Đánh trắc nghiệm hú họa mà điểm cao khó như trúng độc đắc
Phản biện lại quan điểm của GS-TS toán học Nguyễn Hữu Dư, tiến sĩ Lê Thống Nhất, nhà giáo dục toán học, sáng lập trường học trực tuyến BigSchool, cho rằng đây là một suy nghĩ rất cực đoan nếu không muốn nói là "không hiểu gì", và "làm gì có chuyện thi trắc nghiệm ở kỳ thi tốt nghiệp THPT lại có thể bóp chết môn toán!".
Tiến sĩ Lê Thống Nhất lý giải: "Học sinh được học môn toán suốt 12 năm. Sách giáo khoa hiện nay cũng như sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông mới đều thể hiện rõ toán là môn rèn luyện tư duy, tất cả các ví dụ đều giải bằng phương pháp tự luận. Các bài kiểm tra ở tất cả các lớp cũng đều tự luận, thi học sinh giỏi cũng tự luận. Quá trình rèn luyện tư duy đã được xuyên suốt 12 năm nên việc thi tốt nghiệp môn toán bằng hình thức trắc nghiệm không làm ảnh hưởng hay bóp chết được môn toán".
Theo ông Lê Thống Nhất, ưu thế của thi trắc nghiệm là bao phủ phạm vi kiến thức rộng, tránh học tủ, học lệch, ít tốn công chấm bài. Bên cạnh đó, trong giây phút quyết định chọn đáp án, do thời gian có hạn, thí sinh còn phải có khả năng tư duy nhanh.
Trong khi nếu thi tự luận môn toán thì không những khiến thí sinh học lệch, học tủ, là mảnh đất béo bở cho luyện thi, mà còn có thể xảy ra sai sót do cảm tính hoặc do trong một khoảng thời gian ngắn mà chấm quá nhiều bài thi.
"Để có được tư duy nhanh mà đúng, các em phải có cả một quá trình 12 năm học toán một cách nghiêm túc để đạt được tư duy logic, tư duy suy luận. Đánh hú họa, đánh lụi cũng có, nhưng đánh lụi mà đạt điểm 8-9-10 thì không khác gì trúng số giải độc đắc, mà độc đắc thì mấy ai trúng. Vì vậy, thi trắc nghiệm thì vẫn phải có năng lực mới đạt được điểm cao", tiến sĩ Lê Thống Nhất nhìn nhận.
"Xu hướng trong khảo thí trên thế giới là tách con người ra bằng cách sử dụng công nghệ. Các nước như Mỹ, Nga, Trung Quốc... họ vẫn dùng hình thức trắc nghiệm để đánh giá. Một kỳ thi nhận học bổng của Mỹ còn tổ chức cho thí sinh trên toàn thế giới làm bài trắc nghiệm trên máy tính và sắp tới kỳ thi tốt nghiệp của chúng ta cũng hướng đến việc làm bài trên máy tính", ông Lê Thống Nhất chia sẻ thêm.
Cần cải thiện chất lượng đề thi
Tiến sĩ toán học Nguyễn Lê Anh (nguyên giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự) cũng nhìn nhận việc cho rằng thi trắc nghiệm bóp chết môn toán là một quan điểm "quá khích".
Theo ông Lê Anh, trắc nghiệm không thể dùng để đo tài năng toán học, nhưng trắc nghiệm là một công cụ đánh giá. Dữ liệu trắc nghiệm mang tính thống kê, có thể dùng để đánh giá độ đáp ứng của nguồn nhân lực cho kinh tế xã hội, cho khoa học của quốc gia.
"Không nên nghĩ việc một số thí sinh dùng mẹo khi thi trắc nghiệm mà coi thường phương pháp trắc nghiệm. Tỷ lệ điểm thi trắc nghiệm cao do dùng mẹo hay đánh hú họa là có nhưng rất thấp. Có thể thi trắc nghiệm không thật sự phản ánh tốt hết năng lực của học sinh nhưng theo tỷ lệ phần trăm thì nó khá tốt", tiến sĩ Lê Anh chia sẻ.
Lý giải về việc lâu nay học sinh sợ toán, ông Lê Anh cho rằng đa phần là do giáo viên nghĩ học sinh kém. "Thực ra những học sinh bị coi là kém toán chỉ vì các em chậm. Mà chậm là do học sinh đang tìm cách hiểu. Trong lúc đang tìm cách hiểu thì bị thầy quy là "dốt" nên các em rất sợ và rất khổ. Các em không dốt, chỉ là chưa hiểu hoặc chưa tìm thấy hứng thú say mê trong môn toán", ông Lê Anh tiếp tục phân tích.
Tiến sĩ Lê Thống Nhất cũng nêu quan điểm nếu học sinh không biết giải toán thì phải xem xét xem vì sao sách giáo khoa, sách bài tập, đề kiểm tra từ lớp 1 đến lớp 12 đều yêu cầu mà học sinh lại không giải được? Có phải là do cách dạy của giáo viên chưa đạt hay không?
Về việc đề thi trắc nghiệm nên thay đổi như thế nào để hình thức thi này đạt hiệu quả cao nhất, tiến sĩ Lê Thống Nhất chia sẻ: "Không nên đơn điệu chỉ sử dụng một loại câu hỏi là chọn 1 trong 4 phương án. Nên đưa 5 phương án. Ngoài ra, nên sử dụng thêm các kiểu câu hỏi khác như ghép đôi, điền khuyết, sẽ yêu cầu học sinh phải tư duy và cả tư duy nhanh nhiều hơn".
Theo tiến sĩ Thống Nhất, ngân hàng câu hỏi cũng cần được chuẩn hóa vì trên thế giới, ví dụ kỳ thi SAT, phải trải nghiệm các câu hỏi suốt 2 năm mới đưa vào ngân hàng đề thi chính thức. "Nhất là sau này thi trắc nghiệm trên máy tính thì chất lượng ngân hàng đề thi càng cần phải được cải thiện để việc đánh giá năng lực của người học tránh dựa vào may rủi", tiến sĩ Lê Thống Nhất nhận định.
Trọng thi hơn trọng học mới là nguyên nhân bóp chết nền giáo dục
Tiến sĩ kinh tế Lương Hoài Nam cũng phản bác lại quan điểm của GS-TS Nguyễn Hữu Dư: "Môn toán sống hay chết là do cách học và các cơ hội ứng dụng chứ không thể do cách thi của một kỳ thi. Mỹ thi trắc nghiệm SAT, ACT lấy chứng chỉ xét tuyển đầu vào các trường ĐH, nhưng Mỹ vẫn có nền toán học hàng đầu thế giới và nhiều nhà toán học nổi tiếng thế giới".
Theo tiến sĩ Nam, trọng thi hơn trọng học mới là nguyên nhân bóp chết nền giáo dục. "Giáo dục Việt Nam cần trọng học hơn trọng thi thì mới cải thiện được", ông Nam nêu quan điểm.
Bình luận (0)