'Đỏ mắt' tìm giáo viên tiếng Anh

Bích Thanh
Bích Thanh
12/12/2019 07:28 GMT+7

TP.HCM buộc phải gửi văn bản đến Bộ GD-ĐT xem xét điều chỉnh tiêu chuẩn tuyển dụng giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học do khan hiếm giáo viên môn này.

Vào đầu tháng 11, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ GD-ĐT xem xét điều chỉnh tiêu chuẩn trong việc tuyển dụng giáo viên (GV) tiếng Anh bậc tiểu học tương tự như quy định tuyển dụng đối với GV THCS, THPT. Hiện nay, yêu cầu về trình độ đào tạo của GV THCS và THPT chỉ cần có bằng tốt nghiệp CĐ, ĐH trở lên, phù hợp với bộ môn giảng dạy và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm... Trong khi đó, yêu cầu về trình độ đào tạo đối với GV tiểu học bắt buộc phải tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm, cụ thể là “có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm, ĐH sư phạm tiểu học hoặc bằng CĐ, ĐH sư phạm các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy”.

Giáo viên “dứt áo ra đi” dù được “cưng như trứng mỏng”

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết sở dĩ TP đề xuất việc điều chỉnh bởi quy định bắt buộc phải tốt nghiệp ngành sư phạm là một tiêu chí bó hẹp khiến việc tuyển GV tiếng Anh cho bậc học càng ngày càng khó. Đây là một thực tế mà ông Đỗ Thế Phương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Hà (Q.Bình Thạnh), cũng nhìn nhận: “Năm nào cũng đỏ mắt tìm GV, khó khăn lắm, đến mức phải cưng như “trứng mỏng” để mong giữ người gắn bó với trường; bởi mức thu nhập trong trường chỉ bằng một phần rất nhỏ so với việc đi dạy thêm ở các trung tâm mà ở ngoài còn không bị áp lực giờ giấc, giáo án...”.
Vào cuối năm học 2018 - 2019, trong một buổi làm việc với Ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM, lãnh đạo Sở GD-ĐT đã cung cấp thông tin: Cùng lúc, có 3 GV tiếng Anh của một trường tiểu học được coi là “hot” nhất TP xin nghỉ việc, dù ban giám hiệu nhà trường năn nỉ. Thời điểm đó, một thành viên trong đoàn giám sát nói rằng: “Thông tin gây sốc với tôi, bởi việc tuyển GV tiếng Anh luôn được cảnh báo là vô cùng khó khăn. Giờ đây, ngay cả GV ở trường trung tâm, có điều kiện như vậy mà cũng “dứt áo ra đi” thì ở những quận huyện ngoại thành, sao tuyển được GV”.

Tuyển dụng hoài mà không có người đăng ký

Việc tuyển GV môn học này đang gặp tình trạng chung, chỉ tiêu thì nhiều mà tuyển chẳng được bao nhiêu. Theo thống kê của một lãnh đạo Sở GD-ĐT, hằng năm, tổng chỉ tiêu của các quận huyện vào khoảng 200 GV tiếng Anh bậc tiểu học nhưng thực tế tuyển dụng có khi chỉ đạt khoảng 10%, có quận còn không tuyển được GV nào.
Từ việc không có nguồn tuyển nên có quận, huyện chấp nhận tình thế “đánh rớt thì thiếu mà đánh đậu thì yếu”. “Chỉ cần có GV, sau đó tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, phương pháp sư phạm, các công tác hành chính, giao tiếp với phụ huynh... Nhưng như vậy cũng không tuyển đủ chỉ tiêu”, phó phòng giáo dục một quận cho hay.
Còn ông Tạ Tân, Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Phú, cho hay năm học 2019 - 2020, các trường tiểu học có nhu cầu tuyển 47 GV nhưng cuối cùng chỉ có 13 ứng viên tham gia tuyển dụng.
Hay như Q.11, để chuẩn bị cho năm học mới, Hội đồng tuyển dụng GV của quận công bố cần tuyển 21 người nhưng chỉ tuyển được 2 ứng viên. Thế nhưng, đến ngày nhận nhiệm sở thì cả hai người này đều từ chối vì đã chọn công việc khác.
Tương tự, Q.8 cũng có nhu cầu tuyển 8 GV tiếng Anh cho các trường tiểu học. Tuy nhiên, Hội đồng tuyển dụng của quận này không nhận được bất kỳ hồ sơ nào. Tình cảnh này cũng đang diễn ra tại H.Bình Chánh. Lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện cho hay, cần tuyển 10 GV nhưng chưa có ứng viên đăng ký.
Ngay tại các đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT, tình hình cũng không khả quan hơn. Chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết năm học 2018 - 2019 và triển khai năm học mới 2019 - 2020 bậc tiểu học, ông Nguyễn Văn Hiếu cho hay trong kỳ tuyển dụng viên chức vừa rồi, Sở có nhu cầu tuyển 80 GV tiếng Anh nhưng chỉ có 65 ứng viên nộp đơn tham gia ứng tuyển.

Quy định tuyển dụng không phù hợp

Do không đủ chỉ tiêu GV nên hầu như các trường phải thực hiện hợp đồng thỉnh giảng hay sắp xếp GV tăng tiết để đảm bảo hoạt động dạy học. Nhưng 2 giải pháp trên đều là tình thế. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Truởng phòng Giáo dục Q.9, ngoài số tiết nghĩa vụ, nhà trường linh động xếp GV dạy một số tiết phụ trội nhưng cũng không thể kéo dài vì GV còn phải dành thời gian tái tạo sức lao động, chuẩn bị, đầu tư cho bài giảng.
Hiệu trưởng một trường tiểu học cho hay, những GV thỉnh giảng đều không đáp ứng tiêu chí tốt nghiệp sư phạm nhưng vẫn đang dạy tốt. Vì vậy, vị hiệu trưởng này cho rằng quy định hiện nay yêu cầu tuyển GV tiếng Anh bậc tiểu học phải có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm, ĐH sư phạm tiểu học hoặc bằng CĐ, ĐH sư phạm các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy là không phù hợp. “Các GV này không được tuyển chính thức nhưng vẫn được mời thỉnh giảng, có nghĩa là vẫn tham gia giảng dạy, vậy tiêu chí tuyển dụng có ý nghĩa gì?”, hiệu trưởng này đặt câu hỏi và đề xuất nên tuyển theo tiêu chí đáp ứng tiêu chuẩn chuyên môn, khung năng lực ngoại ngữ và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm do trường sư phạm cấp là có thể tham gia tuyển dụng.
Luật Giáo dục 2019 sẽ có hiệu lực vào tháng 7.2020 quy định chuẩn trình độ đào tạo của GV tiểu học là cử nhân thuộc ngành đào tạo GV. Trường hợp môn học chưa đủ GV có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo GV thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT cũng như các bộ ngành có liên quan nên sớm có hướng dẫn để các trường có thể tháo gỡ những khó khăn trong tuyển dụng GV, đặc biệt là GV tiếng Anh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.