Yếu tố còn thiếu để phát triển kinh tế số Việt Nam

22/12/2022 15:29 GMT+7

Ngoài lực lượng nhân sự về công nghệ thông tin (CNTT) đang thiếu hụt, kinh tế số còn đòi hỏi sự xuất hiện của nhóm người tiêu dùng mới.

Chuyển đổi số hướng đến mục tiêu chính phủ số, xã hội số và kinh tế số đang đặt ra nhiều thách thức cũng như cơ hội cho Việt Nam để kịp đà phát triển với thế giới. Theo PGS-TS Đào Ngọc Tiến - Phó hiệu trưởng Trường đại học Ngoại Thương (FTU), Việt Nam đã trải qua một giai đoạn phát triển về kinh tế và ở thời kỳ mới, kinh tế số sẽ là cơ hội phải nắm bắt kịp thời để chuyển sang giai đoạn tăng trưởng mới, tiếp tục vươn lên. Ông cho rằng để đạt được những khái niệm như xã hội số, kinh tế số, chính phủ điện tử… thì Việt Nam cần phải có con người số.

Nền kinh tế số cần tới nhóm người tiêu dùng số để phát triển

chụp màn hình

Lãnh đạo FTU đánh giá Việt Nam có tiềm năng và nhiều kịch bản khác nhau để phát triển kinh tế số nhưng đang thiếu nhân lực để phục vụ cho lĩnh vực này, do đó đào tạo con người cho phát triển cần được quan tâm. Tuy nhiên, nhân lực không chỉ gói gọn trong khái niệm về lực lượng kỹ sư CNTT mà còn phải nhìn rộng hơn ra toàn xã hội.

"Người tiêu dùng trải nghiệm và phản hồi cũng như xây dựng uy tín cho doanh nghiệp. Chúng ta cần người tiêu dùng cũng phải 'số', cần các công dân số. Đó cũng là lý do thiếu hụt cả nhu cầu về nhân lực. Chúng ta cần đưa kỹ năng, năng lực số tới cho các bạn sinh viên ngay từ khi còn trong mái trường đại học", ông nhấn mạnh.

Cụ thể, việc đào tạo và sớm tiếp xúc với môi trường số sẽ giúp hình thành nhóm người tiêu dùng hiện đại để phục vụ cho quá trình phát triển thực tế, thúc đẩy nền kinh tế. Nhóm người này, với sự hiểu biết về thời đại và công nghệ sẽ chính là những người sáng tạo ra các mô hình kinh doanh mới để có thể vươn tới những mục tiêu chuyển đổi số đã đề ra.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận và triển khai công nghệ mới, bắt kịp xu hướng phát triển sẽ mở ra thêm các cơ hội cho xã hội cũng như doanh nghiệp Việt. "Blockchain là công nghệ khi đưa vào ứng dụng sẽ tạo ra được rất nhiều mô hình kinh doanh mới. Hiện nay tài nguyên của nền kinh tế số chính là dữ liệu, nếu muốn khai thác tốt thì nguồn này phải mở nhưng vẫn đảm bảo tính xác thực, không ai được thay đổi thông tin", PGS-TS Đào Ngọc Tiến đánh giá tại buổi ký thỏa thuận hợp tác giữa Trường đại học Ngoại thương cùng Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) diễn ra sáng 22.12.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.