Khi viết tự truyện Mẹ ơi, phạm nhân Lê Ngọc Tài ở trại giam Thanh Phong (Thanh Hóa) vẫn còn nhiều đau đớn, day dứt trong tâm trạng một thầy giáo trẻ sa ngã với bản án 16 năm tù về tội buôn bán ma túy. Tự truyện của Tài như một bức thư tâm sự gửi mẹ: “Tôi được lớn lên trong vòng tay của mẹ, sự yêu thương của cha. Trong cái nôi đất học xứ Thanh, giá như dòng đời bình lặng trôi đi như dòng sông Mã quê nhà thì ngày hôm nay không phải trong chốn lao lý này viết lại những trang đời đã qua và con đường sai lầm của mình trong nỗi đau và nước mắt của mẹ. Mẹ ơi! Con có lỗi với mẹ thật nhiều. Vì con không nghe lời mẹ, sống buông thả tự do không chịu phấn đấu tu dưỡng nghề nghiệp và phần vì cuộc sống vì đồng tiền với những cám dỗ cạm bẫy của xã hội, con không làm chủ được bản thân nên đã đi sai đường”.
Nỗi niềm một thầy giáo
Tài nhớ lại, sau khi tốt nghiệp sư phạm, những ngày đầu về nhận công tác tại một trường học của huyện miền núi vùng cao Thanh Hóa, anh còn mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ và tình yêu nghề. Tài được đồng nghiệp tin yêu, học trò quý trọng và là niềm tự hào của gia đình. Năm học 1999, lần đầu tiên Tài được về tỉnh dự thi giáo viên có giờ dạy tốt, anh thấy không có gì vui và hạnh phúc hơn. Cùng năm ấy, quà tặng mẹ của Tài là tấm hình chụp chung với học viên cuối khóa và giấy khen lao động giỏi cấp tỉnh, tuy nó không phải là vật chất nhưng mẹ anh nở nụ cười mãn nguyện. Thời gian cứ vậy trôi đi, Tài đã sống và công tác ở vùng cao được 5 năm.
|
Anh bộc bạch: “Nỗi buồn xa quê xa nhà ngấm dần, nhất là mỗi khi sương mù gió mùa và sâu thẳm trong đêm tối tiếng gầm của thú hoang. Phần buồn vì xa nhà, rồi cuộc sống đời tư, phần do không làm chủ được bản thân, tôi bắt đầu lao vào trò chơi đỏ đen thâu đêm để giết thời gian. Lâu dần thành đam mê ngấm trong tiềm thức. Lại quen lối sinh hoạt tự do không ai quản lý nên đồng lương hằng tháng không đủ cho tôi chi tiêu trong cuộc sống hằng ngày, còn chưa kể những chuyến đi chơi xa và cờ bạc làm tôi lâm vào cảnh nợ nần ngày một nhiều, uy tín với đồng nghiệp giảm sút. Là người luôn theo sát những bước đi của tôi, nên mẹ biết. Bà lận đận khăn gói lên thăm tôi. Nói là thăm nhưng thật ra xem tôi sống và làm việc như thế nào!”.
Từ cờ bạc đến ma túy
Sau 6 năm công tác ở miền núi, Tài đủ tiêu chuẩn chuyển công tác về xuôi. Những năm học đầu tiên làm việc ở huyện nhà, Tài được mẹ quan tâm từ bữa ăn tới giấc ngủ. Nhưng rồi “ngựa quen đường cũ”, Tài đã tự đánh mất mình khi lao vào trò đỏ đen, lô đề. Do chơi quá đà, Tài lâm vào cảnh nợ nần với số tiền quá lớn, chỉ có thể giải quyết bằng con đường làm ăn phi pháp mới hoàn trả được. Tài cho biết, trong hoàn cảnh ấy không còn lối thoát nào hơn là buôn ma túy để lấy tiền trả nợ.
“Tết năm 2006, tôi tình cờ quen biết anh bạn. Trong cuộc chơi ở Nhà máy đường Thăng Long, huyện Nông Cống (Thanh Hóa), anh ta gợi mở cho tôi công việc phạm pháp. Qua trao đổi, tôi đã nhận lời, thậm chí đến giờ tôi không biết anh ta tên thật là gì, chỉ biết quê gốc ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Nhận tiền và số điện thoại xong, ngày 21.4.2006 tôi một mình lên đường quay lại vùng cao nơi đã từng sống và công tác. Vì sẵn có quá trình làm việc lâu dài, nên đường đi lối lại tôi quá quen thuộc. Trước đây khi còn công tác, tôi có biết một người tên Ly thuộc xã Trung Lý, huyện Mường Lát bán heroin. Tôi tìm đến và hỏi mua không ngần ngại. Vì thấy tôi có tiền lại đi một mình nên anh đã bán. Nhận hàng xong tôi ở lại chơi nhà người quen cũ. 23.4.2006 là ngày định mệnh với cuộc đời tôi. Đồn biên phòng 495 tra còng số 8 vào tay, chuyển tôi về trại tạm giam Cầu Cao. Không chắc bao lâu thì mẹ biết, nhưng bà giận, nên suốt gần một tháng mẹ không đến thăm tôi. Những tháng ngày trong song sắt tôi không giận mẹ mà thương nhiều hơn. Tôi nghĩ chắc là đến đây mẹ không còn tôi nữa”.
Ngày tòa tuyên án 16 năm cách ly xã hội, Tài nhìn mẹ như gục ngã. Tài không khóc nhưng khóe mắt cay xè, ngay lúc ấy anh chỉ muốn quỳ trước mẹ, mong bà tha thứ. Sau đó, những tháng ngày cải tạo trong trại giam Thanh Phong, cứ 2-3 tháng, mẹ lại vào thăm và gửi anh tiền, quà bằng mồ hôi và nước mắt của bà. Gần 6 năm trong lao lý, Tài không dám gửi cho mẹ một lá thư nào. Duy nhất có một lần mẹ vào thăm, Tài chỉ nói được câu: “Mẹ à! Thôi con của mẹ đã lầm đường lạc lối, con không còn là niềm tự hào của mẹ nữa, con đã tự đánh mất tất cả, phụ công của mẹ. Nhưng mẹ cũng đừng buồn, bởi mất con rồi mẹ vẫn còn các em là niềm tự hào”. Anh có viết cho mẹ một lá thư nhưng không dám gửi sợ làm đau lòng bà.
Tài tâm sự: “Tôi đã làm tan nát cõi lòng của mẹ, tôi là đứa con bất hiếu! Giờ đây nghĩ lại, bản thân tôi không những có lỗi với mẹ, người thân mà có lỗi cả với xã hội. Bởi cũng vì ma túy mà nhiều gia đình lâm vào cảnh tang thương chia lìa, là nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt tội phạm như giết người cướp của, trộm cắp. Nhiều lúc tôi tự hỏi tại sao mình không nhận thức được điều này sớm hơn, để kịp dừng lại, bớt cho xã hội một tội phạm?”.
Tự truyện Mẹ ơi của Lê Ngọc Tài là những trang thư dài thấm đẫm nỗi xót thương khi anh nghĩ về mẹ và nỗi day dứt ân hận khôn nguôi về hành vi tội lỗi của mình. Tài mơ ước: “Nếu ngày mai xã hội vẫn mở rộng vòng tay đón nhận, tôi sẽ tình nguyện cầm phấn trong trại trẻ mồ côi, để tìm lại nụ cười cho mẹ, chuộc một phần lỗi lầm mà tuổi trẻ tôi gây ra”.
Nguyễn Việt Chiến
(giới thiệu)
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Đường dây ngầm sụp đổ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Gãy cánh sau phi vụ “khủng”
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Ngã rẽ của người trí thức tài năng
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Tiền và tình dẫn xuống vực sâu
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Một tử tù “sống lại để chuộc lỗi”
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Trong tù, vợ chồng mơ ngày đoàn tụ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Trong tù viết tiểu thuyết sử thi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Án tử hình với một cán bộ tòa
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Người đàn bà bị bóng đêm săn đuổi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Bi kịch của một người mẫu
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: 4.000 đêm chờ thi hành án tử
Bình luận (0)