Coi chừng bị 'vịn' khi đăng thông tin về virus corona trên mạng xã hội

Phạm Hữu
Phạm Hữu
29/01/2020 18:03 GMT+7

Theo Luật sư Nguyễn Hải Nam tùy vào mức độ vi phạm khi đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội nhất là những vụ việc về virus corona , người trẻ có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong những ngày qua, khi dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona bùng phát ở nhiều nơi, gây không ít lo lắng cho nhiều người. Bên cạnh những thông chính thống được công bố, nhiều bạn trẻ lại đăng tải những thông tin hóng hớt, không có kiểm chứng. Điều này dẫn đến thông tin sai lệch được lan truyền với tốc độ chóng mặt khiến nhiều người hoang mang lo sợ.
Cụ thể, vào khuya 27.1, facebooker T.T đăng tải thông tin “hiện tại Bệnh viện Lê Lợi, TP.Vũng Tàu có hai người Trung Quốc đang nghi vấn virus corona”. Thông tin này đăng tải 23 phút đã có gần 600 lượt chia sẻ và hơn 400 bình luận. Thông tin này đăng không có kiểm chứng và được lan truyền với tốc độ chóng mặt, khiến nhiều người dân và du khách hoang mang.

Theo thông tin mới nhất từ bệnh viện Chợ Rẫy một bệnh nhân Trung Quốc đã âm tính với virus corona

Duy Tính

Tuy nhiên, sau đó bác sĩ Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc Bệnh viện Lê Lợi, TP.Vũng Tàu khẳng định tới thời điểm hiện nay chưa có trường hợp nào nghi nhiễm virus corona nhập viện.
Ngày 28.1, bác sĩ Phước cho biết thêm đã đề nghị cơ quan an ninh mạng làm việc với những facebooker đưa thông tin không chính xác, trong đó có facebooker T.T.
Tại cơ quan công an, ông Tùng thừa nhận những thông tin mình đăng trên Facebook cá nhân Trần Tùng có người nhiễm virus corona là hoàn toàn sai sự thật; thông tin không được kiểm chứng, gây tác động xấu đến xã hội.
Tung tin sai sự thật là vi phạm pháp luật
Luật sư Nguyễn Hải Nam, Văn phòng Luật sư Công Quyền (TP.HCM), cho biết Luật An ninh mạng đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng không gian mạng. Trong đó, có các hành vi như: sử dụng không gian mạng để tuyên truyền chống nhà nước; xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; thông tin có nội dung bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác…

Hình ảnh nơi bé gái 15 tuổi người Trung Quốc cách ly tại Bệnh viện Nhi đồng 2 không nhiễm virus corona hôm 27.1

Duy Tính

Hiện nay, tình trạng nhiều người sử dụng mạng xã hội để đăng tin, hình ảnh giật gân, sai sự thật nhằm để câu “view”, câu “like” diễn ra khá phổ biến.
Tuy nhiên, nếu chỉ là hành vi đăng tải nhằm gây sự chú ý mà không gây thiệt hại cho xã hội, cho người khác thì rất khó để xử lý. Tuy vậy, hành vi tung tin sai sự thật rõ ràng là vi phạm pháp luật và bị nghiêm cấm, việc tung tin sai sự thật dù cá nhân tung tin không có chủ ý nhưng có rất nhiều hệ lụy có thể xảy ra mà người tung tin không thể lường trước được.
Nếu hành vi đó gây ra thiệt hại cho xã hội, cho người khác, tùy theo mức độ mà có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Nam cũng nói thêm, theo Điều 64 Nghị định 174/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, các hành vi sau đây bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng: “Tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan trừ trường hợp pháp luật quy định; miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, chém, giết, tai nạn rùng rợn trong các tin, bài, phim, ảnh; cung cấp nội dung thông tin mê tín dị đoan, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam;… Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước…”

Bệnh nhân xếp hàng chờ khám tại một bệnh viện ở Vũ Hán

AFP

Theo Điều 288 Bộ luật Hình sự cũng quy định về tội “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
Theo đó, hành vi đưa thông tin lên mạng nhằm thu lợi bất chính, hoặc gây dư luận xấu làm thiệt hại đến uy tín của cá nhân, tổ chức, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội… tùy theo mức độ nghiêm trọng mà có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.
Trên thực tế, cũng có nhiều vụ việc mà người sử dụng mạng xã hội đăng tin sai sự thật trên mạng nhằm câu “view”, câu “like” ví dụ như trường hợp của nam thanh niên đưa thông tin sai sự thật về dịch bệnh viêm phổi cấp ở Vũng Tàu chẳng hạn.
Những trường hợp này, có thể bị xử lý tuỳ theo mức độ hậu quả xảy ra, là có thề xử phạt hành chính theo nghị định Điều 64 Nghị định 174/2013 của Chính phủ hoặc xử lý hình sự theo Điều 288 Bộ luật Hình sự.
Mạng xã hội rõ ràng đã trở thành một công cụ làm việc, ứng dụng giải trí, là nguồn thông tin quan trọng trong cuộc sống của con người. Nhiều người sử dụng mạng xã hội một cách đúng đắn đã đem lại nguồn thu nhập hợp pháp đáng kể. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng chính là “con dao hai lưỡi” nếu người sử dụng mạng không biết sử dụng một cách tích cực và an toàn rất dễ dàng bị lãnh hậu quả mà người sử dụng mạng không thể lường trước được.
Do vậy, để sử dụng an toàn và hiệu quả, cần phải tìm hiểu quy định pháp luật, trang bị kiến thức cần thiết để biết chắt lọc thông tin. Khi đăng tải, chia sẻ thông tin trên mạng phải hết sức cẩn trọng để tránh những hậu quả pháp lý đáng tiếc. Nhất là vụ việc có liên quan đến dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.