Nữ hiệu trưởng trường nghề: Ngôi trường chính là tổ ấm thứ hai

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
19/10/2019 18:56 GMT+7

'Chúng tôi xem ngôi trường như ngôi nhà, tổ ấm thứ hai của mình. Phụ nữ làm lãnh đạo là như thế, công việc không chỉ là trách nhiệm, mà còn gửi biết bao tâm tư, tình cảm ở đó", cô Ngô Thị Quỳnh Xuân chia sẻ.

Giấu hết yếu đuối vào trong

Cô Phạm Quang Trang Thủy từ một nữ chủ tịch phường ở Q.5, TP.HCM, lại có cơ duyên về Trường trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ Hùng Vương làm việc. Năm 2013, cô Thủy trở thành hiệu trưởng. Trường trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ Hùng Vương là một trường tự chủ nên tuyển sinh là việc sống còn của trường.
"Để có người học, chăm lo tốt cho đời sống giáo viên quả thực là khó khăn. Phụ nữ làm lãnh đạo, cùng lúc phải chu toàn cho gia đình, vừa phải lo tốt công việc ở trường. Nhiều lúc việc nhà việc trường dồn dập, tôi phải sắp xếp sao cho ổn thỏa. Trách nhiệm với gia đình cũng nặng nhưng là lãnh đạo, tôi không thể lấy cớ bận việc giao đình để không chu toàn việc của cơ quan. Có nhiều hôm chỉ còn lại một mình mình trong căn phòng lặng lẽ, cả trường đã về hết, tôi bật khóc nức nở, tự hỏi vì sao mình lại khổ cực thế này. Giờ đó, những người mẹ khác đang được trở về ngôi nhà ăn cơm tối cùng gia đình, vui đùa cùng con, còn mình vẫn ngồi ở đây. Tôi chắc chắn nhiều người phụ nữ làm lãnh đạo đều trải qua cảm xúc tủi thân đó", cô Thủy xúc động kể lại.
Rồi có những thời điểm trường gặp khó khăn, thấy giáo viên chưa được tạo điều kiện tốt nhất để làm việc, cô Thủy cảm thấy bất lực, nghẹn ngào. Nhiều đêm cô thức khuya lo công việc, người gần như không còn sức lực nhưng sáng hôm sau cô vẫn tới trường đúng giờ, gặp thầy cô, học trò, cô vẫn vui vẻ, tươi cười hỏi thăm như một người đang có rất nhiều năng lượng. "Bao nhiêu yếu đuối, stress đều phải giấu hết vào trong. Vì mình là người đứng đầu luôn phải tỏ ra cứng rắn, luôn phải vui vẻ và không cho phép thể hiện cảm xúc tiêu cực làm ảnh hưởng tới người khác", cô Thủy chia sẻ.

Cô Quỳnh Xuân thấy may mắn vì có những cộng sự hỗ trợ mình đắc lực

NVCC

Cô Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn, làm hiệu trưởng đã được 15 năm. Cô Xuân cho biết: "Chức năng của người phụ nữ là chăm lo gia đình, con cái, nếu làm lãnh đạo thì quỹ thời gian phải chia đều ra. Để dung hòa được chuyện nhà, chuyện cơ quan là vô cùng căng thẳng. Có những hôm có cuộc họp quan trọng đột xuất, trong khi con bị bệnh đang rất cần mình, hoặc gia đình đang rất cần mình, nhưng không thể nào chạy về nhà được. Trách nhiệm của một người đứng đầu khiến cho mình phải bằng mọi cách sắp xếp chu toàn mọi chuyện để việc cơ quan không bị lỡ. May mắn là mình có một ê kíp làm việc tâm huyết, đồng thuận nên được an ủi nhiều".
Thường ngày giáo viên và học trò thấy cô Quỳnh Xuân lúc nào cũng tươi cười, vui vẻ như không bao giờ biết buồn, biết chán, "nhưng là bởi mình đã giấu hết mọi thứ vào trong. Mình muốn các thầy cô và học trò thấy mình vui vẻ để có năng lượng tích cực, có niềm tin. Chứ người phụ nữ dù có mạnh mẽ, quyết đoán bao nhiêu thì cũng không tránh khỏi có những phút giây yếu đuối", cô Xuân thổ lộ.

Không có thời gian chăm sóc cho bản thân

Tại Trường CĐ Kỹ nghệ II, giáo viên và học trò cũng hiếm khi nào thấy cô Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng của trường có lúc nào buồn bã hay mất tinh thần. Dù cường độ làm việc luôn cao nhưng lúc nào cô Hằng cũng tràn đầy năng lượng. Cô Hằng cho rằng mình luôn cảm thấy vui và say mê với công việc vì chỉ có say mê mới tạo ra năng lượng, từ đó tư duy và sáng tạo tốt hơn.

Cô Nguyễn Thị Hằng luôn say mê với công việc

NVCC

Vừa lo việc trường, vừa lo việc nhà, cô Hằng nhiều lúc rất muốn giành thời gian đi làm đẹp, chăm sóc bản thân. "Là phụ nữ mà, tôi cũng muốn mình đẹp hơn, tóc tai, áo quần điệu đà hơn. Nhưng rồi ít thời gian quá, công việc lại nhiều, tôi đành bỏ ý định đó. Tôi luôn cố gắng cân bằng giữa công việc ở trường với cuộc sống gia đình, tuy nhiên có phần nghiêng một chút về công việc. Làm lãnh đạo cực lắm nhưng mà có nhiều niềm vui. Đơn giản thôi, như khi nhìn thấy sinh viên khẽ cúi đầu chào mình rồi cười xinh tươi. Hoặc có lúc đang đi ở sân trường nắng, các em đi phía sau bật dù che cho cô... Mới đây, lần đầu tiên tôi dẫn học trò đi thi Kỳ thi tay nghề thế giới, các em đã mang về được chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc..." 

Những giọt nước mắt hạnh phúc

Cô Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, may mắn khi có gia đình hỗ trợ, ủng hộ tối đa công việc ở trường. Vì làm lãnh đạo nên cô luôn phải mạnh mẽ, quyết đoán đúng thời điểm để mang lại những điều tốt nhất cho trường. 

Cô Nguyễn Thị Lý

NVCC

"Tuy nhiên cũng có những lúc tôi gặp khó khăn khi phải dung hòa mọi thứ. Nhưng tôi chưa bao giờ khóc hay chán nản. Những giọt nước mắt tôi dành cho hạnh phúc và sự chia sẻ. Tôi vui sướng đến trào nước mắt khi thầy cô hay học trò của mình đạt được một thành tích nào đó. Tôi cũng nhiều lần rơi nước mắt khi lo được cho giáo viên một chính sách tốt, được tạo điều kiện làm việc cho anh em. Nhìn thấy các đồng nghiệp vui mừng vì điều đó tôi cũng muốn khóc. Tôi vẫn thường nói với các thầy cô là nếu tôi bỏ chức danh hiệu trưởng ra thì tôi cũng là một giáo viên như mọi người. Vì thế, mọi người hãy đối xử với nhau thân thiện, không câu nệ, cùng nhau chia sẻ tâm tư, coi ngôi trường như ngôi nhà của mình để cùng đồng thuận, gắn bó và cống hiến", cô Lý chia sẻ.

Cô Phạm Quang Trang Thủy hạnh phúc khi được học trò tặng quà sinh nhật là những tấm huy chương tay nghề ASEAN

NVCC

Cô Trang Thủy cũng nhiều lần bật khóc khi nhìn thấy giáo viên, học trò của mình mừng vui khi đạt được thành tích trong công việc, học tập. Có lần, cô Thủy dẫn học trò đi thi Kỳ thi tay nghề ASEAN, Việt Nam liên tục được xướng tên vì giành được nhiều huy chương. "Khoảnh khắc đó đúng là 'vui sao nước mắt lại trào'. Hôm đó lại đúng là sinh nhật của tôi. Các học trò đã đeo vào cổ tôi những tấm huy chương như một món quà vô giá, rồi đợi lúc sân khấu đã hết người, tất cả cùng chạy lên hát chúc mừng sinh nhật... Những niềm hạnh phúc như thế đã tiếp sức cho tôi vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục công việc nặng nhọc của một người lãnh đạo", cô Thủy tâm sự.
Từ những ngôi trường ban đầu chỉ là trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề chỉ có vài chục học sinh, đến nay, những trường CĐ, trung cấp này đều phát triển, thu hút hàng ngàn người học mỗi năm. "Chúng tôi xem ngôi trường như ngôi nhà, tổ ấm thứ hai của mình. Phụ nữ làm lãnh đạo là như thế, công việc không chỉ là trách nhiệm, mà còn gửi biết bao tâm tư, tình cảm ở đó", cô Ngô Thị Quỳnh Xuân chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.