Biểu tình và các cuộc tuần hành đã tái diễn tại Hồng Kông vào ngày đầu tháng 12. Tổng cộng có 3 hoạt động diễn ra và tất cả đều được chính quyền đặc khu cho phép nếu đảm bảo tụ tập trong hòa bình, theo AFP. Tại một cuộc tuần hành đến lãnh sự quán Mỹ, những người tham gia cho hay họ sẽ tiếp tục xuống đường cho đến khi nào yêu sách gồm 5 điểm của họ được đáp ứng. Ngoài bãi bỏ dự luật dẫn độ vốn đã được đáp ứng, người biểu tình Hồng Kông còn yêu cầu đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ chức, miễn khởi tố những người bị bắt trong các cuộc biểu tình, điều tra độc lập về cáo buộc cảnh sát dùng vũ lực quá mức và cải cách chính trị (bỏ phiếu bầu chọn trực tiếp các thành viên hội đồng lập pháp và đặc khu trưởng).
Cuộc tuần hành ở quận Tiêm Sa Chủy gần Đại học Bách khoa Hồng Kông, nơi đã diễn ra cuộc đụng độ kéo dài giữa cảnh sát và sinh viên, cũng tập trung vào yêu sách gồm 5 điểm trên. Hàng chục ngàn người đã tập trung tại Trung tâm văn hóa Hồng Kông và di chuyển theo con đường được cảnh sát thông qua với đích đến là khu Hồng Khám. Tuy nhiên, đến khoảng 15 giờ 45, một số người trong đám đông bắt đầu di chuyển qua các khu vực không được phép. Tờ South China Morning Post cho biết cảnh sát sau khi phát cảnh báo đã bắn hơi cay để giải tán đám đông. Cảnh tượng rượt đuổi giữa cảnh sát và người biểu tình lại diễn ra, và một số người đã bị bắt.
Trước đó, vào sáng 30.11, khoảng 200 người, đa số là gia đình dẫn theo con nhỏ, đã xuống đường yêu cầu cảnh sát không sử dụng hơi cay. “Chúng tôi muốn cảnh sát hãy ngưng việc sử dụng hơi cay. Đó không phải là cách giải quyết hiệu quả. Chính quyền nên lắng nghe người dân”, theo lời chia sẻ của một phụ nữ cùng chồng và con trai 5 tuổi tham gia tuần hành. Theo thống kê chính thức của chính quyền Hồng Kông, cảnh sát đã bắn hơn 10.000 quả đạn hơi cay kể từ khi biểu tình leo thang hồi tháng 6.
Trong một diễn biến liên quan, Trung Quốc ngày 30.11 cáo buộc bà Michelle Bachelet, Cao ủy về nhân quyền của LHQ, đã có hành vi can thiệp “không thích đáng” vào sự vụ của nước này. Đây là phản ứng chính thức của Bắc Kinh trước bài xã luận của bà Bachelet đăng trên tờ South China Morning Post. Thông qua bài viết, bà Bachelet thúc giục chính quyền đặc khu mở cuộc điều tra rốt ráo về hành vi bạo lực của cảnh sát Hồng Kông trong lúc xử lý hoạt động biểu tình. Đồng thời, bà cho rằng đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga nên ưu tiên đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Bình luận (0)