Khi chuyến bay VN5311 của Vietnam Airlines hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài, tổ bay gồm 3 phi công và 12 tiếp viên mới thở phào sau nhiều giờ hồi hộp căng thẳng tại Nhật Bản để kiểm tra an ninh, sau cú gọi nặc danh đe doạ bắn hạ máy bay.
Chuyến bay có nhiều hành khách là trẻ nhỏ nên các tình huống hỗ trợ hành khách cũng được đặt tối ưu |
Ngọc trang |
Là một trong 3 phi công trên chuyến bay, cơ trưởng Lương Anh Dũng nhớ lại, sau khi máy bay rời sân bay Narita (Tokyo, Nhật Bản) khoảng 1 giờ 45 phút thì anh nhận được điện từ mặt đất là chuyến bay phải hạ cánh để kiểm tra an ninh.
Tình huống này nằm trong chương trình đào tạo phi công được huấn luyện và kiểm tra định kỳ, nên phi cơ trưởng Dũng và các đồng nghiệp vẫn bình tĩnh để xử lý theo đúng quy trình, quy định.
Cơ trưởng Dũng đã thông báo tới tiếp viên trưởng để báo cho hành khách là "chuyến bay phải hạ cánh vì kỹ thuật" nhằm đảm bảo an toàn hàng không, tránh làm hành khách lo lắng.
Cũng chỉ tới khi hạ cánh an toàn tại Fukuoka, tổ bay mới được lãnh đạo tổng công ty báo tin chuyến bay bị dọa bắn nên phải hạ cánh.
“Vì lý do phải bảo mật thông tin nhằm tránh gây hoang mang cho hành khách nên trên chuyến bay phi hành đoàn trao đổi với nhau qua hệ thống điện đàm nội bộ”, cơ trưởng Dũng chia sẻ.
Là người tiếp xúc trực tiếp với hành khách trên chuyến bay, tiếp viên trưởng Kim Toàn Thắng cho biết khi nhận được thông tin chuẩn bị hạ cánh, tổ tiếp viên chỉ có khoảng 20 phút để chuẩn bị cho các tình huống, nên lúc này cần nhất chính là sự bình tĩnh của tiếp viên nhằm mang đến cho hành khách cảm giác an toàn và xử lý vấn đề đạt hiệu quả cao.
“Đây là chuyến bay xảy ra sự cố bất thường khi đang bay nên chúng tôi quan tâm đến từng khách hơn trong việc trấn an khách, đưa thông tin kịp thời cho khách, hỗ trợ khách đặc biệt đi cùng con nhỏ...”, tiếp viên Thắng chia sẻ.
Tiếp viên trưởng Trần Lê Tú nhớ lại, khi nhận được thông tin sau khi cất cánh được gần 2 tiếng, máy bay đang bay bằng, tổ tiếp viên đã phục vụ xong bữa ăn cho hành khách và đang đi dọc khoang khách để chăm sóc khách nghỉ ngơi và thư giãn. Dù cũng có “một chút lo lắng nhưng nhanh chóng qua đi rất nhanh”, vì đây là tình huống tổ bay đã được đào tạo rất kỹ lưỡng.
Bảo vệ buồng lái, bảo vệ hành khách
Cả phi công và tổ tiếp viên trên chuyến bay đều tâm niệm, trong tình huống bất ngờ ít khi xảy ra này, cần nhất là bình tĩnh và tự tin đưa ra cách xử lý chính xác, hợp lý nhằm bảo vệ sự an toàn cho hành khách.
Các bước xử lý nhanh chóng nhất đã được đưa ra trên chuyến bay, như triển khai bảo vệ buồng lái, thống nhất mật mã an ninh… Thông báo ngay cho tổ tiếp viên qua hệ thống interphone: thông tin đe dọa như thế nào, phải hạ cánh ở sân bay nào, trong bao lâu…
Tiếp viên trưởng cũng đề nghị các tiếp viên phải thật bình tĩnh và tự tin, tra cứu các tài liệu xử lý liên quan, sẵn sàng hành động nếu có sự cố và kiểm tra khoang khách, bếp để chuẩn bị hạ cánh.
Tiếp viên hỗ trợ cho hành khách có trẻ nhỏ trên chuyến bay |
Ngọc trang |
Trên máy bay đều là những hành khách xa quê đã lâu trở về ăn tết, với cả người già và nhiều trẻ nhỏ. Các tiếp viên đã hỗ trợ hành khách như pha sữa, thay tã cho em bé, giúp khách uống thuốc… trong lúc hành khách chờ đợi trên máy bay.
Theo tiếp viên Trần Lê Tú, khi đó nhiệt độ chỉ có 2 độ C tại sân bay Fukuoka, khi hành khách phải xuống máy bay chờ trong xe buýt để kiểm tra an ninh, các tiếp viên đã lấy chăn bọc ấm em bé, giúp bế em bé, trợ giúp người cao tuổi xuống máy bay…
“18 năm đi bay, hơn 12 năm trên cương vị tiếp viên trưởng đã rèn cho tôi bản lĩnh, sự bình tĩnh và vững tâm trong mọi việc. Việc được huấn luyện, đào tạo chặt chẽ và bài bản về cách xử lý những sự cố tương tự tại Trung tâm Huấn luyện bay đã giúp tôi tự tin hơn khi đưa ra quyết định. Điều tôi lo ngại nhất lúc đấy là sự an nguy của hành khách trên chuyến bay, những hành khách đã lâu mới có cơ hội quay về gia đình, quê hương để đoàn tụ với người thân”, tiếp viên Tú chia sẻ.
Cũng theo anh Tú, từ tổ lái đến tổ tiếp viên đều trao đổi một thông tin thông suốt, qua hệ thống interphone trên máy bay để đảm bảo an ninh cao nhất cho buồng lái và thông tin được chuyển đến nhanh nhất. Hai tiếp viên trưởng luôn bàn bạc và trao đổi với nhau các cách thức thực hiện để cùng thống nhất mọi thông tin báo cáo cơ trưởng và truyền đạt đến các tiếp viên trong tổ. Mọi người luôn động viên nhau hãy thật bình tĩnh và tỉnh táo để hành động và xử lý ngay khi có yêu cầu với phương châm: An toàn của hành khách là số 1.
Trước đó, như Thanh Niên đưa tin, khi đang thực hiện hành trình bay từ Narita (Tokyo, Nhật Bản) sáng 5.1, khoảng 11 giờ 10 (giờ địa phương), chi nhánh VNA tại Nhật Bản nhận được một cuộc điện thoại từ một đối tượng giọng nam giới tự xưng là người Mỹ, nói tiếng Nhật, với nội dung trao đổi: “Chuyến bay VN5311 tốt nhất là quay lại Narita, nếu không sẽ bị bắn hạ khi bay qua vịnh Tokyo”.
Khi nhân viên nhận điện thoại hỏi: “Ông có thể nói lại điều ông vừa nói được không” thì người đàn ông trả lời: “Tôi đang chuẩn bị bắn VN5311 khi bay qua vịnh Tokyo, tốt nhất nên quay lại”.
Thời điểm này, chuyến bay VN5311 đã bay được khoảng 40 phút và chuẩn bị bay qua vịnh Tokyo. Ngay sau khi nhận cuộc điện thoại đe dọa nêu trên, Chi nhánh VNA tại Nhật Bản đã báo cáo nhanh vụ việc về Vietnam Airlines.
Các tình huống xử lý sự cố khẩn nguy sau đó đã được thiết lập, máy bay quay đầu hạ cánh tại sân bay Fukuoka để kiểm tra an ninh trước khi về tới Nội Bài an toàn chiều cùng ngày.
Bình luận