Xuôi tết 'Bali ở miền Tây'

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
11/02/2021 14:30 GMT+7

Mấy năm nay, điều đặc biệt khiến tôi háo hức mỗi khi t ết đến, xuân về là việc nghe người dân Bạc Liêu sông nước quê tôi 'ngầm' thi nhau hát hai bên bờ sông.

1. “Bali’! - một cái tên “sang chảnh” và trìu mến mà lớp thanh niên chúng tôi hay nói về quê hương mình - tỉnh Bạc Liêu, vùng đất nằm dãy chót bản đồ Việt Nam. Nhớ những chuyến xe khách về quê ngày cận tết, năm nào cũng bị... “ém như mắm”. Kẻ lên, người xuống "tay xách nách mang". Mùi dầu gió nồng nặc, tiếng trẻ con khóc xen lẫn nhạc bolero trên xe. Tuy vậy, những năm gần đây, để ý thì thấy người dân chọn đi xe máy về quê nhiều hơn xe khách.
Sáng 28 tết, hàng ngàn người "chở tết" chạy dài trên Quốc lộ 1A. Tiếng động cơ xe máy nổ giòn tan như pháo sau chặng đèn đỏ, họ chở đồ đạc lỉnh kỉnh nào quần áo, bánh trái, giỏ quà gói đỏ thắm... Các vật nuôi như chó, mèo cũng được rinh về quê.

Quảng trường Hùng Vương, TP.Bạc Liêu

Ảnh: Phạm Thu Ngân

“Coi như phượt!”, nhiều khách dừng chân nghỉ mệt ở những quán ven đường quả quyết. Chị Nguyễn Thị Hồng (quê Sóc Trăng) ngẫm nghĩ rồi nói: "Chắc năm nay là lần thứ 2, 3 gì đó chế (chị) đi xe máy về quê. Gần 300 cây số hà, vừa đi vừa nghỉ, dịch dã đi xe máy cho an toàn, đi xe khách sờ sợ".
Cơ hồ, chị Hồng bảo thêm: "Không đi mình ên (một mình) bởi nhìn đâu cũng thấy đồng hương chạy cùng".
2. Sau 8 tiếng đồng hồ qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang..., nắng xế, tôi và con xe máy của mình cũng tới "địa bàn Bali". Nhà tôi nằm giữa kênh Vàm Lẻo (ranh giới hai tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu) và kênh xáng Bà Bao (còn gọi là kênh Trời Sanh, một nhánh của sông Cổ Cò). Gia đình ngoại tôi ở H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng, phía bên kia kênh sông Vàm Lẻo. Ba tôi kể, ngày xưa, ở đây đường đất, hiếm xe cộ, không có cầu bắc qua kênh, những lần "tán tỉnh" má hay chúc tết ở ngoại tôi, ba đều phải đi đò.

Đi chợ hoa là truyền thống của người dân xứ công tử Bạc Liêu. Người dân cho biết chợ hoa đã tồn tại hơn 15 năm

Ảnh: Phạm Thu Ngân

Dọc những con mương, người dân cất nhà nhỏ, rải rác; trước hiên trồng nhiều loại hoa tươi thắm. Ngay bờ kênh Vàm Lẻo có một khu chợ, ngày tết “đông kẹo” vì lượng người ở các xã giáp ranh hai tỉnh dồn về. Họ đi chợ, đa số chỉ mua thực phẩm, hoa quả. Bởi riêng nhiệm vụ làm bánh tét và mứt dừa đã được giao phó cho những "bàn tay vàng".
Trước tết tầm nửa tháng, các gia đình phải "chốt kèo" lấy bao nhiêu đòn bánh tét, nhân gì, rồi gần tết lấy hàng mình đặt về để gọn trong những cái chạn gỗ (còn gọi là garde manger, hoặc là gạc măng rê), chờ khách tới, mời cơi trầu và cùng cắt bánh ăn.
3. Trước nhà tôi là con kênh xáng Bà Bao. Điều đặc biệt những ngày tết quê, các hộ hai bên kênh sông sẽ thi thố "ngầm". Thi gì? Thi văn nghệ!
Từ khi công nghệ lên ngôi, nhà nhà chia nhau khung giờ để mở loa "tấu" nhạc bolero, nhạc xuân. Đến chiều mùng 1 tết mới là thời điểm chính thức bước vào cuộc thi của những "giọng hát vàng". Cô Tư tôi - người thuộc hàng chục bộ cải lương nhờ nghe chiếc "la vô" (radio) đời cũ, bảo: "Khu này chắc chỉ có mình bà không sắm dàn karaoke bởi "hàng xóm hai bờ sông ca muốn mắc ngay (ghiền) rồi! Quanh năm đồng áng, được tết nhứt hát cho vui chớ, tối ngủ khỏi mất công rà đài cải lương”.

Các tiểu thương từ khắp tỉnh lân cận đến chợ hoa bán từ 25 tết

Ảnh: Phạm Thu Ngân

Năm ngoái, chị Yến - lao động ở Hàn Quốc về quê, hầu như sáng chiều gì cũng hát. Chị Yến bảo: "Ở bên đó đâu có được hát đâu, về đây phải ca cho đỡ ghiền, cho đỡ tủi ở xứ người chứ. Vậy mà tối mùng nào cũng phải đua... hát với cô Út". Bên kia Sầu tím thiệp hồng vừa xong thì bên này vang vọng cổ Chợ Mới; người xong Nam ai, Nam xuân, kẻ bên bên kia hò “Sông quê nước chảy đôi bờ. Để anh chín dại, mười khờ thương em”... Tôi cũng không biết có đôi trai gái nào được gá nghĩa, bén duyên từ những cuộc thi hát này không!
Đến chừng 21 giờ, 22 giờ, bờ sông nào “tắt đài” là hiểu bên đó thua cuộc. "Yến năm nay không về", cô Út tôi ngồi tiếc rồi biểu không biết tết này, bên ấy có "danh ca" nào mới không...
Còn dì Hồng, nhà bên kia sông vẫn còn buồn buồn vì dịch Covid-19 mà con dì ở nước ngoài năm nay không về quê. "Mọi năm có nó hợp lại ca mới chọi nổi. Nhưng thôi, đợi năm sau, giờ mình solo trước cũng được", dì nháy mắt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.