Ngày 9.9 trở thành một ngày khác biệt không chỉ đối với 5 con nuôi biên phòng mà còn với cả Đồn Biên phòng Cà Xèng (Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Bình). Hôm nay, những người lính quân hàm xanh phải dậy sớm hơn bởi họ còn phải thực hiện trách nhiệm lo cho 5 người con đồng bào dân tộc Rục, Sách (xã Thượng Hóa, H.Minh Hóa) mới nhận nuôi để chuẩn bị đến trường dự khai giảng muộn.
Đó là em Cao Ngọc Huyên (lớp 8, nhận nuôi vào ngày 16.5) và Cao Xuân Công (lớp 5), Cao Xuân Giang (lớp 6), Cao Văn Bằng (lớp 6), Cao Xuân Lệ (lớp 5) cùng được nhận nuôi vào ngày 4.9). Trong 5 em này, Bằng là con thứ 7 trong gia đình có 8 người con và đặc biệt khó khăn; 4 em còn lại đều mồ côi bố và gia đình nghèo, khó khăn.
Sáng sớm, khi nghe các chú bộ đội gọi, em nào cũng bật dậy nhanh nhẹn, vệ sinh cá nhân rồi ăn uống. Sau đó, các em được các chú bộ đội lấy áo quần đã là xếp mới tinh mang vào, chăm chút từng tí và cầm tay dẫn đến Trường tiểu học và THCS Thượng Hóa. Có 3 em học THCS ở điểm trường chính tại bản Yên Hợp, còn 2 em học tiểu học tại bản Mò O Ồ Ồ.
Đại úy Bùi Văn Hải, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cà Xèng, cho biết trước khi làm thủ tục nhận làm con nuôi của đồn, các em đã được xét thủ tục, khám sức khỏe. Lên ở đồn, các em giống như một quân nhân trong đơn vị với chế độ 109.000 đồng/ngày/người. Các em ngủ 2 phòng liên thông rất thoáng, em nào cũng có tủ tư trang cá nhân, tủ mới được đóng đưa về rất đẹp. Các em còn được đồn mua cho 5 chiếc xe đạp mới toanh với giá 1,5 triệu đồng/chiếc. Cuộc sống đang diễn ra như trong mơ đối với các em bởi trước đó là những ngày tháng đói khổ triền miên, cảnh ăn ở bẩn thỉu và thiếu thốn đủ thứ. Vì thế mà Cao Xuân Công bảo: “Em vui lắm. Em chưa bao giờ dám nghĩ em sẽ có được 1 chiếc xe đạp mới đẹp như thế này để đạp đi học”.
kinh tế đặc biệt khó khăn do điều kiện tự nhiên cách trở và họ cũng mới được hòa nhập cộng đồng gần đây nên ít có điều kiện học tập. Vì vậy, thời gian đầu mới lên đồn ở, các em gặp không ít bỡ ngỡ. Thậm chí ở đến ngày thứ hai, các em đã đòi về nhà. Đứa nào cũng nói nhớ mẹ, nhớ nhà. Trước tình huống đó, các chú biên phòng phải giải thích, động viên do trời mưa lũ chưa về được, cứ ở với các chú đã, ngày mai hết mưa các chú cho về. Hứa phải làm, ngày thứ ba, đồn cho người đưa các em về thăm nhà rồi trở lại đồn.
Người Rục, Sách ở Thượng Hóa “Lúc đầu các cháu rất nhút nhát, sinh hoạt khó khăn vất vả. Được giao đơn vị phụ trách kèm cặp, tôi phải hướng dẫn tất tầt tật mọi cái từ ăn uống ngủ nghỉ. Cơ bản các cháu vui vẻ, thực hiện theo sự chỉ dẫn của chú Hải; nắm bắt được sự hướng dẫn. Cháu Huyên ở một thời gian rồi nên có thay đổi rõ rệt về sinh hoạt, học tập, ứng xử. Những ngày trước mưa lũ các cháu được nghỉ học, sáng nay trường tổ chức khai giảng, các cháu được đồn đưa đi, chiều nay các cháu tự đi học bình thường”, đại úy Hải tâm sự.
Một tương lai tươi sáng đang mở ra đối với những người con nuôi biên phòng kể từ ngày khai giảng này.
Hiện Đồn Biên phòng Cà Xèng và 3 bản: Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ (xã Thượng Hóa) đang bị chia cắt, cô lập vì nước lũ bởi đường vào vẫn bị ngập 2 đoạn sâu từ 2 – 2,5 m với tổng chiều dài 1,5 km. Ngày 6.9, Đồn Biên phòng Cà Xèng đã hỗ trợ gạo và một số nhu yếu phẩm cần thiết đợt 3 cho 30 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và khai thông trục đường đi vào 3 bản bị sạt lở.
|
Bình luận (0)