22 nhà văn nữ Việt Nam 'hiện diện' tại Mỹ

Tuấn Duy
Tuấn Duy
25/06/2024 06:31 GMT+7

'Longings' (tạm dịch: 'Khát vọng') là tuyển tập truyện ngắn của 22 nhà văn nữ Việt Nam, do dịch giả Hà Mạnh Quân và Võ Hương Quỳnh chuyển ngữ tiếng Anh, vừa được ra mắt tại Mỹ bởi Texas Tech University Press.

Điều đặc biệt, 22 tác giả này phần lớn đều đang sống và viết tại Việt Nam, và 2 dịch giả đã tìm đến họ qua nguồn báo chí hoặc trong tuyển tập của những tác giả ấy. Sách được in ấn dưới dạng khổ to, dày 260 trang, in song ngữ với tiểu sử các nhà văn nữ được đề cập đầy đủ.

22 nhà văn nữ Việt Nam 'hiện diện' tại Mỹ- Ảnh 1.

Mất 3 năm để giáo sư Hà Mạnh Quân và tiến sĩ Võ Hương Quỳnh tỉ mỉ thực hiện Longings

T.D tổng hợp

Giáo sư Hà Mạnh Quân (Đại học Montana) và tiến sĩ Võ Hương Quỳnh (Đại học American University của Washington D.C) dành 3 năm để tỉ mỉ thực hiện tuyển tập này, vì như bày tỏ của người dịch ở đầu sách: "Dịch văn học Việt sang tiếng Anh giống như đi trên dây, đặc biệt vì 2 nền văn hóa và 2 ngôn ngữ là rất khác nhau".

Trong lời đề tựa, giáo sư Huỳnh Như Phương chia sẻ: "Longings, trong khi giới thiệu sức sống mãnh liệt của các nhà văn nữ đương đại, nó đồng thời cũng tìm cách lan tỏa đến người đọc sự trân trọng và hy vọng dành cho những phụ nữ Việt Nam đã viết nên những câu chuyện bộc lộ khát vọng nội tâm của mình".

Về phía Nhà xuất bản Texas Tech University Press, đơn vị cho biết "Mặc dù lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận một vài nữ tướng hiếm hoi trong quá khứ và không nhiều những nhà hoạt động nữ giới hiện nay, nhưng phần lớn phụ nữ Việt Nam vẫn luôn âm thầm làm bổn phận của mình, là chiếc bóng lặng lẽ bên đời của những người đàn ông. Đem ánh sáng soi rọi vào bóng tối đó, Quan Manh Ha và Quynh H. Vo đã dịch và giới thiệu với độc giả quốc tế lần đầu tiên tuyển tập truyện ngắn đương đại của 22 nhà văn nữ Việt Nam qua 2 thập niên". 

22 nhà văn nữ Việt Nam 'hiện diện' tại Mỹ- Ảnh 2.

Tất cả truyện ngắn trong tuyển tập Longings này lần đầu tiên xuất hiện bằng tiếng Anh

Saigoneers

Theo đó, tất cả truyện ngắn trong tuyển tập Longings này lần đầu tiên xuất hiện bằng tiếng Anh, đem độc giả đến gần hơn với những khát khao của người phụ nữ Việt Nam khi họ vẫn từng ngày phải nhẫn nhịn và đấu tranh, hy vọng và tuyệt vọng, hạnh phúc và khổ đau... để tiếp tục bước đi giữa dòng đời vô định qua những biến động, thăng trầm của bối cảnh kinh tế xã hội từ giữa những năm 1990 khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam đến nay.

Những tên tuổi được sắp xếp theo thứ tự truyện in trong sách gồm: Dạ Ngân, An Thư, Trần Thùy Mai, Nguyễn Ngọc Tư, Tống Ngọc Hân, Nguyễn Thị Châu Giang, Trịnh Bích Ngân, Kiều Bích Hậu, Trầm Hương, Trần Thanh Hà, Nguyễn Hương Duyên, Nie Thanh Mai, Trần Thị Thắng, Phạm Thị Phong Điệp, Võ Diệu Thanh, Phạm Thị Ngọc Liên, Trịnh Thị Phương Trà, Nguyễn Phan Quế Mai, Nguyễn Thị Kim Hòa, Võ Thị Xuân Hà, Đỗ Bích Thúy, Tịnh Bảo.

Với danh sách trên, có thể nhìn thấy sự xuất hiện của những cây bút nữ kỳ cựu bên cạnh những nhà văn trẻ đang từng bước khẳng định mình. Họ đến từ nhiều vùng miền khác nhau và đại diện cho những phong cách sáng tác truyện ngắn phong phú, đa dạng. 

22 nhà văn nữ Việt Nam 'hiện diện' tại Mỹ- Ảnh 3.

22 tác giả góp mặt vào ấn phẩm này

Texas Tech University Press

Chẳng hạn, trong Nỗi niềm gối trắng, Dạ Ngân đã tái hiện sự ức chế sinh lý của nhân vật nữ trước sự bất lực sinh lý của chồng bằng cách nhồi bông mới vào gối, trong khi những người phụ nữ nông thôn trong Trái xanh của Trần Thùy Mai không còn cách nào khác là phải trở thành gái mại dâm để kiếm sống. 

Hay nhân vật người mẹ trong Mẹ, con và trần thế của Phạm Thị Phong Điệp lại cho thấy được sự hy sinh vô điều kiện và tình yêu thương khôn tả dành cho đứa con nuôi riêng bất chấp sự xấc xược và vô ơn của y, còn nhân vật nữ chính từ truyện Trăng muộn của Nguyễn Thị Châu Giang lại phá vỡ mọi chuẩn mực về giới để được sống tự do...

Qua đó, Longings sẽ mang độc giả đến gần hơn với nhiều tên tuổi xứng đáng được tôn vinh, và tiếp cận với lăng kính đa chiều về phong cách, thể loại, đề tài yêu thích của những nhà văn nữ - những người đang đóng góp vào kho tàng truyện ngắn đương đại đang ngày càng lớn mạnh của Việt Nam.

Chia sẻ trên trang cá nhân, nhà văn Dạ Ngân cho biết: "Đây là một 'dự án' thực sự, một dự án tầm trung, rất mẫn cảm và đáng yêu [...] Cầm bản sách đẹp trên tay không khỏi rộn ràng, nghe thấy niềm tri ân lan tỏa. Các bạn Mỹ đã làm thì như là làm cho thế giới, bởi khối Anh ngữ quả thật khổng lồ. Bao nhiêu công phu âm thầm của bao nhiêu người suốt mấy năm trời để 22 nữ tác giả cùng nhau... 'đi Mỹ' kiểu này".

Nhà nghiên cứu văn học Paul Christiansen cũng chia sẻ rằng: “Cũng như những tác giả nam giới, những nhà văn nữ viết nên những câu chuyện, nhưng họ có thể đưa ra những trải nghiệm và quan điểm độc đáo về giới tính của mình, đặc biệt là những truyện về tình mẫu tử, chế độ phụ quyền và vai trò xã hội truyền thống. Những câu chuyện này là vô giá đối với cả độc giả nữ, những người được ích lợi từ việc nhìn thấy chính mình trong văn chương, và cả với độc giả nam giới, vốn thường ít sâu sát với những suy nghĩ, cảm xúc và trải nghiệm sống sâu thẳm nhất của phụ nữ”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.