Hội thảo do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH) phối hợp với Đại sứ quán Úc và Hiệp hội Doanh nghiệp - Phòng thương mại Úc tổ chức, thu hút sự tham gia của đại diện các trường ĐH, CĐ, trung cấp phía Nam, các chuyên gia đào tạo nghề và nhiều doanh nghiệp đến từ trong và ngoài nước.
Doanh nghiệp, nhà trường được gì khi hợp tác?
Có mặt tại hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp của Úc đã chia sẻ kinh nghiệp hợp tác với trường nghề tại quốc gia mình, từ đó đưa ra những giải pháp có tính chất tham khảo đối với thực tế ở Việt Nam.
Ông Mario, Giám đốc điều hành của Công ty Tradiebot Industries (Úc), đặt câu hỏi: “Trong mối quan hệ hợp tác này thì giá trị cho cả 2 bên là gì? Tôi được gì, anh được gì? Chúng ta phải chỉ ra được giá trị mà doanh nghiệp và nhà trường nhận được là gì? Muốn vậy, hai bên cần lắng nghe nhau, rồi cùng lên lộ trình và các tiêu chí đáp ứng nhu cầu của nhau. Tại Úc, Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề để mối quan hệ này 'đôi bên cùng có lợi'. Chúng tôi xây dựng lực lượng lao động gần như được 'đo ni đóng giày' cho doanh nghiệp”.
Thực tế cho thấy kỹ năng nghề của giáo viên chắc chắn không thuần thục như một người thợ, trong khi chuyên gia tại doanh nghiệp lại thiếu đi sự bài bản, phương pháp sư phạm của một người thầy. Vì thế, việc hợp tác sẽ chắc chắn làm cho chất lượng nguồn nhân lực nâng cao. Ông Nguyễn Cao trí, Tổng giám đốc Công ty NS BlueScope Lysaght Việt Nam (thuộc một tập đoàn sản xuất thép của Úc), cho rằng nếu doanh nghiệp liên kết với trường nghề thì doanh nghiệp có cơ hội cập nhật nội dung đào tạo mới, tiếp cận được lực lượng lao động tương lai và nhà trường cập nhật được công nghệ mới, giúp sinh viên và giáo viên có được kỹ năng thực tế. “Nhận thấy được việc hợp tác với trường nghề là có lợi, doanh nghiệp chúng tôi làm việc chặt chẽ với các trường ở Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng tàu, đưa cho họ tiêu chí đào tạo. Hằng năm có chương trình đưa sinh viên đến công ty từ 3-6 tháng để thực tập”, ông Trí thông tin thêm.
Thế nhưng, tại Việt Nam hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng có kế hoạch và tầm nhìn lâu dài về vấn đề sử dụng lao động, để cảm thấy “cần” trường học. Trong khi đó thì không phải trường nghề nào cũng đủ năng lực đáp ứng yêu cầu thực tế của doanh nghiệp, không phải trường nào cũng tạo được niềm tin về chất lượng đào tạo để khiến cho doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác. Đó là nhìn nhận của ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2.
Chính sách hỗ trợ chưa cụ thể
Ông Nguyễn Khánh Cường kể lại: “Mới đây có một tập đoàn quốc tế muốn nhập một số thiết bị đào tạo về Việt Nam để hỗ trợ cho việc đào tạo nhân lực, nhưng cuối cùng họ quyết định chuyển sang Thái Lan do chính sách của ta không có ưu đãi nào về thuế cho những hoạt động đào tạo của doanh nghiệp. Nếu đưa những thiết bị đó đến Việt Nam, họ phải chịu mức thuế cao như khi nhập thiết bị mới. Đó chính là một trong những khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp dù muốn đầu tư hợp tác đào tạo với trường nghề nhưng lại cảm thấy trở ngại”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để huy động doanh nghiệp tham gia xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề và đánh giá kỹ năng nghề quốc gia, cùng với trường nghề bắt tay đào tạo, thì Chính phủ phải cung cấp các chính sách ưu tiên cụ thể chứ không chỉ là “khuyến khích” chung chung.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp nếu không xây dựng cho mình chiến lược về nguồn nhân lực lâu dài bằng cách hợp tác với trường nghề để chuẩn hóa đào tạo nhân lực thì đến một thời điểm nào đó sẽ bị “hụt hơi” cho dù doanh nghiệp có rất rất nhiều tiền. “Vì tiền chỉ có thể mua thiết bị, máy móc, công nghệ nhưng không thể ngay lập tức 'mua' được một đội ngũ nhân lực đủ năng lực để vận hành quy trình, máy móc đó”, ông Trường nêu quan điểm.
Bình luận (0)