26 phiên nằm sàn, cổ phiếu FTM bị nghi làm giá

Mai Phương
Mai Phương
20/09/2019 15:04 GMT+7

Sáng nay 20.9, cổ phiếu FTM của Công ty Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex) tiếp tục bị giảm sàn.

Cổ phiếu FTM bị giảm hết biên độ còn 3.710 đồng và đây là phiên giảm sàn liên tiếp thứ 26 của cổ phiếu này. Từ mức giá 23.650 đồng của hơn một tháng trước đó, nay cổ phiếu FTM đã mất đi 85% giá trị.
Khi bên mua không có cổ phiếu nào thì phía bán lệnh chất như núi. Chỉ trong sáng nay, lượng dư bán ở mức giá sàn lên gần 6 triệu cổ phiếu. Trong thời gian cổ phiếu này lao dốc, có những phiên khối lượng dư bán sàn lên tới gần 33 triệu đơn vị, tương ứng 65% cổ phần công ty. Việc lao dốc không phanh của FTM khiến cho các nhà đầu tư lẫn các công ty chứng khoán đang sở hữu và cho vay cầm cố trước đó rơi vào khủng hoảng. Cơn lốc bán tháo của cổ đông cộng thêm lượng giải chấp từ các công ty chứng khoán nên việc giảm sàn của FTM có lẽ chưa dừng lại ở đây.
Trong khi cổ phiếu đang liên tục lao dốc thì ông Nguyễn Hoàng Giang - Chủ tịch Hội đồng quản trị - đã gửi đơn xin từ chức kể từ ngày 16.9 và đã được Hội đồng quản trị thông qua. Trong thông báo gửi ngày 18.9, công ty Fortex khẳng định công ty vẫn đang hoạt động bình thường với 3 ca sản xuất liên tục. Hiện nay ngành sợi đang gặp nhiều khó khăn và ban lãnh đạo công ty hiện nỗ lực tập trung nâng cao kết quả hoạt động, mở rộng các thị trường xuất khẩu mới…
Trước đó, Fortex cho biết cổ phiếu FTM không được giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế 6 tháng năm 2019 âm. Trước tình hình này, trong thời gian vừa qua, thị trường xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt liên quan đến Fortex và cổ phiếu FTM. Điều này khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều tin đồn gây bất lợi đến hình ảnh của công ty và quyền lợi của cổ đông.
Kể từ giữa tháng 8.2019, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM thông báo cổ phiếu FTM không được giao dịch ký quỹ vì bị thua lỗ. Ngay sau đó, một số công ty chứng khoán có dư nợ cho vay margin và có nguy cơ thiệt hại lớn với cổ phiếu FTM đã có cuộc họp tại Hà Nội. Qua thống kê sơ bộ có 10 cá nhân mở tài khoản và có dư nợ margin lớn tại 13 công ty chứng khoán với tổng giá trị khoảng 200 tỉ đồng. Các tài khoản này có hiện tượng giao dịch chéo để tạo thanh khoản giả tạo với cổ phiếu FTM trong giai đoạn trước đó.
Thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cơ quan quản lý đã nắm được thông tin liên quan tới diễn biến và đang cùng phối hợp với các đơn vị chức năng xác minh, làm rõ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.