10 mã chứng quyền có bảo đảm chính thức giao dịch trên sàn

Mai Phương
Mai Phương
28/06/2019 12:14 GMT+7

Các chứng quyền có thời gian đáo hạn từ 3-6 tháng, dựa trên 6 mã chứng khoán cơ sở là FPT, HPG, MBB, MWG, PNJ và VNM.

 Sáng 28.6, 10 mã chứng quyền có bảo đảm (CW) đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức được giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Các chứng quyền có thời gian đáo hạn từ 3-6 tháng, dựa trên 6 mã chứng khoán cơ sở là FPT, HPG, MBB, MWG, PNJ và VNM.
Mã chứng quyền sẽ được quy chuẩn gồm 8 ký tự. Chẳng hạn với CMBB1901, C là ký hiệu chứng quyền mua, MBB là ký hiệu mã chứng khoán cơ sở, 19 là năm phát hành (năm 2019 ký hiệu là 19) và 01 là số thứ tự CW được cấp.
Thời gian giao dịch và các phiên đóng cửa, mở cửa và khối lượng giao dịch sẽ tương tự như giao dịch cổ phiếu trên sàn TP.HCM với bước giá 10 đồng. Thời gian thanh toán cũng là T+2 (từ ngày thứ 3 kể từ ngày mua, chứng quyền sẽ về tài khoản nhà đầu tư).
Biên độ giao dịch giá CW sẽ bằng giá chứng quyền cộng/trừ với biến động giá cổ phiếu cơ sở x 1/tỷ lệ chuyển đổi. Giá đóng cửa phiên giao dịch hôm trước sẽ là giá tham chiếu cho phiên giao dịch hôm sau. Nhìn chung hoạt động mua bán chứng quyền cũng tương tự như cổ phiếu.
Trong thời gian đầu giao dịch, nhiều công ty chứng khoán cũng miễn phí giao dịch chứng quyền (tuy nhiên nhà đầu tư vẫn phải đóng phí nộp cho Sở giao dịch chứng khoán từ 0,02 - 0,03%) trong thời gian 3 tháng để khuyến khích nhà đầu tư tiếp cận với sản phẩm mới.

Bảng giá điện tử từ ngày 28.6 có thêm chứng quyền giao dịch hằng ngày

Ảnh chụp màn hình

Phát biểu tại Lễ khai trương giao dịch chứng quyền có bảo đảm tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, ông Huỳnh Quang Hải - Thứ trưởng Bộ Tài chính - cho biết CW là sản phẩm góp phần đa dạng hóa các lựa chọn đầu tư trên thị trường chứng khoán, làm tăng tính thanh khoản và hỗ trợ thị trường phát triển ổn định, bền vững.
Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đảm bảo vận hành an toàn, minh bạch và hiệu quả. Nghiên cứu hoàn thiện mô hình giám sát đối với sản phẩm, đặc biệt là giám sát mối quan hệ liên thông giữa thị trường chứng quyền và thị trường cơ sở, đảm bảo sức chịu đựng rủi ro cho toàn thị trường nói chung và bảo đảm quyền, lợi ích của các chủ tham gia thị trường chứng khoán. Sau khi triển khai, cần có tổng kết đánh giá các vấn đề phát sinh để chỉnh sửa khung pháp lý, hoàn thiện thị trường…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.