Nhiều tồn tại, hạn chế trong chống lãng phí
Chiều 15.11, tại kỳ họp 4 Quốc hội XV, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí |
gia hân |
Nghị quyết được ban hành dựa trên kết quả giám sát tối cao của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiến hành tại kỳ họp.
Nghị quyết của Quốc hội thống nhất đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực.
Tuy nhiên, Quốc hội cũng chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế như việc lập, thẩm định dự toán ngân sách nhà nước chưa sát thực tế. Nợ đọng thuế, thất thu, chậm thu, thu không đúng, không đủ; vi phạm các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn diễn ra tương đối phổ biến.
Cạnh đó, hàng nghìn dự án chậm tiến độ, điều chỉnh nhiều lần, có thất thoát, lãng phí và đầu tư không hiệu quả. Số vốn không sử dụng hết, hủy dự toán và chuyển nguồn hằng năm còn lớn và có xu hướng gia tăng.
Công tác cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020 rất chậm. Nhiều dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp còn thua lỗ, thất thoát, lãng phí.
Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch còn nhiều hạn chế. Quy hoạch treo, dự án treo còn khá phổ biến.
Nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất kéo dài, nhưng chậm được khắc phục, xử lý. Diện tích đất chưa sử dụng, để hoang hóa tại nhiều dự án.
Công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn nhiều vướng mắc, chưa kịp thời tháo gỡ, dẫn đến chậm triển khai dự án không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và sinh kế của người có đất bị thu hồi, còn gây thất thu ngân sách nhà nước và lãng phí trong sử dụng đất.
Hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra.
Nhiều vụ việc sai phạm trong đầu tư, đấu thầu, thẩm định giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính công, tài sản công, gây thất thoát, lãng phí rất lớn...
Xử lý sai phạm các dự án lãng phí trong năm 2023
Về nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Quốc hội thống nhất từ năm 2023, phát động trong toàn quốc cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chính phủ tổ chức phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng ở mọi cấp, mọi ngành và trong nhân dân.
Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ, Thủ tướng tập trung 14 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, yêu cầu trong năm 2023 phải làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu để xảy ra các vi phạm, thất thoát, lãng phí đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí; diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật…
Phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến 52 dự án, cụm dự án đầu tư công và sử dụng vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực dầu khí, điện, than chậm tiến độ; 18 dự án đất đai hoang hóa, lãng phí, có khó khăn vướng mắc và 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng và các tồn tại, hạn chế khác nêu trong báo cáo của đoàn giám sát.
Quốc hội điểm mặt chỉ tên 3.085 dự án 'làm nghèo đất nước'
Bình luận (0)