10% người dân được khảo sát nói có tình trạng phải chi tiền ngoài quy định cho công chức

Mai Hà
Mai Hà
19/04/2023 12:11 GMT+7

Theo Thủ tướng, việc cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều "điểm nghẽn". Đặc biệt, có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức xử lý văn bản, công việc chậm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Sáng 19.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì phiên họp thứ 4 nhằm tập trung thảo luận về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

10% người dân phải chi tiền ngoài cho công chức  - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ vẫn còn một bộ phận cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

NHẬT BẮC

Thủ tướng nêu rõ cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược. Đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển.

Thời gian qua, cải cách hành chính đã đạt được nhiều kết quả trong cả 6 lĩnh vực, gồm: công tác xây dựng pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; chuyển đổi số, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ việc cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều "điểm nghẽn", còn nhiều vướng mắc, tồn tại, hạn chế gây cản trở cho đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.

Đáng chú ý, có tình trạng một số bộ, ngành phản ứng chính sách còn chậm. Một bộ phận cán bộ, công chức xử lý văn bản, công việc chậm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Thực tế này ảnh hưởng đến việc giải quyết hồ sơ, công việc của người dân và doanh nghiệp, huy động các nguồn lực phát triển.

Hơn 12% người dân thấy công chức phiền hà, sách nhiễu

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Nội vụ cũng công bố chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS).

Chỉ số này được tổng hợp từ ý kiến phản hồi của 36.095 người dân từ khắp các vùng, miền trong cả nước.

10% người dân phải chi tiền ngoài cho công chức  - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa báo cáo tại phiên họp

NHẬT BẮC

Theo đó, người dân quan tâm đến 8 nhóm chính sách, nhiều nhất đến chính sách khám, chữa bệnh, với mức độ rất quan tâm là 71,82%; quan tâm đến chính sách phát triển kinh tế thấp nhất, với mức độ rất quan tâm chỉ là 57,07%.

Người dân bày tỏ rất sẵn lòng tham gia ý kiến góp ý đối với chính sách. Trong số 36.095 người dân tham gia khảo sát trong cả nước, 40,93% sẵn sàng tham gia ý kiến góp ý chính sách nếu được biết thông tin; 29,62% sẵn sàng tham gia nếu được tạo điều kiện thuận tiện; 24% khẳng định chắc chắn sẽ tham gia vì bản thân họ mong muốn.

Đáng chú ý, không ít người dân cho rằng vẫn còn tình trạng tiêu cực của công chức trong giải quyết công việc cho người dân, mặc dù với các mức tiêu cực khác nhau.

12,28% người dân được khảo sát cho rằng vẫn có tình trạng một số ít công chức gây phiền hà, sách nhiễu và 1,33% cho rằng có tình trạng nhiều công chức gây phiền hà sách nhiễu.

10,05% người dân được khảo sát cho rằng có tình trạng một số người dân phải chi tiền ngoài quy định cho công chức để công việc được giải quyết và 1,77% cho rằng có tình trạng nhiều người dân phải trả tiền này.

Trong 63 tỉnh, thành phố, tỉnh có chỉ số hài lòng của người dân đối với với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất là 87,59% và tỉnh có chỉ số thấp nhất là 72,54%.

5 tỉnh có mức độ hài lòng của người dân cao nhất là Quảng Ninh, Thái Nguyên, Cà Mau, Bình Dương và Thanh Hóa; 5 tỉnh có mức độ hài lòng thấp nhất là Bình Thuận, Cao Bằng, Quảng Nam, Bắc Kạn và Lạng Sơn.

Xem nhanh 12h ngày 19.4: Lời sau cùng của ông Nguyễn Quang Tuấn | Cái kết sau cú drift trước Nhà hát lớn

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, đến nay các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.189 quy định kinh doanh.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.099 quy định của 10 bộ, cơ quan. Nhiều kênh tương tác, tiếp nhận khó khăn vướng mắc của người dân được thiết lập.

Ngoài ra, đã có 25,9% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng; 62,7% hồ sơ thủ tục hành chính được số hóa, tăng 4 lần so với tháng 9.2022. Thông qua việc số hóa trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đã giúp "làm giàu, làm sạch, làm sống" dữ liệu của các cơ sở dữ liệu.

Các bộ, ngành cũng tập trung rà soát, đơn giản hóa đối với 59 nhóm thủ tục hành chính ưu tiên trên 12 lĩnh vực theo chỉ đạo của Thủ tướng; chuẩn hóa các báo cáo từ giấy sang điện tử phục vụ cho hành chính nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch.

Tuy vậy, các thủ tục hành chính vẫn còn nhiều rào cản, quy định chồng chéo, đặc biệt liên quan tới đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, y tế, giáo dục, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu…

Việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, ban hành quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính còn chậm, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công còn thấp...

Nguyên nhân chủ quan là chủ yếu khi một số cơ quan, đơn vị chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhất là vai trò của người đứng đầu. Trách nhiệm trong thực thi công vụ của một số bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, chưa có ý thức thay đổi thói quen. Việc phối hợp giữa các đơn vị còn thiếu chủ động, kịp thời, hệ thống thông tin chưa có sự chuẩn hóa, thống nhất về dữ liệu...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.