Miệt mài ôn bài trong khu cách ly
Hơn 200 sinh viên trở về từ Daegu (Hàn Quốc) đang cách ly tập trung tại ở trong Trường quân sự tỉnh Quảng Ninh để phòng chống dịch bệnh Covid-19, có tâm trạng hoàn toàn thoải mái.
Sau khi dùng bữa sáng với suất bánh cuốn nóng hổi được các chú bộ đội mang đến tận phòng, Diệp Thị Phương Thảo (20 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) sinh viên năm thứ nhất Trường đại học Tổng hợp Kyungbuk lại mang giáo trình ra ôn luyện Hàn ngữ với 3 bạn trong phòng.
|
“Tôi vào đây đã được 10 ngày. Thời gian ở trong khu cách ly, tôi chủ yếu nghe nhạc, đọc sách và ôn luyện tiếng Hàn. Tôi thấy cuộc sống ở đây như thời gian ôn thi trong khu ký túc xá vậy”, Phương Thảo chia sẻ.
Cũng theo Phương Thảo, khi còn ở Hàn Quốc, quãng đường đến trường ai cũng phải đi qua khu vực giáo phái Tân Thiên Địa. Đến khi dịch bệnh xảy ra, ai cũng muốn đặt vé máy bay để nhanh chóng về tới Việt Nam. Tuy nhiên, khi nghe tin về nước sẽ phải cách ly thì nhiều người đã lo lắng. Nhưng thực tế khi vào khu cách ly tại Trường quân sự tỉnh Quảng Ninh thì mọi người đều thấy yên tâm phần nào.
Cũng không hoang mang trước dịch bệnh, Nguyễn Thị Hải Hà (20 tuổi quê thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) cho biết, các sinh viên trở về nước được cách ly tại đây đều coi Trường quân sự tỉnh Quảng Ninh như khu ký túc xá bên Hàn Quốc, còn 14 ngày cách ly là thời gian ôn thi.
“Chúng tôi ở đây không lo lắng về sức khỏe của mình bằng việc ở ngoài mọi người có kỳ thị mình bị cách ly hay không. Để tránh muộn phiền, các sinh viên chủ yếu ôn bài và rèn luyện Hàn ngữ khi phải nghỉ học dài ngày”, Hải Hà cho biết.
Cùng ở chung phòng với Hải Hà, cô gái trẻ 21 tuổi Đồng Thị Phương Hoa (quê Kim Thành, Hải Dương) cảm thấy yên tâm phần nào khi được ở cách ly là nơi doanh trại quân đội.
“Ngày nào gia đình cũng hỏi thăm tôi thông qua video call đến chục lần. Nhưng mọi người cảm thấy yên tâm vì các chú bộ đội ở đây chăm sóc rất chu đáo. Nếu thiếu thứ gì chỉ cần thông báo là được cung cấp tận nơi”, Phương Hoa nói.
Chị Hoa cho biết thêm, những người cách ly ở Trường quân sự tỉnh Quảng Ninh đa phần là sinh viên trở về Việt Nam từ Hàn Quốc. Mọi người không bi quan trước dịch bệnh mà đoàn kết và giúp nhau cùng chấp hành tốt quy định trong quá trình cách ly để sớm về với gia đình. Điều họ lo lắng chỉ là sự nhìn nhận thiếu tích cực từ cộng đồng bên ngoài.
Người cách ly cần gì có nấy
Theo Trường quân sự tỉnh Quảng Ninh, đơn vị đang đón hơn 260 người cách ly. Mỗi phòng cách ly tại đây rộng 30 m2, bố trí 3 - 4 người ở, có vệ sinh khép kín.
Từ 4 giờ hàng ngày, gần 20 cán bộ chiến sĩ bắt đầu nhóm lò chuẩn bị cho bữa sáng với gần 300 suất ăn. Các suất ăn đều được phục vụ đúng giờ. Sáng 6 giờ 30, trưa 11 giờ và chiều lúc 6 giờ. Thức ăn chia theo suất, mang đến từng phòng để tránh tập trung đông người.
|
Thượng tá Cao Cảnh Sơn, Phó hiệu trưởng Trường quân sự tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên thay đổi thực đơn để hợp khẩu vị với công dân đang cách ly tại đây. Ngoài ra, tại mỗi phòng đều có số điện thoại đường dây nóng. Khi cần mọi người có thể gọi điện trợ giúp”.
Cũng theo thượng tá Sơn, trong quá trình cách ly, các cán bộ quân y thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh sẽ thực hiện kiểm tra thân nhiệt 3 lần/ngày đối với những người đang cách ly. Những người đang cách ly cũng được hưởng suất ăn như chiến sĩ trong đơn vị là 57.000 đồng/người/ngày và được cấp phát đầy đủ các nhu, yếu phẩm cần thiết trước khi vào trường như bàn chải, kem đánh răng…
|
Thượng úy Bùi Thị Thắm, cán bộ quân y tại Trường quân sự tỉnh Quảng Ninh, cho biết hàng ngày chị còn hỗ trợ người cách ly mua sắm các đồ dùng sinh hoạt cần thiết, hỗ trợ mua vé máy bay, đưa người hoàn thành cách ly đón xe khách trở về với gia đình.
“Nhiều người cách ly ở đây đa số là chị em, nên có lần phải chờ đến khi gặp tôi để nhờ mua băng vệ sinh cá nhân hay nhiều thứ khác nữa. Biết người cách ly ở đây là sinh viên nên chúng tôi vẫn nhắc nhở các cháu dành thời gian để ôn bài”, chị Thắm nói.
Trước khi rời khu cách ly, chị Nguyễn Thùy Dung (20 tuổi, quê Thanh Hóa) chia sẻ: "Những ngày theo dõi sức khỏe tại Trường quân sự tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi coi đó là trách nhiệm của mình. Các sinh viên không bi quan mà coi thời gian này như là trải nghiệm, và vì sức khỏe bản thân và cộng đồng".
Bình luận (0)