Chiều 3.8, hội thảo "Nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng toán học" do Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức đã thu hút sự tham gia của các nhà toán học và các chuyên gia đến từ Hội Toán học Việt Nam, Viện Toán học Việt Nam, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Mahidol (Thái Lan) và 2 giáo sư toán học Ấn Độ là Trưởng ban biên tập các tạp chí toán học thuộc Scopus (Journal of Algebra and Applied Mathematics và Journal of Analysis and Applications).
Các nhà toán học đã đóng góp 24 bài báo cáo tham luận, trong đó có 16 bài về toán học lý thuyết và 8 bài toán học ứng dụng để phân tích các sự kiện trong y học (trong đó có đề cập đến Covid-19), sinh học, ngân hàng chứng khoán, tăng trưởng kinh tế...
Bên lề hội thảo, chia sẻ về vấn đề vì sao có nhiều học sinh lại "sợ" môn toán đến thế và cứ đến tiết toán là lại cảm thấy áp lực, căng thẳng, GS-TS Nguyễn Hữu Dư nhận định: "Bên cạnh những học sinh yêu thích môn toán thì vẫn còn đa số thấy sợ, một phần là do kiến thức toán quá khó, trong khi giáo viên dạy toán lại chưa mang lại được cảm hứng cho người học. Đặc biệt là lên tới bậc ĐH, môn toán có tính hàn lâm khiến cho sinh viên càng thấy sợ".
Theo GS-TS Nguyễn Hữu Dư, học sinh, sinh viên sợ toán, ghét toán còn là vì chưa hiểu được chính toán học giúp chúng ta có tư duy logic, tư duy hệ thống và cuối cùng mới là kiến thức. Vì thế các em thường có suy nghĩ học các công thức này thì có tác dụng gì, ra đời đâu cần đến nó.
"Thực tế toán học được ứng dụng từ xa xưa và đến ngày nay, thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, toán học càng gần gũi với cuộc sống. Toán học có thể dự báo được dịch bệnh, có thể tính toán để đưa ra phác đồ điều trị, có thể phân tích để đưa ra kết quả trong y học. Toán học cũng có thể nghiên cứu sự phát triển của muôn loài trong hệ sinh thái...", ông Dư cho hay.
Để môn toán thực sự phát huy được vẻ đẹp và vai trò của nó, GS-TS Nguyễn Hữu Dư cho rằng người dạy phải có cách truyền đạt hữu hiệu và sát thực tế, tìm tòi các phương pháp thú vị hơn, đưa vào bài học những ví dụ gắn liền với cuộc sống.
GS-TS Lê Văn Thuyết, giảng viên khoa toán Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), cũng đánh giá toán học của Việt Nam hạn chế trong ứng dụng thực tế do chương trình đào tạo, công trình nghiên cứu có tính lý thuyết nhiều.
Nhưng tiến sĩ Thuyết nhận định gần đây, các đề tài nghiên cứu của trường ĐH cũng đã hướng đến sản phẩm ứng dụng đồng thời các tài trợ cũng hướng đến đề tài có tính ứng dụng nhiều hơn.
"Về phương pháp dạy toán, giáo viên, giảng viên phải cho học sinh, sinh viên thấy toán học có giá trị ứng dụng như thế nào trong cuộc sống, từ những điều nhỏ nhất, thì mới tạo được sự say mê, hứng thú khi học toán", tiến sĩ Thuyết chia sẻ.
Khi được hỏi liệu việc thi trắc nghiệm môn toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT có ảnh hưởng đến cách dạy và học toán hay không, GS-TS Nguyễn Hữu Dư nhận định: "Phải nói là thi trắc nghiệm như hiện tại bóp chết môn toán chứ không còn là ảnh hưởng nữa. Môn toán đào tạo tư duy logic thì bài thi phải có tính suy luận chứ không phải là câu hỏi này thì đáp án là A, B, C hay D. Hình thức thi trắc nghiệm chỉ nên sử dụng ở vòng đầu để loại bớt một lượng thí sinh, sau đó phải sử dụng tiếp hình thức thi khác để lựa chọn", ông Dư nhìn nhận.
Bình luận (0)