Những ai biết đến Đào Thị Thanh Tuyền thường hình dung về một người phụ nữ rong ruổi khắp Sài Gòn với chiếc máy ảnh trong tay, khi thì cùng chiếc xe đạp cũ, lúc là trên các tuyến xe buýt, từ nội ô đến ngoại thành, trên các cung đường chằng chịt dọc ngang thành phố, rồi ra đến sông, đến biển… Đi để viết, ghi lại tất cả những gì mắt thấy, và tìm hiểu, thu nhận, dung nạp vào mình tất thảy những gì là của Sài Gòn, với sự ngỡ ngàng, với niềm cảm mến, với mong muốn hòa hợp, dần dà gắn bó, yêu thương - đó là tâm thế của nhà văn đến từ thành phố biển Nha Trang khi viết những cuốn sách gần đây: Sài Gòn, chè mè đen và giai điệu Boléro (Tạp bút, 2013), Trà đá, cơm trưa văn phòng và nhạc Pháp (tập truyện ngắn, 2016), Thế hệ gối ôm (Tạp bút, 2017) và mới nhất là Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ - tác phẩm có buổi ra mắt sáng 28.3 tại Đường sách TP Hồ Chí Minh do Chibooks tổ chức, với sự tham gia của MC - nhà thơ Lê Minh Quốc.
|
Tập sách gồm 5 phần: Sài Gòn; Trà Vinh; Hà Giang; Đông Nam Á và Ruổi rong nỗi nhớ. Có thể thấy từng bước chân đi, thấy nếp sống, nghĩ suy, tâm hồn và hơn hết là thái độ sống của tác giả qua mỗi bài viết nhỏ.
Như tựa đề phần 1: Sài Gòn, cũng là phần được ưu tiên dung lượng lớn trong cuốn sách, 15 bài viết là những câu chuyện, những địa danh gặp hàng ngày được tác giả kể lại trong quá trình làm quen, gắn bó với quê hương thứ hai của mình. Có thể nói, việc Sài Gòn trở thành miền đất của những người dân ngụ cư là điều hết sức tự nhiên, và mỗi người, với lý do riêng của mình, đã đến thành phố này như một cái duyên, trong đó tác giả không ngoại lệ. Từng biết đến Sài Gòn từ 31 năm trước, khi còn là sinh viên với 4 năm đại học và “thêm ba năm lang thang với những việc làm không ổn định”, nay trở lại vì con, với tâm thế “Lựa chọn nào cũng có cái được và cái mất” (Chưa xa đã nhớ), chị đã chọn cách hòa nhập vào dòng chảy của nó, để viết nên những câu chuyện dung dị nhưng thú vị (Đi bộ buổi sáng, Nhà cũ, Lang thang xe buýt…). Chị khám phá vẻ đẹp đằng sau những cao ốc chói ngời, những xô bồ vội vã là một Sài Gòn mà ít người - dù sống lâu ở Sài Gòn có thể biết đến qua các bài viết: Có một chỗ ngồi như thế, Có một Sài Gòn rất trẻ, Ngã ba sông, Có dòng suối nhỏ êm đềm nên thơ, Chiều cố tình đi lạc… Người đọc cảm xúc cùng chị khi ngắm một Sài Gòn với tòa tháp Bitexco hiện đại từ một chung cư cũ kỹ, nơi “thời gian như ngừng lại” trong sắc màu của một Sài Gòn xưa thời Pháp thuộc; bâng khuâng theo một “cái quán bên sông ở đường 23” (Hiệp Bình Chánh) như rất nhiều quán nhỏ dễ thương mà ta không kịp biết hết, đã lùi dần về ký ức; hay theo chị khám phá một địa danh mang cái tên thật đẹp, thật thơ: Thanh Tuyền, dù thuộc tỉnh Bình Dương nhưng được “sông Sài Gòn ôm gần một nửa”...
Trong phần 2: Trà Vinh với bài viết tựa đề Cây xanh, trời xanh, mây trắng và cơm gạo ruộng; phần 3: Hà Giang (Đêm ở Mèo Vạc), tác giả đã kể lại tỉ mỉ chuyến đi của mình với góc nhìn và khám phá riêng, những cảm nhận của một tâm hồn rộng mở “Tôi ngửi được mùi lá cây, cỏ dại, nước sông, mùi đất…”, và thấm hiểu cuộc sống “Hoàn cảnh khắc nghiệt thế nào thì con người cũng thích nghi được”.
Với một phụ nữ trung niên, ở tuổi đã nghỉ hưu, thay vì nỗi buồn quá rảnh rỗi mà lại thiếu điều kiện để đi đó đi đây, nhiều người đã bỏ phí khoảng “thời gian vàng” một cách đáng tiếc. Ngay cả các bạn trẻ quen sống với sức ỳ cũng sẽ bỏ phí như vậy. Đọc Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ, ta thêm quý thời gian và những vùng đất mà ta có cơ duyên đặt chân đến. Phần 4: Đông Nam Á với các bài viết ghi nhận từ các chuyến đi tới Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Indonesia đậm chất du ký, mang đến những trải nghiệm mới lạ với ngay cả những người đã từng được du lịch tới các vùng đất này. Những ánh mắt ấm áp, Những người Việt trẻ tôi gặp ở Pakse (Lào), Bốn ngày đi bốn nước, Mưa chiều Yangon, Nắng vàng Bagan và mùi hương bí ẩn trong gió sớm, Tiếng xe ngựa ở Inle, Hai ngày ở Mandalay, Đi xe ôm ở Bali và “vụ án” trái sầu riêng… những bài viết của Đào Thị Thanh Tuyền không chỉ mang đến cho bạn đọc kiến thức địa lý, văn hóa về những vùng đất chị đi qua, những so sánh để hiểu về “xứ mình”, mà còn chia sẻ kinh nghiệm thực tế của một người phụ nữ ở tuổi trung niên vẫn tràn đầy hứng khởi khi “khoác ba lô lên và đi”, sử dụng tiện ích công nghệ để khám phá vùng đất mới hiệu quả không thua gì cánh trẻ.
Có lẽ là một ẩn ý khi cuốn sách Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ được khép lại bằng phần 5: Ruổi rong nỗi nhớ, tác giả trở về với Nha Trang quê hương, với những địa danh thân thương qua các bài viết Thành xưa, Hồn quê!, Nhớ Cửa Bé Nha Trang, Người của Nha Trang, Màu xanh nhớ Tết… Những ký ức của Đào Thị Thanh Tuyền là ký ức của lớp người 5-6x, gắn bó với Thành Diên Khánh, chợ Chụt, Cửa Bé… Là người ham học hỏi, thích tìm hiểu, chị viết được khá cặn kẽ về những làng chài nhỏ đến nỗi nhiều người không biết ở đâu; về những quán cà phê mang hồn cốt Nha Trang: hai quán Hòn Kiến và Lê Bảo, mà chị khẳng định đó là “đặc sản” của Nha Trang, không nơi nào có được, bởi điều đặc biệt: ở đó “chuyên trị dòng nhạc xưa”, và những giọng hát, tiếng nhạc khiến những người bạn “cùng cười và có thể khóc vì quá hạnh phúc”…
Và trong Ruổi rong nỗi nhớ, không thể không nhắc đến những món ăn quen mang hương vị tuổi thơ, mà chị đã gắn bó cả cuộc đời. Qua các bài viết: Ăn bánh căn mực ở chợ Chụt, Rau hàng rào, Cà tím nhớ thương, Bánh mì xưa, Nước mắm ngon giằm con cá liệt, Bánh nghệ ngày xưa, Nhớ bánh thuẩn… bạn đọc được khám phá thêm nét văn hóa ẩm thực của thành phố biển miền Trung, cái thời “sống chậm” mới thấy được hết vị ngon…
Có cảm giác rằng với cách sắp xếp các phần - mục của tập sách, tác giả vẫn để mở cho mình những khoảng trống mới để tiếp tục lấp đầy, để tiếp tục đi và viết. Đó phần nào thể hiện thái độ tích cực, như tự đặt mục tiêu với chính bản thân, một điều rất đáng trân trọng ở người viết. Không như các “phượt thủ” chuyên nghiệp, cũng không ham check in những gì tất cả mọi người đều “phải biết”, tác giả thong thả với cuộc chơi của chính mình, giản dị, khiêm nhường mà không kém phần thú vị, bổ ích. Chính vì thế, Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ mang đến cho bạn đọc một sự đồng cảm nhẹ nhàng: cuộc sống đời thường sẽ tươi mới và ý nghĩa biết bao, khi bất cứ ai cũng thể “rong ruổi” bằng cách của mình.
Bình luận (0)