Yêu quá đời này! - Truyện ngắn của Đào Thị Thanh Tuyền

25/04/2021 06:00 GMT+7

Từ hôm đi thăm con gái ở W., trước đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ hai theo quy định một tháng, về lại P., Nhân bận rộn tối mặt. Việc công ty như nước tuôn ra trong máng xối mùa mưa, việc này chưa xong chồng lên việc khác, tới tấp không kịp thở.

Chỉ phần việc của Nhân và một sếp trực tiếp cần phải có mặt ở công ty. Hầu hết khối văn phòng mọi người đều làm việc ở nhà nên Nhân không biết tầng ba của anh có những ai, bởi đến công ty là anh lầm lũi đi vào phòng, không liếc ngang ngó dọc. Mạng nội bộ mọi người đều sáng đèn, nên họ có mặt ở văn phòng hay làm việc ở nhà với Nhân cũng vậy mà thôi.
Được mười ngày thì các tầng lác đác có người, trong thang máy thêm những khuôn mặt khẩu trang, lạnh lùng và e ngại. Gật đầu chào nhưng không biết họ có cười hay không, ánh mắt người nào cũng giống nhau, vẻ kín đáo dè chừng. Vốn kỹ tính và cẩn trọng, cảm thấy trong thang máy không an toàn, Nhân quyết định dùng cầu thang bộ. Vậy mà chỉ một lần chạm mặt R. ở chiếu nghỉ tầng hai, nó đi xuống còn Nhân đi lên mà thành ra cơ sự.
Một thông báo qua email: R. dương tính Covid-19. Công ty chưa có kế hoạch xét nghiệm tất cả mọi người nên yêu cầu những ai có tiếp xúc gần với R. trong thời gian hai tuần phản hồi email. Đọc những dòng mệnh lệnh cách mà Nhân lạnh người, rồi anh bình tĩnh nhớ lại, chiều hôm ấy hai người lướt qua nhanh thậm chí không cả chào hỏi. Phòng làm việc của R. và phòng Nhân đầu dãy, cuối dãy. Công việc hai người độc lập, thảng hoặc lắm mới trao đổi qua mạng hay điện thoại.
Cuối cùng, một danh sách phải tự cách ly tại nhà có tên Nhân xuất hiện trên mạng nội bộ vào đầu giờ chiều. Sếp gọi cho Nhân giọng hốt hoảng:
- Phần việc cậu đang làm tới đâu rồi? Cậu mà nghỉ ở nhà nữa là tôi chết!
Nhân trả lời:
- Chưa tới đâu hết, nhưng tôi trong diện cách ly. Ông muốn tôi đi làm mỗi ngày bất tuân lệnh công ty hay sao? Hay tôi qua ngồi cùng với ông cho vui! (Nhân trêu).
Sếp dịu giọng:
- Cậu lấy cái laptop cũ của phòng, cài đặt chương trình vào rồi làm việc ở nhà.
Mười ngày ở nhà Nhân làm được khối việc. Anh dọn dẹp sạch sẽ trong nhà, ngoài vườn. Trả lời email cho con gái mỗi ngày với vài chục câu hỏi về đủ lĩnh vực. Con gái năm nay 12 tuổi, một đứa trẻ đặc biệt, khá thông minh, nhiều năng khiếu nổi trội. Nhân và vợ cũ chia tay được 6 năm. Sau đó, Nhân mất khá nhiều thời gian cho việc đi thăm con, giúp con làm bài tập, chơi trò chơi với con… Điều đau khổ nhất với anh là không được đưa đón con mỗi ngày, gần gũi con nhiều hơn.
Những năm sau này, gần như Nhân chỉ có vài việc để ra khỏi nhà như đến công ty, mua sắm và đi thăm con gái một nơi cách xa 150 km. Thậm chí không gặp gỡ cả bạn bè. Còn lại, mỗi cuối năm về thăm gia đình người chị. Ở xứ này chỉ có hai chị em. Nhân hợp tính anh rể nên về nhà chị rất vui như ở nhà.
Hết thời gian cách ly, Nhân thấy khỏe vì được nghỉ ngơi, không đau đầu với những cuộc họp và thỉnh thoảng mới phải gửi vài số liệu. Ngày đầu tiên đến công ty Nhân đụng mặt sếp ngay chân cầu thang. Không vồn vã nhưng Nhân cảm nhận được vẻ vui mừng trong mắt sếp và nụ cười núp sau cái khẩu trang:
- May rồi. Không có cậu với tôi là nỗi kinh hoảng mỗi ngày. Tôi hy vọng cậu và tôi không bị nhiễm Covid. R. nhập viện một tuần, phải thở máy, nhưng hôm nay ổn rồi!
Công việc tuôn ra trong máng xối ùn tắc chưa kịp làm gì thì có thông báo tất cả mọi người phải xét nghiệm Covid. Nhân lại đụng mặt sếp ở chân cầu thang, sếp nói bằng cái giọng rền rĩ, cầu mong cho tôi và cậu an toàn. Đó là chiều muộn thứ năm.
Sáng thứ bảy Nhân nhận được email thông báo kết quả dương tính Covid. Một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng, đang khỏe mạnh bình thường bỗng dưng Nhân thấy tay chân bải hoải, miệng khô và đắng, đầu óc của anh sau đó trống rỗng như một cái đĩa cứng vừa được format, không suy nghĩ được điều gì, không nhận ra mình đang ở đâu. Trạng thái bềnh bồng kéo dài một lúc đến khi có âm thanh phát ra từ điện thoại. Là email thứ hai của bệnh viện thông báo cho anh một thời khóa biểu tự cách ly ở nhà với những việc a, b, c, d… Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định e, f, g, h… Nhân lướt qua những dòng chữ trên màn hình điện thoại, cảm giác nó lạnh lùng, vô cảm bởi đầy những mệnh lệnh.
Người đầu tiên Nhân gọi báo tin là con gái. Cô bé giọng hốt hoảng: “Rồi bố làm sao khi chỉ có một mình?”. Nhân trấn an: “Ở một mình mới tốt vì bố sẽ không lây cho ai”. Tiếp đó là điện thoại từ chị. Nhân bảo chị đừng lo lắng, người sống chết có số. Giọng Nhân có chút đùa, mục đích cho chị an lòng.
Bỏ điện thoại xuống giường, người Nhân bã ra cảm giác tan vỡ từng mảnh. Lấy lại bình tĩnh, Nhân quay ngược kim đồng hồ cố nhớ lại mình đã đi những đâu sau đợt cách ly trước. Chắc chắn không phải từ R. vì qua thời gian ủ bệnh rồi, ở công ty gần như không tiếp xúc trực tiếp với ai. Vậy chỉ có thể là đi mua thực phẩm ở siêu thị, mà cũng không chắc, con vi rút vô hình mai phục tứ phía ai biết nó ở đâu mà tránh.
Nhân bắt đầu nghe ngóng cơ thể mình, điều anh lo sợ nhất là tiền sử bệnh suyễn hồi còn nhỏ. Nhân không hút thuốc, thỉnh thoảng có uống chút rượu vào tối thứ bảy. Nhân nghĩ đến R. Nó khỏe như trâu, ăn to nói lớn. Nó ở đâu là nơi đó có ăn ngon và ồn ào. Vậy mà phải nhập viện thở máy. Kinh khủng quá!
Ngày đầu tiên Nhân bận rộn liên tục không có thời gian suy nghĩ bởi phải trả lời điện thoại và email. Anh phải làm các thủ tục của bệnh nhân điều trị ngoại trú nhưng tuân thủ tuyệt đối việc cách ly, khai báo chính xác đã đi những nơi nào để họ truy tìm vết.
Yêu quá đời này! - Truyện ngắn của Đào Thị Thanh Tuyền1
Đến chiều anh mới nhớ mình đang là một bệnh nhân. Nỗi hoảng sợ dồn dập trở lại khi màn đêm buông xuống. Căn phòng yên ắng đến mức Nhân nghe rõ từng hơi thở, tiếng tim đập trong lồng ngực. Anh cảm thấy hơi mệt. Nhân tự hỏi, những con vi rút đang nằm trong cơ thể mình có thể từ ngày mai nó mới bắt đầu bùng phát và tấn công, đích nhắm của nó sẽ là hai lá phổi của anh vốn không được như người bình thường. Nhân tưởng tượng đủ thứ khiến anh càng hoảng sợ. Tự trấn an cho qua cơn hoảng sợ này lại tiếp đến nỗi lo lắng khác, mãi đến gần sáng Nhân mới chìm vào giấc ngủ mệt mỏi cả tinh thần lẫn thể xác.
Đánh thức anh ngày thứ hai là chuông điện thoại báo có tin nhắn. Là của con gái. Gần 7 giờ sáng, đã đến giờ anh phải dậy để chuẩn bị ăn sáng và trả lời điện thoại của bệnh viện, cơ sở y tế. Họ quản lý bệnh nhân mỗi ngày, phòng hờ người bệnh không tuân thủ quy định cách ly.
Trả lời con gái rằng bố ổn, Nhân lại lắng nghe từ cơ thể mình có những biểu hiện gì khác. Chỉ là trạng thái mệt mỏi vì ngủ không đủ giấc thêm cổ họng khô khiến khát nước. Đặt tay lên trán, Nhân không thấy khác thường. Bước chân xuống giường Nhân lại nghe ngóng lần nữa và thở phào.
Vẫn những việc ăn sáng, trả lời điện thoại, email… nhưng ít hơn hôm qua. Tuy nhiên, chính việc không bận rộn này khiến Nhân quá dư thời gian để nghĩ ngợi và lo sợ. Cảm giác cô đơn và buồn, Nhân nhắn tin cho Linh, cô bạn quen qua mạng đang ở Việt Nam báo rằng anh dương tính Covid. Tức thì hiện ra dòng tin nhắn hoảng hốt từ Linh: “Anh thấy trong người thế nào, có sốt, ho nhiều không?”. Nhân nhắn lại: “Chỉ hơi mệt”. Linh nhắn tiếp, anh cố gắng giữ bình tĩnh, ăn súp, uống nước chanh, gừng… Mong anh mau khỏe.
Nhân nằm trên giường nhìn ra bên ngoài khung cửa sổ. Bầu trời xanh và nhiều mây trắng. Xứ này, mùa này, hiếm có những ngày nắng đẹp như hôm nay. Trong trạng thái lơ mơ, anh nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ và đến trưa thì có chuông cửa của người mang thức ăn đến.
Buổi chiều có điện thoại từ bệnh viện và của sếp. Giọng sếp ân cần hỏi han nghe thật ấm áp. Bên kia sếp thở phào khi biết Nhân chưa thấy các triệu chứng của bệnh. “Hy vọng cậu qua khỏi, không như thằng R.”.
Buổi chiều quá dài, mấy lần Nhân định mở ti vi nhưng rồi anh buông remote. Tâm trạng chán nản và lo lắng khiến anh không thiết gì hết. Nhân lại nghe ngóng cơ thể mình như đó là một công việc mà anh cần phải làm lúc này. Không có gì khác lạ ngoài trạng thái mệt mỏi. Thời gian chậm chạp trôi qua theo từng cái nhích của cây kim đồng hồ treo tường cùng nỗi sợ như những cơn sóng xô bờ, khi ầm ào lúc lăn tăn.
Có tin nhắn của Linh: “Ổn không anh?”. Nhân trả lời chỉ hơi mệt. Cố lên anh nhé, em chẳng biết nói gì hơn bây giờ ngoài những dòng chữ giống như hôm qua.
Nhân lại nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Mới 5 giờ chiều mà trời đã bắt đầu tối. Hôm qua được ngày nắng, hôm nay trở lại màu xám buồn muôn thuở. Nhân nhớ những năm tháng tuổi thơ, những buổi chiều vàng nắng ôm trái banh ra biển quần với đám bạn rồi ào xuống tắm đến tối. Thời thanh niên sôi nổi những bữa trưa với bạn bè ở trường đại học, sau đó kéo nhau coi đá banh rồi vào một quán rượu nói chuyện đến gần sáng mới nghiêng ngả đi về ký túc xá.
Vài gương mặt bạn gái khả ái, dễ thương lướt qua, mờ ảo như họ đang ngồi trên một chuyến xe lửa vẫy tay chào lúc anh đang đứng bên một cánh đồng hoa vàng. Cảm giác bềnh bồng trong trạng thái có chút hơi men, lâng lâng dễ chịu. Mùa xuân ở W., mùa hạ ở P., mùa thu ở K., mùa đông ở H. Biển xanh, cát trắng. Nắng vàng trong công viên. Tuyết rơi trong một buổi chiều thật cô đơn và lạc lõng, bước lên thềm, mở cửa, tháo đôi giày rũ sạch tuyết rồi mới vào nhà, uể oải thả người xuống salon và thiếp đi trong giấc ngủ đói. Chuyến xe cuộc đời đưa anh đi từ miền này đến miền khác của ký ức, có vui, có đẹp, có buồn, hạnh phúc, khổ đau. Buồn nhất là thời gian sau khi vợ cũ đưa con gái rời khỏi anh. Chới với, trống rỗng, chán chường, tuyệt vọng. Loáng cái đã 6 năm.
Dòng hồi tưởng cắt ngang khi có tiếng chuông của người giao thức ăn. Nhân uể oải ngồi dậy. Anh thấy miệng khô và đắng, cảm giác ớn ăn.
Tối đó, buồn, cô đơn cùng nỗi sợ bủa vây lấy Nhân. Anh như đang rơi từ từ xuống một vực sâu hun hút. Cái chết ám ảnh anh từ những con số mà anh đọc sáng nay trên một bản tin. Có tin nhắn của Linh. Câu chữ hiện lên trong điện thoại lúc nào cũng dịu dàng và ân cần. Cơn đau đầu ập đến. Nhân vẫn thường bị như thế này nhưng tự dưng anh hoảng sợ, mồ hôi ướt áo và cảm thấy lạnh run. Bắt đầu rồi chăng? Mình có thể chịu được mà, Nhân tự trấn an như thế. Anh đứng lên thay áo và uống liều giảm đau rồi lên giường chờ thuốc ngấm đưa anh vào giấc ngủ.
Ngày thứ ba Nhân tỉnh giấc với tiếng chim hót bên ngoài và nhớ ra mình đang là một bệnh nhân. Anh nghe ngóng tiếng vọng từ bên trong cơ thể. Cơn đau đầu đã lui, cổ họng hơi khô nhưng thể trạng nói chung bình thường. Vậy là còn sống. Nhân tự nói với mình như thế!
Nhân xuống giường bước đến bên cửa sổ. Bình minh đang hé bằng những tia sáng yếu ớt nhưng dự đoán một ngày có nắng. Cây táo ngoài vườn trơ khấc, lèo tèo vài chiếc lá mỏng manh đến tội. Nhân nhớ bài hát Don’t Sit Under The Apple Tree (1), một bài hát nổi tiếng trong chiến tranh thế giới thứ hai, lời cam kết thủy chung của hai người trẻ yêu nhau khi chàng lên đường nhập ngũ. “Đừng ngồi dưới gốc cây táo với ai khác ngoài tôi. Bất kỳ ai khác ngoài tôi. Cho đến khi tôi hành quân về nhà”. Anh nhớ T. ngày xưa thích hát bài này. Cô nói, hát theo thói quen vì nghe mẹ hay hát khi bà trong bếp hay ngoài vườn. Thời cặp kè với T. thường là vui, cô có đôi mắt biết cười và đôi môi lúc nào cũng mọng, quyến rũ, có chút nũng nịu luôn khiến muốn hôn.
Lại một ngày với các việc lắng nghe những biểu hiện của cơ thể, điện thoại, trả lời email, ăn, ngủ. Nỗi lo sợ giảm dần khi Nhân không cảm thấy điều gì khác lạ.
Ngày thứ tư, thứ năm trôi qua nhẹ nhàng như vậy. Cảm giác vui vui nhẹ nhõm khiến anh hát vang trong nhà. Anh mở ti vi coi phim hài và cười sằng sặc.
Ngày thứ sáu có thêm cuộc gọi của sếp hỏi thăm cũng với giọng ấm áp ân cần và chúc mừng Nhân không có triệu chứng bệnh. Sau đó sếp hỏi anh về những dữ liệu anh đang làm dở dang và đề nghị anh có thể ngày mai tiếp tục được không. Tự nhiên Nhân nổi khùng: “Ông biết tôi đang là một bệnh nhân mà. Sao bắt ép tôi làm việc?”. Sếp cúp máy. Mất toi một ngày đẹp vì chuyện bực mình vụn vặt. Cảm giác là bệnh nhân ập đến. Nhân thấy mệt, thức ăn trưa mãi đến xế chiều anh mới giở ra, nguội lạnh, bèo nhèo. Miệng Nhân khô khốc, trong người háo nước nhưng không khát. Nhân uống liền mấy ly nước rồi nằm thở.
Trời chiều bỗng nổi gió, chưa bao giờ Nhân cô đơn như lúc này. Anh nhắn cho Linh mẩu tin vu vơ và chờ hoài không thấy báo cô đã đọc. Chắc cô đang ngủ, bên ấy đã 12 giờ đêm. Bên ngoài một màu xám buồn nặng trĩu. Nhân lẩm nhẩm trong đầu câu hát: “Ô hay, tại sao ta sống chốn này quay cuồng mãi hoài có gì vui” (2).
Ngày thứ bảy vừa tỉnh giấc, một cách vô thức Nhân đưa bàn tay vuốt đôi cánh tay rồi lần xuống chân. Tự nhiên Nhân cảm thấy rất vui, mãi một lúc Nhân mới hiểu tâm trạng rộn rã này là mình vẫn còn sống và không có triệu chứng bệnh nghĩa là đã qua thời gian nguy hiểm. Nhân nhìn quanh căn phòng, vẫn là những vật dụng cũ nhưng anh thấy góc nào cũng đẹp. Từ cái bàn viết cho đến chùm đèn, bức tranh sáng lên rạng rỡ. Màu của cuộc sống tươi mới như thổi tan hết u ám những ngày qua.
Nằm nán trên giường, Nhân nghĩ đến điều kỳ diệu bằng cảm giác hân hoan của người vừa vượt thác cao nguy hiểm mà thời trẻ anh đã từng vài lần thử thách. Nhân nhắn tin cho chị: “Đã qua 7 ngày, em ổn”. Chị gọi lại cho Nhân, bên kia chị cũng rất vui!
Tuy nhiên cả ngày hôm đó những suy nghĩ của Nhân lại xoay qua một hướng khác, kiểu “được voi đòi tiên”, anh thèm được đi dạo ngoài công viên, thèm thấy mặt người không khẩu trang, thèm ngồi một quán cà phê nào đó nhìn ra đường, những thứ mà bảy ngày trước với anh là điều không tưởng.
Những ngày sau đó Nhân thường nằm dài lười biếng trên giường, hết ti vi những trận bóng đá phát lại rồi đến hài kịch đôi lúc bật cười khùng khục, lại nghĩ những món ăn người ta sẽ mang đến, mình sẽ đổi thực đơn ngày mai với những món ngon và đắt tiền. Tại sao không chứ!
Trong trạng thái lâng lâng vui sướng, Nhân không tài nào nhớ lại được những nỗi sợ của mấy ngày trước. Anh thấy nó lạ lẫm và dường như đã trải qua rất lâu rồi!
Còn nữa là niềm hạnh phúc được ra khỏi nhà và đi dạo vào chiều chủ nhật cuối cùng của đợt cách ly. Nắng nhảy múa hát ca trên những tàng cây, mây trắng bồng bềnh như những đụn bông gòn tơi xốp, to nhỏ nhiều hình thù. Những con sóc vừa dưới đất lại thoắt lên cây nhìn anh tinh nghịch. Lũ chim ùa bay theo đàn. Chưa bao giờ Nhân thấy cảnh vật quanh mình đẹp đến vậy. Từ lối đi cho đến bãi cỏ, dòng nước uốn lượn, chiếc cầu kiểu xưa, những con cá ngoi lên quẫy nước…
Dừng lại dưới gốc một cây táo khẳng khiu, tâm trạng thật nhẹ nhàng, thơ thới Nhân tháo khẩu trang, buột miệng hát to: “Tôi là ai, là ai là ai? Mà yêu quá đời này” (3).
Một người đàn ông dắt con chó ngang qua nhìn anh hoài nghi, ngơ ngác. Nhân giơ tay vẫy chào. Ông ta chào lại. Nhân lẩm nhẩm trong đầu: “Xin chào nhau giữa con đường/Mùa xuân phía trước miên trường phía sau...” (4).
(1) Don’t Sit Under The Apple Tree - Đừng ngồi dưới gốc cây táo
(2) Một câu trong bài hát Đời đá vàng của Vũ Thành An.
(3) Một câu trong bài hát Tôi ơi đừng tuyệt vọng của Trịnh Công Sơn
(4) Thơ Bùi Giáng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.