Dạy trẻ làm chủ đồng tiền

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
16/09/2019 08:37 GMT+7

Nhiều chuyên gia nhìn nhận, việc thiếu hụt kiến thức nền tảng về tài chính làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tổ chức cuộc sống sau khi trưởng thành của người Việt . Ngoài ra, điều này còn khiến cách ứng xử của các em với đồng tiền bị lệch lạc.

 

Hổng kiến thức về tài chính trong giáo dục phổ thông

Dạy trẻ cách tiêu tiền cũng chính là dạy chúng học cách làm người, làm chủ
bản thân trước sức hút của đồng tiền trong thời buổi hiện nay

Tiến sĩ xã hội học - thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy

Tiến sĩ Trần Thị Phương Nam, Phó giám đốc Trung tâm ứng dụng khoa học giáo dục, Viện Khoa học giáo dục VN, là chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu tích hợp nội dung tài chính trong chương trình giáo dục phổ thông mới” do dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông đặt hàng.
Tiến sĩ Phương Nam cho biết ở nhiều nước trên thế giới, kiến thức và kỹ năng cơ bản về tài chính và quản lý tài chính đã được đưa vào chương trình giáo dục từ rất sớm và thông qua nhiều cách thức. Tuy nhiên ở VN, nội dung này còn mờ nhạt, qua hoạt động của một vài dự án chỉ dừng lại ở mức độ vận dụng, liên hệ, giáo dục tiết kiệm.
“Kết quả khảo sát của Tổ chức Save the Children cho thấy nhiều thanh thiếu niên không có kiến thức, kỹ năng trong việc quản lý tiền bạc, ảnh hưởng khá nhiều cho kế hoạch tổ chức cuộc sống sau khi trưởng thành. Trong khi đó, cha mẹ chưa nhận thức những rủi ro, hay hậu quả của việc đưa tiền cho trẻ. Khi trẻ có nhiều tiền mà lại thiếu sự quan tâm của người lớn, thiếu kỹ năng, trẻ sẽ tiêu xài hoang phí hay sử dụng vào những hoạt động có hại như nghiện game, đua đòi với bạn, bị bạn rủ rê sử dụng ma túy... rất nguy hiểm”, tiến sĩ Phương Nam nhìn nhận.
Theo tiến sĩ Nam, hầu hết phụ huynh đều thấy việc giáo dục con biết quý sức lao động, giá trị đồng tiền, hiểu biết những vất vả của cha mẹ khi kiếm tiền… là cần thiết, nhưng phần lớn lại không có kiến thức nên chưa tự tin khi dạy con.
Ông Hồ Thanh Bình (Ban Nghiên cứu chính sách và chiến lược giáo dục, Viện Khoa học giáo dục VN), thành viên nhóm nghiên cứu đề tài trên, cũng cho rằng việc giáo dục tài chính đối với trẻ rất quan trọng. “Những trẻ không được tiếp xúc và dạy về giá trị đồng tiền từ nhỏ thì khi lớn lên sẽ ngơ ngác, không biết cách tính toán, sử dụng đồng tiền thiếu thông minh và hiệu quả, khó độc lập về tài chính. Vì thế, nên dạy trẻ cách tiêu tiền từ bé. Cần lồng ghép vào các môn học nội dung về tài chính. Từ đó sẽ hình thành được tư duy tài chính cho trẻ, lớn lên mới có thể làm chủ được đồng tiền”, ông Bình nhận định.

Cách ứng xử của cha mẹ là bài học gần gũi nhất

Đề xuất 4 nội dung đưa vào trường học

Tiến sĩ Trần Thị Phương Nam cho rằng cần thiết phải có nội dung giáo dục tài chính trong trường học nhằm trang bị cho trẻ những kiến thức về quản lý tài chính và kỹ năng sống như: kỹ năng về thực hành tiết kiệm, quản lý tiền bạc, kinh doanh

4 chủ đề giáo dục tài chính mà nhóm nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu tích hợp nội dung tài chính trong chương trình giáo dục phổ thông mới” đề xuất đưa vào trường phổ thông là: tiền và giao dịch tiền tệ, lập kế hoạch và quản lý tài chính, rủi ro và cơ hội phát triển tài chính, và thể chế/cơ chế tài chính.
“Ngày nay, các em cũng phải hiểu rằng người có kỹ năng tốt và năng lực nghề nghiệp tốt thì sẽ có thu nhập cao hơn. Từ đó các em thấy sự liên quan giữa học tập và thu nhập để tìm cho mình con đường/công việc phù hợp nhất với mong muốn và khả năng”, tiến sĩ Nam chia sẻ.


Tiến sĩ xã hội học - thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, phân viện tại TP.HCM, cho rằng vai trò của cha mẹ trong việc dạy con về giá trị của đồng tiền là rất quan trọng. Tiến sĩ Thúy nêu quan điểm: “Dạy trẻ cách tiêu tiền cũng chính là dạy chúng học cách làm người, làm chủ bản thân trước sức hút của đồng tiền trong thời buổi hiện nay. Sự nuông chiều quá mức hay nghiêm khắc thái quá trong việc dạy con ứng xử với đồng tiền đều bất lợi. Chúng ta đừng bao giờ đưa phần thưởng hay tiền bạc ra khích lệ con cái, như thế là vô tình gieo rắc vào con lối sống cá nhân, thực dụng”.
Theo tiến sĩ Thúy, cha mẹ nên thường xuyên trao đổi với con về vấn đề tiền bạc bằng cách chia sẻ về bản thân, về những chọn lựa, sai lầm và cả thành công của mình trong cuộc mưu sinh để có được đồng tiền. Bà Thúy cho rằng một đứa trẻ biết kiếm được tiền khổ cực ra sao, biết để dành hay tiêu xài một cách khôn ngoan, mai sau dễ thành công trong cuộc sống, trên thương trường hay trong việc quản lý tài chính của gia đình.
Từ kinh nghiệm của mình, bà Chu Thị Ngọc Hạnh, Giám đốc tài chính của Navigos Group, chia sẻ: “Nhiều bạn trẻ hiện nay có cái nhìn lệch lạc về giá trị của đồng tiền. Các bạn mong muốn có thu nhập cao không dựa trên đóng góp của bản thân mà chỉ dựa vào nhu cầu tiêu dùng của bản thân. Đó là hệ quả của việc từ nhỏ đến lớn, các bạn chưa được trang bị kiến thức về giá trị của lao động. Nhiều phụ huynh cho con tiền từ bậc tiểu học nhưng không dạy cách chi tiêu thế nào là hợp lý, không giảng giải đồng tiền đó có được từ đâu… nên dù tiếp xúc với tiền từ nhỏ, lớn lên trẻ vẫn chưa hiểu được giá trị thực sự của đồng tiền”.
Bà Dương Thị Thu Trang, giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng lưu ý cha mẹ không nên sử dụng tiền để thưởng khi con được điểm 10 vì như vậy con sẽ luôn quy đổi mọi thứ ra tiền, coi tiền là tất cả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.