Ý kiến của sinh viên: Tạo môi trường để người trẻ cống hiến

03/12/2018 08:06 GMT+7

Từ ngày 9 - 11.12, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên VN lần thứ X sẽ diễn ra tại Hà Nội. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của sinh viên VN, đánh dấu bước phát triển mới của tổ chức Hội và phong trào sinh viên.

Tham dự đại hội có 693 đại biểu đại diện cho gần 1,4 triệu hội viên và hơn 2,4 triệu sinh viên (SV) VN trong và ngoài nước.
Trước thềm đại hội, PV Thanh Niên ghi nhận những ý kiến đóng góp và những hiến kế mong cho tổ chức Hội vững mạnh, tạo môi trường để người trẻ cống hiến xây dựng đất nước.
Hai vấn đề muốn đặt ra…
“Mình có 2 vấn đề muốn đặt ra, thứ nhất là về vấn đề cán bộ Hội, hiện nay chương trình đào tạo rút ngắn lại từ 4 năm rưỡi còn 4 năm, một số trường còn 3 năm rưỡi thì làm sao có thể đào tạo được cán bộ Hội thật sự xuất sắc, đủ bản lĩnh để có thể đứng đầu và dẫn dắt SV. Để trở thành cán bộ Hội chủ chốt thì phải đến năm 2, năm 3 mới có đầy đủ kinh nghiệm và bản lĩnh, nhưng lúc đó lại bận học và lo ra trường. Như vậy, giải pháp nào để giải quyết vấn đề này? Bởi nếu là cán bộ Hội chủ chốt thì phải thật bản lĩnh, vì mỗi chương trình làm sai là sai cả một năm và cả một nhiệm kỳ.
Thứ hai, hiện nay chúng ta đang rất khuyến khích các chương trình và hoạt động khởi nghiệp, nhưng liệu SV ở nhiều lĩnh vực thì 2 chương trình đào tạo trang bị kiến thức liệu có đủ? Bởi khi muốn khởi nghiệp thì cần rất nhiều kiến thức, không chỉ lý thuyết mà còn thực tiễn về quản lý, điều hành, tài chính... Và các ý tưởng khởi nghiệp thì làm sao có thể giúp SV phát triển để ý tưởng được hiện thực hóa?”.
Ngô Thị Kiều Nhi 
Phó chủ tịch Hội SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM
Nhận định về tình hình sức khỏe của SV
“Trong mục 2, chương I, phần thứ hai của Văn kiện, khi nhận định về tình hình SV có đề cập: “Điều kiện sống của SV ngày càng được tăng lên, cơ hội được chăm sóc sức khỏe và thăm khám định kỳ được thực hiện thường xuyên và thuận lợi hơn”, theo tôi, đưa nhận định về tình hình sức khỏe của SV vào Văn kiện là đúng, tức là phải quan tâm và quan tâm đặc biệt đến sức khỏe thể chất, tinh thần của SV. Tuy nhiên, cần nhận định đúng và đề ra giải pháp, phương án trong nhiệm kỳ tới để giúp ổn định sức khỏe của SV”.
Phan Hoàng Đăng Khoa 
Chủ tịch Hội SV Trường ĐH Y Dược TP.HCM
Lan tỏa giá trị danh hiệu SV 5 tốt
“Phong trào SV 5 tốt đã được T.Ư Hội triển khai tốt trong thời gian qua. Danh hiệu đã dần đến gần hơn với cộng đồng và cho thấy giá trị của nó. Tuy nhiên, công tác truyền thông đã làm tốt ở cấp cơ sở thì cần được đẩy mạnh hơn nữa ở cấp độ vĩ mô. T.Ư Hội cần có các hoạt động cụ thể để giới thiệu danh hiệu nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông, và vào hệ thống đánh giá SV ở các trường.
Muốn phong trào lớn mạnh thì không chỉ có SV biết và quan tâm đến phong trào, mà cả cộng đồng, doanh nghiệp cũng biết đến để có những hoạt động cộng hưởng, làm nền tảng cho phong trào phát triển. Mà muốn cộng đồng, doanh nghiệp biết đến thì không thể chỉ từ nhà trường đi ra, mà còn phải phủ sóng ở các phương tiện truyền thông. Hiện nay không phải doanh nghiệp không biết đến nhưng mức độ nhận biết chưa cao. SV 5 tốt ra trường có việc làm ngay nhưng đa phần đến từ phía năng lực của các bạn. Điều cần đẩy mạnh ở đây là chiều ngược lại từ phía doanh nghiệp, chủ động tiếp cận và tuyển dụng SV 5 tốt, vì đây là nguồn tài sản quý giá”.
Trương Văn An 
Chủ tịch Hội SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM
Nên có các cuộc khảo sát
“Đề xuất T.Ư Hội nên có các cuộc khảo sát về sự thành công của các SV 5 tốt sau khi tuyên dương, ra trường... Để có kết quả cụ thể và minh chứng hơn nữa về giá trị của danh hiệu này, từ đó góp phần giúp các bạn SV tiếp tục không ngừng phấn đấu rèn luyện bản thân, phấn đấu đạt được danh hiệu, như chìa khóa thành công cho tương lai của mỗi SV. Bên cạnh đó, nên xây dựng các công cụ, phần mềm, quản lý công nghệ thông tin gần gũi đến SV để theo dõi và nắm bắt quá trình rèn luyện đã đạt được bao nhiêu tiêu chí của SV 5 tốt”.
Huỳnh Tuấn Khương 
Chủ tịch Hội SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM
Giáo dục lý tưởng cần có chiều sâu
“Trong 10 chỉ tiêu trọng tâm, bản thân mình thấy chỉ tiêu về các hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng cho SV cần đưa vào chiều sâu và có các hình thức tổ chức sáng tạo để SV không còn cảm giác nặng nề mà ngược lại tạo sự mới lạ, hứng khởi. Vì chỉ tiêu này theo mình là cực kỳ quan trọng, là công cụ để giúp SV định hướng tư tưởng ngay từ cơ sở Hội. Từ thực tế tại trường, mình nhận thấy một bộ phận SV còn chưa nhận thức rõ về lý tưởng sống, có lối sống thực dụng. Mình thấy rất nhiều SV chia sẻ những mẩu tin sai lệch trên mạng xã hội, một phần là do SV chưa hiểu bản chất của vấn đề, dẫn đến sai lệch trong hành động”.
Phạm Thị Phước Mai Trinh 
Phó chủ tịch Hội SV Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.