Trong tập 537 của chương trình Bạn muốn hẹn hò, khi bạn nam bày tỏ quan điểm về chuyện sống thử trước hôn nhân, rằng: “Nếu sống thử không đi tới kết quả gì thì người đàn ông lúc đó không còn trách nhiệm với người kia nữa. Mình cảm giác không ổn lắm. Anh mà có con gái thì anh không thích chuyện đó”. Thì cô nàng Kim Thắm (33 tuổi) lại khẳng định: “Em nghĩ rằng khi hai người yêu nhau đủ chín muồi thì việc sống thử trước hôn nhân cũng là lợi thế để cả hai có thời gian hiểu rõ nhau hơn về cuộc sống như thế nào. Em chứng kiến rất nhiều bạn bè quen nhau, cưới nhau rồi sau đó hôn nhân tan vỡ vì chưa hiểu nhau thật sự, chưa chấp nhận được những thói xấu, những điều không tốt của nhau”.
Những chia sẻ của Kim Thắm đã gây nhiều tranh cãi trong giới trẻ, đặc biệt là những bạn nữ.
“Ngày xưa cha mẹ ta có sống thử đâu mà cũng hạnh phúc”
Chỉ vừa mới được hỏi quan điểm về sống thử trước hôn nhân, Hoàng Dung (cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ Huế) rất dứt khoát: “Mình khẳng định, với mình thì không. Và mình không đồng tình với quan điểm này”.
Dung phân tích: “Mình được sinh ra và lớn lên trong gia đình có quy củ và mình cũng chịu ảnh hưởng bởi lối sống của bố mẹ từ lúc nhỏ. Bố mẹ mình luôn cho rằng, việc sống thử trước hôn nhân trái với thuần phong mỹ tục tốt đẹp của gia đình từ trước đến nay. Không những thế còn gây nên phần thiệt cho người con gái”.
|
Cũng theo Hoàng Dung, cô nàng đã từng chứng kiến người thân của mình sống thử nhưng rồi thất bại, chính điều này càng làm Hoàng Dung không đồng tình với việc sống thử hơn nữa: “Mình có biết một anh bạn đã sống thử với bạn gái anh ấy tận 3 năm mà chưa kết hôn ấy, sau đó thì hai người họ chia tay. Ngay cả người thân bên cạnh mình còn sống thử thất bại thì mình không có lý do gì để đi vào vết xe đổ đó”.
Mặc dù theo Hoàng Dung sống thử cũng có những ưu điểm như là giúp 2 bên sẽ hiểu về nhau hơn, không bị ràng buộc về giấy tờ kết hôn...
“Nhưng nói đi cũng nói lại, sống thử sẽ phô bày hết con người thật, nó khác với việc yêu đương thuần túy. Và như mình nói, sống thử chỉ là hiểu thêm về đối phương, không bị ràng buộc nên có lúc cả hai sẽ không cùng cố gắng và chia tay rất nhanh”, Dung thẳng thắn.
Còn Trương Thị Kim Oanh (cựu sinh viên Trường CĐ Công thương TP.HCM) thì cho rằng: “Ngày xưa cha mẹ ta mấy ai sống thử mà cũng sống với nhau hạnh phúc vậy thôi. Người ta nói hiện đại là hại điện mà. Với mình những đứa con gái dễ dãi mới chấp nhận sống thử trước hôn nhân. Sống không được với người này, chia tay rồi đến với người khác, lại tiếp tục sống thử, không hợp rồi lại chia tay và lại sống thử. Chẳng lẽ cuộc đời người con gái cứ lặp đi lặp lại cái vòng luẩn quẩn không thể chấp nhận đó sao...”.
Đâu nhất thiết phải sống thử mới hiểu rõ về nhau?
Không hoàn toàn đồng ý với Oanh về quan điểm chỉ có con giá dễ dãi mới sống thử trước hôn nhân, Hoàng Dung bày tỏ: “Không thể khẳng định thế được, vì có những bạn gái quá lụy tình, vì muốn giữ người yêu, muốn thể hiện tình cảm với người yêu nên chấp nhận sống thử. Nói chung cũng không thể vơ đũa cả nắm thế được”.
Đã lập gia đình được hơn 1 năm, Phạm Thị Thương (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế) chia sẻ quan điểm: “Theo mình thì không nên sống thử trước hôn nhân. Mình sống tại thành phố năng động, hiện đại nhưng tính cách của mình vẫn khá truyền thống. Mình nghĩ khi còn con gái có quyền yêu nhiều và trải qua nhiều mối tình. Tuy nhiên, sống thử thì không nên. Thứ nhất mình sẽ bị người chồng tương lai ít tôn trọng hơn, đàn ông họ hay sỉ diện. Bản thân mình khi kết hôn mình rất tự tin về nhân phẩm, chồng mình cũng khá trân quý điều này. Thứ 2, lúc còn son rỗi thì dành thời gian để chăm lo cho bản thân, bố mẹ không nên sống thử, sống đời sống vợ chồng làm chi cho khổ”.
Thương cũng cho rằng có rất nhiều cặp đôi không sống thử vẫn hạnh phúc. Trong khi đó có nhiều đôi vì sống thử mà chia tay và sau đó cả đời oán thù nhau, như kiểu không đội trời chung.
|
Cũng một mực không đồng tình, Trần Thị Mỹ Ngọc (sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) nêu quan điểm: “Theo em sống thử là trái với thuần phong mỹ tục của nước mình, nhiều khi hiện đại quá cũng không tốt làm cho mình trở nên tha hóa dần về lối sống. Sống thử nhiều hệ lụy lắm, nhất là đối với nữ sinh. Vì lỡ xui mà có con thì lại khổ cho đứa bé, không có được môi trường đầy đủ vật chất cho nó phát triển”.
Theo Ngọc nếu nói là để hiểu nhau thì cô nàng càng không đồng tình: “Hiểu nhau thì có nhiều cách chứ đâu nhất thiết phải sống thử. Nếu là người con gái thông minh thì không nên chấp nhận sống thử. Vì định kiến xã hội ở nước ta vẫn còn cao lắm, khó có người chấp nhận chuyện ấy”.
Nói về những phần thiệt thòi mà người con gái phải chấp nhận khi sống thử trước hôn nhân, Hoàng Dung bày tỏ: “Nhỡ như sống thử có con trước hôn nhân thì sao? Ở quê mình, chỉ cần phụ nữ có thai trước đám cưới, nhà trai sẽ không cho cô ấy đi vào cửa chính của gia đình, không được vái lạy tổ tiên thậm chí còn phải trèo tường rào để vào nhà. Tệ hơn những cô dâu đó còn phải đội chiếc nón lá cũ để thiên hạ nhìn vào biết là có bầu trước hôn nhân. Điều này là lệ cũ của ngày xưa nhưng quê mình giờ vẫn còn mà mình rất sợ khi nghĩ tới cảnh tượng này”.
Bình luận (0)