Giáo viên và những câu chuyện dạy học online trong mùa dịch Covid-19

25/02/2020 18:32 GMT+7

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các trường học phải tạm nghỉ, giáo viên tập làm quen với phương pháp dạy học online với không ít bỡ ngỡ.

Việc dạy học online do học sinh nghỉ vì dịch Covid-19 sau gần một tháng đã giúp giáo viên có được những trải nghiệm nhất định.

Giáo viên vất vả nhưng có lợi cho học sinh

Nói về kinh nghiệm dạy online trong thời gian học sinh nghỉ học phòng dịch Covid-19, thầy Đinh Trọng Nghĩa, dạy môn vật lý Trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi), cho biết: “Thứ nhất là việc quay phim. Các giáo viên trẻ có thể dễ dàng thao tác trên máy móc, thiết bị nhưng đối với các giáo viên lớn tuổi thì có đôi chút khó khăn. Thứ hai đó là trình độ quay phim. Các giáo viên hầu hết đều khó khăn khi chỉnh các góc quay của máy. Mình chỉ để một góc cố định để có thể lấy bao quát toàn bảng để giảng cho các em. Tuy nhiên điều này có lợi cho học sinh khi các em có thể quan sát rõ bài giảng”.

Thầy cô sửa bài online cho học sinh và phản hồi qua các ứng dụng tin nhắn như Messenger

Theo thầy Nghĩa, tuy giáo viên gặp một số khó khăn nhưng việc chuẩn bị bài giảng online sẽ có lợi cho học sinh so với việc giảng dạy truyền thống. Thầy Nghĩa chia sẻ: “Giáo viên chuẩn bị bài giảng mỗi lần livestream khá chuẩn và kỹ nên học sinh có thể linh động trong việc tiếp thu bài giảng. Học sinh có thể học bất kỳ lúc nào. Ngoài ra, học sinh có thể điều chỉnh dừng lại, nghiền ngẫm bài giảng, khi nào hiểu lại tiếp tục học. Còn bạn nào học tốt thì có thể tua nhanh bài giảng".
Đối với việc làm bài tập về nhà , thầy Nghĩa cho biết: "Sau khi kết thúc bài giảng, mình giao bài tập về nhà trong một nhóm chat riêng của mỗi lớp. Các học sinh sẽ giải bài tập vào vở xong chụp hình lại và gửi riêng cho thầy, thầy sẽ chấm bài và gửi ngay điểm lại vào trong nhóm. Để tránh tình trạng các bạn copy bài nhau thì mình chỉ để phần điểm và bôi mờ đi phần lời giải".
Thầy Trương Duy Hướng (giáo viên hóa học, Trường THPT chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi) cho biết: “Về mặt thiết bị cũng tương đối dễ dàng vì các em hầu hết có thể sử dụng điện thoại, máy tính bảng, vi tính để học tập. Tuy nhiên không thể nói là không có khó khăn. Mặc dù đã được thông báo nhưng mỗi buổi học không phải tất cả học sinh đều tham gia, số lượng học sinh đạt chỉ khoảng 70%”.
Việc tương tác và hướng dẫn cho học sinh cũng là một điểm hạn chế khi học online. “Nếu dạy với số lượng đông thì sẽ khó khăn hơn vì ở một thời điểm mình chỉ tương tác với một số học sinh nhất định, không thể bao quát cả lớp, dẫn đến hiện tượng mất thời gian cho cả thầy và trò.” Thầy Hướng chia sẻ thêm.

Nhìn lại tròn 1 tháng Việt Nam chống lại dịch bệnh Covid-19

Học sinh hào hứng nhưng không được gặp bạn bè

Việc học online, theo thầy Đinh Trọng Nghĩa,  học sinh có tâm lý thích thú vì mới lạ và được sử dụng các thiết bị công nghệ, đồng thời tạo cảm giác thoải mái. "Những ngày qua mình liên tục nhận được tin của các em với nội dung như: “Bao giờ có video mới hả thầy? Khi nào thì thấy up bài giảng mới, lâu quá”. Các em đón nhận chứng tỏ là mình đã thành công một phần. Chỉ có thiệt thòi là các em không được gặp gỡ bạn bè như việc học truyền thống”, thầy Nghĩa chia sẻ.
"Dù việc dạy học online xuất phát từ việc bùng phát dịch Covid -19 nhưng mình nghĩ về lâu dài xu thế dạy học online nên được khuyến khích để các thầy cô có thể dễ dàng hơn trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh...", thầy Nghĩa mong muốn.

“Việc học online rất tốt nhưng muốn duy trì lâu dài thì nên có những thay đổi nhỏ. Khi học online học sinh có thể thoải mái khi học tập, sắp xếp được khung giờ linh động. Tuy nhiên để duy trì hiệu quả thì chúng ta có thể chia số lượng tham gia lớp học một cách hợp lý, chia đối tượng dựa vào trình độ của từng em để việc giảng dạy hiệu quả hơn”, thầy Hướng chia sẻ.

Dạy online gặp hạn chế với những ngành đặc thù

Đối với giảng viên và sinh viên các ngành liên quan đến đồ họa, kiến trúc… việc học online sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng sản phẩm. Trần Công Trọng (giảng viên khoa thiết kế đồ họa, Trường ĐH Văn Lang, TP.HCM) cho biết: “Hạn chế là đặc thù của ngành mình không phù hợp với dạy online. Ví dụ khi làm việc với một mô hình in ấn của sinh viên thì giảng viên sẽ trực tiếp chỉnh sửa đường gấp, giúp hoàn thiện bài của sinh viên. Hoặc về kỹ thuật cắt may, các thầy cô phải tự tay chỉnh sửa chứ không thể nói suông. Vì vậy, các thầy cô đều đồng ý rằng dạy online chỉ là giải pháp tình thế trong mùa dịch chứ không thể giải quyết triệt để việc cung cấp kiến thức cho sinh viên".

Các sinh viên học ngành đồ họa, kiến trúc

“Vì đặc thù ngành nghề nên khi dạy học online chắc chắn sẽ thiếu trực quan hơn rồi. Thêm nữa một số bạn ở quê chưa lên, laptop còn để ở thành phố thì không thể nào thực hiện bài tập. Giảng viên vẫn lên lớp theo thời khóa biểu, giảng bài cho sinh viên. Một điều bất tiện là tuy sinh viên có mở mic nhưng mình không quan sát được thái độ sinh viên để biết các bạn có tập trung vào bài giảng và hiểu những gì mình đang truyền đạt hay không” thầy Trọng chia sẻ.

Đừng dạy học online chỉ để đối phó
Giờ đã là cuối tháng 2, mọi năm đây là lúc học sinh đang chuẩn bị cho đợt kiểm tra giữa học kỳ 2 để rồi các lớp cuối cấp vừa chạy chương trình vừa gấp rút ôn luyện cho những kỳ thi quan trọng . Vậy mà giờ đây trường lớp vẫn im ắng do đợt nghỉ kéo dài vì dịch Covid-19 .
Trước sự cố dịch bệnh nguy hiểm, việc ngưng toàn bộ hoạt động dạy - học trong thời gian khá dài và chưa có dấu hiệu ngừng chắc chắn sẽ gây rất nhiều khó khăn cho ngành giáo dục, thế nên việc lo lắng tìm ra biện pháp ứng phó tạm thời của các cơ quan chức năng là điều dễ hiểu. Nhưng nhìn lại hoạt động dạy học online đang diễn ra ở một số nơi, thấy nhiều điều bất cập.
Các phòng giáo dục tại TP.HCM  tổ chức tập huấn dạy học online cho học sinh trong thời gian nghỉ học vì dịch Covid-19 nhưng việc vận dụng phương pháp đó đến từng giáo viên là một khoảng cách khá xa và có nhiều biến tấu .
Không phủ nhận trách nhiệm cũng như trăn trở của những thầy cô đặc biệt những người đang chuẩn bị cho học sinh của mình bước vào các kỳ thi cuối cấp quan trọng nhưng việc vội vã nóng lòng vì chạy theo chương trình vô tình dẫn đến những biện pháp không khả thi.
Là một  giáo viên vừa về hưu,  tôi hiểu rõ việc giảng dạy online với việc trực tiếp lên lớp cách nhau như thế nào nhất là đối với một số địa phương, trường học còn nhiều hạn chế về mọi mặt. Hãy đọc một vài thông báo của giáo viên trên nhóm học sinh sẽ thấy rõ: “Đọc nội dung chương… và làm hết bài tập trong chương”, hay “Học thuộc các bài từ bài … đến bài …” . Rõ ràng, đây chỉ là hình thức đối phó tạm thời,  không hiệu quả.
Thời gian này, hãy gửi đến các học sinh lời nhắn nhủ nhớ bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch, hãy đọc vài quyển sách hay, thỉnh thoảng xem và làm lại vài dạng bài tập đã học hay việc đánh trắc nghiệm cho một số môn… cũng là cách sử dụng thời gian nghỉ hiệu quả, còn nội dung của bài học mới hãy để dành cho ngày học lại.
Chúng ta còn cả mùa hè và trước mắt vẫn là đang mùa dịch Covid-19 .
Vũ Thị Mỹ Hạnh
 

Giáo viên mầm non mở gian hàng để tự cứu mình qua dịch Covid-19

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.