Thủ tướng: Trọng tâm năm 2023 là cải cách thủ tục hành chính

Thu Hằng
Thu Hằng
29/12/2022 21:09 GMT+7

Năm 2023, ngành nội vụ tập trung cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính , lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, lấy sự hài lòng của họ làm thước đo hiệu quả cải cách.

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành nội vụ diễn ra chiều nay 29.12.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị ngành nội vụ

Nhật BẮc

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc Bộ Nội vụ đã phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành 26 nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Bộ Nội vụ đã thẩm định, đề xuất giảm 17 tổng cục, 8 cục, 145 vụ, 22 đơn vị sự nghiệp công lập. Ở địa phương giảm 7 cơ quan chuyên môn và 6 tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh, 2.159 tổ chức bên trong cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo Thủ tướng, năm 2023, tình hình dự báo còn khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi. Mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của ngành nội vụ trong năm tới là tiếp tục góp phần xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, ngành nội vụ xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới; tập trung cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, lấy sự hài lòng của họ làm thước đo hiệu quả cải cách.

Thủ tướng đề nghị ngành nội vụ và Bộ Nội vụ tập trung đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực nội vụ; đồng thời đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo hướng đồng bộ, thống nhất, "có vào, có ra, có lên, có xuống", khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ nghiên cứu, hoàn thiện thể chế tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; sơ kết thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.

Để triển khai hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính đến năm 2030, Thủ tướng lưu ý: “Bộ Nội vụ đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tăng cường chuyển đổi số hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số”.

Đối với công tác thi đua, khen thưởng, Bộ Nội vụ cần đổi mới mạnh mẽ, khen thưởng để thi đua, khen thưởng thực sự là động lực thúc đẩy hệ thống chính trị và toàn dân đoàn kết, tạo động lực, truyền cảm hứng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào dân tộc và khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc, ấm no.

Gần 40.000 công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc

Theo Bộ Nội vụ, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách tinh giản biên chế ở các bộ, ngành, địa phương trên 79.000 người; trong đó, các bộ, ngành trên 5.500 người và địa phương trên 73.500 người. Điển hình là các tỉnh: Thanh Hóa 4.615 người; Quảng Nam 3.148 người; Nghệ An 3.011 người; Lạng Sơn 2.898 người; Bình Phước 2.648 người.

Năm 2022, tổng biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước là gần 2 triệu biên chế. Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ trình cấp có thẩm quyền bổ sung 65.980 biên chế viên chức giáo dục cho cả giai đoạn 2022 - 2026.

Giai đoạn 2020 - 2022, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng hơn 18.800 công chức và hơn 125.100 viên chức. Trong đó, tuyển dụng được 258 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Theo Bộ Nội vụ, kết quả tuyển dụng đã cơ bản kịp thời khắc phục tình trạng gần 40.000 công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, năm 2023 sẽ ưu tiên đầu tư toàn diện cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội vụ. Đặc biệt là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả về tổ chức bộ máy, biên chế; công vụ, công chức; xây dựng chính quyền địa phương, tập trung cho cấp xã, xây dựng chính quyền đô thị nhằm đáp ứng yêu cầu kiến tạo, phát triển.

Bộ Nội vụ cũng sẽ rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong của các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Khai trương Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu ấn nút khai trương Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước

Nhật BẮc

Sau hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã khai trương Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước. Đây là kết quả bước đầu thực hiện Quyết định số 893/QĐ-TTg năm 2020 của Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước dự kiến quản lý xấp xỉ 2,5 triệu bộ hồ sơ điện tử về cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước.

Trong thời gian tới, Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức sẽ được khai thác trên phạm vi toàn quốc, phục vụ mục tiêu sử dụng sơ yếu lý lịch điện tử thay thế sơ yếu lý lịch giấy, từng bước số hóa thông tin dữ liệu để thay thế hồ sơ giấy truyền thống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.