Kỹ sư lập trình Việt Nam giỏi hơn Singapore?

Hà Ánh
Hà Ánh
10/11/2019 12:19 GMT+7

“Dù chương trình tin học không tiên tiến như Singapore nhưng năng lực kỹ sư lập trình của Việt Nam được đánh giá cao hơn quốc gia này”.

Nhận định "Kỹ sư lập trình Việt Nam giỏi hơn Singapore" được nêu ra trong hội thảo “Xu hướng giáo dục trên thế giới và Việt Nam” do Liên minh giáo dục 4.0 phối hợp với Viện nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chiều 9.11.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ bài học từ những cường quốc giáo dục dù “tí hon” về dân số nhưng lại đạt được những thành tựu khổng lồ về giáo dục như Israel, Phần Lan và Singapore.

"Rất tốt so với các nước Đông Nam Á"

Bà Phạm Hải Yến, Giám đốc điều hành của School of Gumption (Singapore), đã đưa ra những thông tin khá thú vị về góc nhìn các nhà đầu tư nước ngoài về chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực lập trình.
Bà Hải Yến nói: “Có ý kiến nhận định Việt Nam có nguồn nhân lực rất tốt tính trong phạm vi khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là lực lượng kỹ sư lập trình – đó là sự thật”.
Bà Yến cho biết từng thụ hưởng chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam, học ĐH và sau đó công tác trong hệ thống giáo dục của Singapore qua nhiều vị trí khác nhau. Theo bà Yến, khi về Việt Nam thấy mọi người chê nền giáo dục trong nước rất nhiều. Nhưng ở Singapore, đặc biệt khi làm việc với hệ sinh thái khởi nghiệp, các nhà đầu tư, đặc biệt các quỹ đầu tư về khởi nghiệp có góc nhìn khác.
“Các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam rất nhiều bởi vì nguồn nhân lực Việt Nam được giáo dục tốt, có khả năng thích ứng, có đam mê, đặc biệt có kỹ năng lập trình rất tốt so với các nước Đông Nam Á. Đó là những cái mà tôi đã nghe rất nhiều lần từ các đối tác quan tâm đến nguồn nhân lực nước ta”, bà Yến nhấn mạnh.
Theo chuyên gia giáo dục đến từ Singapore này, đây là những gì tích cực mà nền giáo dục Việt Nam đã đạt được những năm qua.
“Ban đầu mình có suy nghĩ tại sao kỹ sư Việt Nam lại có khả năng lập trình rất giỏi, và mình đã nghĩ ra rằng môn toán ở đây đã dạy tư duy rất sâu, rất nền tảng và chắc chắn. Do đó mặc dù chương trình tin học không được tiên tiến như Singapore nhưng mà năng lực kỹ sư lập trình của Việt Nam được đánh giá cao hơn quốc gia trên”, bà Yến nói.

"Mỗi năm chi 3 tỉ đô cho học thêm"

Trong bài phát biểu của mình về bài học giáo dục Singapore, bà Hải Yến đã chỉ ra những nét tương đồng so với Việt Nam.
Theo bà, trước hết là tình trạng học thêm, bệnh thành tích và cuộc đua điểm số. Bà nói: “Mỗi một năm, theo thống kê thì phụ huynh Singapore – một đất nước nhỏ bé với khoảng 5 triệu dân, đã chi khoảng 3 tỉ đô la cho con em đi học thêm để có thành tích cao. Thậm chí các em bé nhỏ 2-3 tuổi đã được đi học thêm để khi bước vào lớp 1 sẽ dẫn trước các bạn. Đó là một thực tại của hệ thống giáo dục Singapore và khá tương đồng với Việt Nam”.
Bà Yến tiếp tục: “Đó còn là cuộc đua điểm số để vào các trường giỏi. Tâm lý xã hội vẫn nghĩ là con tôi điểm cao thì sẽ được vào trường, khi vào trường giỏi sẽ có bằng giỏi, sau đó sẽ có việc làm tốt và lương cao. Công thức này được hàng ngày truyền đạt từ phụ huynh, giáo viên tới con em nước ta trước đây. Công thức này có thể cần thay đổi vì doanh nghiệp đã nhận ra rằng có bằng giỏi nhưng không có kỹ năng để làm việc thì doanh nghiệp cũng không thể tuyển dụng được”.
Bên cạnh đó, chuyên gia này còn chỉ ra một số thách thức của nền giáo dục Việt Nam mà có nét tương đồng như đảo quốc sư tử là văn hóa nghe lời, nhận thức của mọi người về bản thân tham gia đóng góp vào sự thay đổi…
Nhưng khi nói về bài học từ Singapore, bà Yến đã nhấn mạnh về việc đào tạo giáo viên ở quốc gia này mà theo bà chỉ sau Phần Lan.
Theo đó, giáo viên ở đây không chỉ được đào tạo trước đó mà kể cả sau khi đi làm. Họ được đào tạo từ thiết kế chương trình, phương pháp giảng dạy, đánh giá kết quả, kỹ năng quản lý và lãnh đạo. Đặc biệt, chỉ riêng đào tạo giáo viên thì Singapore có tới 3 tổ chức lớn cùng tham gia: (1) tương đương với trường sư phạm ở Việt Nam, (2) học viện đào tạo giáo viên bồi dưỡng các kỹ năng chuyên môn và tiếp tục cập nhất các thầy cô, (3) Bộ GD-ĐT qua việc tổ chức nhiều chương trình đào tạo giáo viên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.