD-ĐT Hà Giang vẫn sáng đèn cho đến tối 16.7 để tiến hành rà soát Ảnh: H.Mai
Sẽ không có vùng cấm trong xử lý vi phạm
Nguồn tin của Thanh Niên cho biết, bước đầu rà soát thấy mọi khâu đã được thực hiện đầy đủ theo quy trình. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có một số vấn đề không bình thường cần xem xét, thậm chí có hiện tượng sẽ phải xem xét rất kỹ mới có thể kết luận.
Ông Trần Đức Quý, với tư cách là Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 của tỉnh, cho biết: “Ngay ngày hôm sau dư luận lên tiếng về bất thường trong điểm thi của HS Hà Giang, chúng tôi đã tiến hành rà soát và nhận thấy có những vấn đề bất thường và đã có báo cáo Bộ GD-ĐT. Khi triển khai, chúng tôi thấy một số vấn đề khó, cần sự phối hợp vì một mình địa phương không làm được, phải nhờ đến chuyên gia của Bộ GD-ĐT. Đây không phải việc đơn giản và cũng hết sức cấp thiết, phải có sự phối hợp, hỗ trợ. Nếu tiêu cực, vi phạm phát sinh ở một hoặc một vài cá nhân, hết sức tinh vi nên cần có sự vào cuộc của người có chuyên môn sâu”.
Ông Quý cũng khẳng định, Hà Giang xác định không vì thành tích. Chính vì vậy, theo ông Quý sẽ không có vùng cấm trong xử lý vi phạm, sai đến đâu phải xử lý đến đó, kể cả có vấn đề hình sự cũng phải làm. “Mục tiêu là điểm thi phải trở về với điểm thực của các cháu”, ông Quý khẳng định.
Thầy trò Hà Giang mong sớm có kết luận
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết 3 TS của Hà Giang trong số 11 TS có điểm thi THPT quốc gia cao nhất nước đều là HS của Trường THPT chuyên Hà Giang. Tổng số HS tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 của trường có hơn 200. Tỷ lệ thi đỗ nguyện vọng 1 đạt 95% qua các năm. Theo bà Hà, trong số 3 TS mà dư luận đang đặt câu hỏi, có T. là HS trong đội tuyển HS giỏi quốc gia môn sinh 2 năm lớp 11, 12. Tuy không được giải nhưng có nhiều giải cao trong các cuộc thi tỉnh, Olympic. Hai TS còn lại là L. và em V.A không tham gia đội tuyển HS giỏi quốc gia. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng cũng khẳng định cả 3 HS nêu trên đều không phải là con cháu lãnh đạo tỉnh hay Sở GD-ĐT như một số thông tin.
Bà Hằng cũng chia sẻ, tâm lý của các em đạt điểm cao và cả gia đình các em đang rất xáo trộn. “Tôi rất mong sớm có kết luận kiểm tra cuối cùng để tâm lý HS, phụ huynh, nhà trường được giải tỏa. HS có điểm thi thực chất không bị ảnh hưởng bởi thông tin về điểm thi bất thường”.
Một HS của Hà Giang cho hay, những ngày qua không dám lên mạng xã hội vì không ít người đang đánh đồng là tất cả TS Hà Giang đều gian lận . “Em không biết sau này khi xuống Hà Nội nhập học thì có bị bạn bè, thầy cô nhìn với ánh mắt nghi ngờ không”, HS này buồn rầu nói.

Liệu có kẽ hở khâu chấm thi ?
Theo giới chuyên môn, điểm thi THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang và một số địa phương miền núi phía bắc có những dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, nếu xem xét bằng chuyên môn khảo thí thì nhiều khả năng không phát hiện được gì khi mọi cái vẫn “đúng quy trình”. Chỉ khi cơ quan an ninh của trung ương vào cuộc thì may ra mới phát hiện lỗ hổng của quy trình.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Đạt, Trường ĐH Thương mại, cũng cho rằng điểm thi của một cá nhân có sự chênh lệch quá lớn giữa môn toán với các môn khoa học tự nhiên đã là một sự ngạc nhiên, đằng này lại xảy ra đồng loạt ở nhiều TS cùng dự thi ở một địa bàn thì có thể khẳng định là có sự gian lận tập thể. “Tất cả những người đi học và học được đều biết không một ai đạt 9 - 10 điểm toán (điểm thực) lại bị 2 điểm môn hóa”, ông Đạt khẳng định.
Nhưng theo ông Đạt, Bộ GD-ĐT sẽ rất khó tìm ra được một “cái gì đó” khi mà tất cả mọi khâu của kỳ thi đã được vận hành “đúng quy trình”, trong khi nguyên lý xử lý là “án tại hồ sơ”.
Nhiều giáo viên THPT từng có thâm niên tham gia công tác thanh tra ở các địa phương khác nhau cho biết không ngạc nhiên và đưa ra các khả năng xảy ra tiêu cực.
Trước đây, khi còn thi tự luận nhiều môn, khâu coi thi được coi là điểm yếu thực hiện việc gian lận. Từ khi chuyển sang chủ yếu thi trắc nghiệm thì khâu chấm thi được xem là “đích” ngắm thực hiện hành vi gian lận. “Năm nào cũng sẽ có chuyện một số ban chấm ở địa phương tìm cách rút phiếu trả lời trắc nghiệm của TS nào đó ra để sửa. Dù Bộ GD-ĐT quy định chặt chẽ đến mấy thì vẫn luôn luôn có một số kẽ hở nào đó để họ lợi dụng. Vụ việc ở Hà Giang, nhiều khả năng gian lận xảy ra ở khâu chấm”, một cán bộ ngành giáo dục, nguyên là thanh tra một sở GD-ĐT ở miền núi phía bắc nhận định.
Theo vị cán bộ này, để gian lận ở khâu chấm, những người tổ chức thường dùng nhiều cách. Có một cách đòi hỏi sự phối hợp với cả cán bộ coi thi, đó chính là sử dụng phiếu trắc nghiệm lỗi. Với cách này, khi dự thi, TS được hướng dẫn cố ý xin thay phiếu trả lời sau khi phiếu đã ghi đủ thông tin và có chữ ký 2 cán bộ coi thi. Tất cả các phiếu "hỏng" này sau đó được chuyển về bộ phận thu bài của Sở. Tại đây ai đó rút các phiếu hỏng ra, căn cứ đáp án đã công bố (có thể là của báo hoặc của Bộ) lấy bút chì ra và tô đủ vào số các phương án cần cho số điểm mong muốn. Lúc này chưa chấm thi, nên chưa có công an, thanh tra.
Tất cả các phiếu này được gom lại, đến trước khi chấm thi thì làm động tác quét thử máy (đây là sơ hở nghiêm trọng nhất của quá trình chấm thi trắc nghiệm) và lưu tất cả vào một file ngay trong máy tính của điểm quét bài. Công an, thanh tra, và kể cả cán bộ giám sát của ĐH không ai đi kiểm tra ổ cứng của máy tính tại điểm quét bài. Sau đó cứ tiến hành quét bài bình thường, đến khâu xử lý dữ liệu thì sử dụng hoán đổi file ảnh đó. Hoặc có cách tìm sơ hở để đổi phiếu trước khi quét.
Năm nay Bộ GD-ĐT có quy định ngặt nghèo về quản lý phiếu trắc nghiệm, chẳng hạn khi cần dùng phiếu dự phòng đều phải làm biên bản để rút phiếu ra. Nhưng sau đó quản lý thế nào những phiếu hỏng thì lại lỏng lẻo, tất cả phiếu thừa, phiếu hỏng niêm phong sau đó để lại tại điểm thi. Ngoài ra phiếu trả lời trắc nghiệm là do Sở nhận về từ Bộ GD-ĐT, Sở nhận bao nhiêu, chuyển về các trường bao nhiêu thì chỉ có Sở biết.
Một cách khác, đơn giản hơn, nhưng lại đòi hỏi tất cả các bên giám sát và bên thực hiện phải thỏa hiệp được với nhau, đó là rút bài ra xóa đi phương án sai, tô lại phương án đúng, trước khi cho bài vào máy quét. Những phiếu này, nếu sử dụng các công cụ của bên an ninh thì sẽ soi được ra các vết tẩy xóa.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, cho rằng không loại trừ khả năng bài làm bị can thiệp, có ai đó tẩy xóa một số lựa chọn của TS và tô lại bằng các lựa chọn theo đáp án đúng. Vì thế ngoài việc tìm nghi phạm, cần sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để nhận dạng những chỗ đã can thiệp, phục hồi lại bài thi ban đầu rồi chấm lại.
Quý Hiên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.