Đã thực hiện ở 21 tỉnh, thành?
Theo nội dung các bài viết này, dựa vào Thông tư 01/2021/TT-BYT của Bộ Y tế, phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi ở 21 tỉnh, thành có thể được thưởng tiền.
21 tỉnh, thành được điểm danh gồm: TP.HCM, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang.
Trao đổi với PV, bà Võ Thị Hoàng Loan, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hậu Giang, xác nhận ở tỉnh có chính sách khen thưởng cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi. Cụ thể, theo Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND ngày 6.7.2022 của HĐND tỉnh Hậu Giang, có hiệu lực từ ngày 15.7.2022, đã nêu rõ tặng giấy khen của Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi, theo quy định của luật Thi đua khen thưởng. Nguồn kinh phí từ Quỹ thi đua - khen thưởng huyện.
Ngoài ra, còn hỗ trợ một lần 1,5 triệu đồng tiền viện phí cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi, không vi phạm chính sách dân số. Đồng thời, hỗ trợ một lần chi phí khám sàng lọc trước sinh (siêu âm và xét nghiệm Down, Edward, Patau, Dị tật ống thần kinh, Thalassemia...) và sàng lọc sơ sinh (Thiếu men G6PD, Suy giáp bẩm sinh, Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, Điếc bẩm sinh, Tim bẩm sinh) theo giá dịch vụ y tế hiện hành tại các cơ sở y tế công lập. Kinh phí của hai chính sách hỗ trợ này từ nguồn sự nghiệp y tế.
Bà Loan thông tin thêm, trong năm đầu thực hiện, kinh phí để khen thưởng (bao gồm cả khen thưởng xã, phường, thị trấn thực hiện nhiều năm liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con… - PV) là khoảng 3 tỉ đồng.
Xem nhanh 12h ngày 21.4: Thưởng tiền vợ chồng sinh đủ con trước 35 tuổi
"Những năm trước khi Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND được ban hành và có hiệu lực thì tỉ lệ sinh tại tỉnh Hậu Giang giảm xuống mức thấp. Và từ khi có chính sách khen thưởng thì nhiều vợ chồng trẻ phấn khởi, ủng hộ, hưởng ứng nên sinh con đông. Trong năm đầu thực hiện, đã tăng thêm hơn 1.000 trẻ so với năm trước đó. Chính sách khen thưởng này tiếp tục được thực hiện", bà Loan cho biết.
Ông Nguyễn Thành Sang, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Tiền Giang, cho biết ở tỉnh cũng có chính sách khen thưởng cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi và cam đoan không sinh tiếp, dựa theo Nghị quyết số 26/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Tiền Giang, có hiệu lực từ ngày 1.1.2022. "Ngoài giấy khen của UBND huyện thì được kèm hỗ trợ bằng tiền là 1 triệu đồng. Bên cạnh đó, những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số cũng được khen thưởng", ông Sang cho hay.
Cũng theo ông Sang, sở dĩ có việc khen thưởng này là do mức sinh của tỉnh thấp. Và từ khi Nghị quyết có hiệu lực, không ít người hưởng ứng và đã thực hiện việc khen thưởng cho nhiều cá nhân, tập thể. "Từ đầu năm 2022, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện. Tùy mỗi địa phương mà khen thưởng 1 hoặc 2 lần trong năm. Việc khen thưởng này vẫn tiếp tục được duy trì. Mặc dù vậy, chưa thấy dấu hiệu tăng. Mức sinh không có cải thiện", ông Sang nói thêm.
Lãnh đạo một số Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình ở các tỉnh, thành khác thì thừa nhận tổng tỷ suất sinh của địa phương còn rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước. Tuy nhiên, hiện tại chưa thực hiện việc khen thưởng đối với cặp vợ chồng sinh đủ hai con trước 35 tuổi.
Ông Nguyễn Văn Oai, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: "Ở tỉnh Quảng Ngãi chưa thực hiện việc chuyện thưởng tiền nếu sinh đủ 2 con trước 35 tuổi. Một vài năm trước đã từng có dự thảo xin về chủ trương này nhưng chưa được phê duyệt của Hội đồng nhân dân tỉnh".
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Chi cục trưởng, phụ trách Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho hay: "Ở tỉnh chưa thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con trước 35 tuổi".
Ở TP.HCM thì thế nào?
Ở TP.HCM cũng không có chuyện thưởng tiền nếu sinh đủ 2 con trước 35 tuổi như trong các bài viết trên mạng xã hội đề cập.
Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho biết TP.HCM là 1 trong 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp nhất cả nước. Tuy nhiên trong nhiều nghiên cứu, ý kiến tư vấn của các chuyên gia và từ phía chính người dân, để giải quyết bài toán mức sinh thấp đòi hỏi phải tiếp cận từ nhiều bên cùng một lúc. Có rất nhiều nguyên dẫn đến việc các cặp vợ chồng ngại kết hôn: một nhóm các cặp vợ chồng không muốn sinh thêm con và một nhóm muốn sinh nhưng không dám sinh thêm con.
Điểm chung của hai nhóm này chính là sự lo lắng cho tương lai của gia đình với những áp lực của cuộc sống. Tuy nhiên, đối với nhóm không dám sinh thêm con thì áp lực lớn nhất chính là áp lực về kinh tế còn đối với nhóm không muốn sinh thêm thì có nhiều nỗi lo lắng về gánh nặng việc nhà và gia đình bên cạnh công việc ngoài xã hội, sự lo ngại về chất lượng môi trường sống và các điều kiện về y tế, giáo dục, đặc biệt là các cơ hội phát triển, thăng tiến của bản thân, chất lượng cuộc sống gia đình.
"Tại TP.HCM, hiện nay ngành dân số đang bắt đầu từ hoạt động cơ bản nhất là truyền thông, chuyển tải các thông điệp về mức sinh thấp, những hệ lụy... đến người dân và xã hội để mọi người hiểu hơn về vấn đề này. Từ các nguyên nhân đã nhận định ở trên, cho đến hiện nay, TP.HCM đang đi những bước đi thận trọng trong việc điều chỉnh mức sinh dựa trên việc quan sát các kinh nghiệm của các nước trên thế giới cũng như ý kiến đóng góp của chuyên gia và của chính người dân phản hồi qua nhiều kênh truyền thông. Chi cục đã có những đề xuất tham mưu đối với Sở Y tế trong Dự thảo về chính sách Dân số tại TP.HCM đến năm 2030 để trình HĐND TP.HCM. Cụ thể, các giải pháp đề xuất được tập trung vào việc hỗ trợ về mua nhà ở xã hội đối với các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, hỗ trợ viện phí (kinh phí đồng chi trả, ngoài chi phí bảo hiểm y tế thanh toán) cho các cặp vợ chồng khi sinh con, hỗ trợ chi phí khám sức khỏe trước khi kết hôn…", ông Trung cho biết.
Theo ông Trung, để thực hiện khuyến sinh không đơn giản chỉ là sự thay đổi về số con, hỗ trợ chỉ một lần mà quan trọng nhất vẫn là những chế độ hỗ trợ lâu dài cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi kết hôn và sinh con để làm thế nào họ có thể nuôi dạy con cái trong điều kiện phát triển tốt nhất vì đây chính là nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai cũng như phù hợp mục tiêu quan trọng nhất của chính sách dân số chính là nâng cao chất lượng dân số.
Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ
"Chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con trước 35 tuổi mới được ban hành một vài năm nên chưa thể đánh giá được hiệu quả. Có thể phải chờ thời gian lâu dài mới đánh giá được tác động của chính sách này. Nhưng phải nhìn nhận chính sách này khi dần trở nên quen thuộc sẽ khích lệ về mặt tinh thần cho các cặp vợ chồng trẻ. Cần phải có thêm nhiều chính sách hỗ trợ nữa thì mới giúp tăng mức sinh ở các địa phương. Bởi giấy khen hay tiền chẳng giải quyết được vấn đề. Phải có thêm những chính sách hỗ trợ các vợ chồng trẻ như: giảm thuế thu nhập cá nhân, mua nhà ở xã hội, cung cấp miễn phí đối với dịch vụ hôn nhân và gia đình, nhân rộng các dịch vụ đưa, đón, trông trẻ với giá cả phải chăng…", lãnh đạo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình một tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long nói.
Bình luận (0)