3 dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường không được kiểm soát

Ngọc Quý
Ngọc Quý
20/12/2021 09:11 GMT+7

Tiểu đường loại 2 có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của người bệnh. Nếu đường huyết tăng quá cao có thể đe dọa tính mạng.

Trong trường hợp người bệnh không thể kiểm soát tốt đường huyết thì sẽ đối mặt với nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm với sức khỏe, từ thay đổi tâm trạng đến tổn thương một số cơ quan trong cơ thể, theo Medical News Today.

Không kiểm soát tốt đường huyết có thể khiến người mắc tiểu đường loại 2 gặp mặt nhiều biến chứng nguy hiểm

SHUTTERSTOCK

Khi đường huyết không được kiểm soát tốt, người bệnh tiểu đường loại 2 có thể xuất hiện những dấu hiệu sau:

Thường xuyên bị nhiễm trùng

Đường huyết cao sẽ khiến người bệnh dễ bị nhiễm trùng hơn. Ngoài ra, khi bị thương, vết thương của họ dễ bị viêm và chậm lành.

Các nghiên cứu khoa học cho thấy người bị tiểu đường loại 2 nếu không kiểm soát được đường huyết sẽ dễ mắc các loại nhiễm trùng gồm:

Nhiễm trùng da, chẳng hạn như viêm mô tế bào hoặc lở loét, đặc biệt ở bàn chân.

Nhiễm trùng đường tiết niệu, trong đó có cả viêm bàng quang.

Nhiễm trùng miệng và viêm đường tiêu hóa.

Nhiễm trùng đường hô hấp, chẳng hạn như bệnh lao hay cúm.

Nhiễm trùng nấm men, ví dụ như bệnh tưa miệng.

Viêm tai.

Các bệnh viêm nhiễm ở người bị tiểu đường thường mất nhiều thời gian hơn để điều trị. Bệnh cũng có thể tiến triển xấu nhanh hơn người bình thường. Nếu không điều trị kịp thời, một số loại nhiễm trùng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, gây đe dọa tính mạng. Các vết loét, chẳng hạn như ở bàn chân, có thể phải cắt cụt chi.

Thèm ăn thường xuyên nhưng không tăng cân

Ở người mắc tiểu đường loại 2, đường huyết trong máu họ cao nhưng lượng đường này vì thiếu insulin nên không thể hấp thụ vào tế bào, dẫn đến tế bào thiếu đường.

Tình trạng trên khiến cơ thể bị đói thường xuyên. Ngay cả khi họ ăn, thức ăn được chuyển hóa thành đường glucose. Nhưng vì tế bào không thể hấp thụ đường nên vẫn bị thiếu năng lượng và gây đói.

Dù có sự liên kết giữa béo phì và tiểu đường loại 2 nhưng trên thực tế, những người không kiểm soát được đường huyết có thể không tăng cân được, ngay cả khi ăn nhiều. Thậm chí, có những trường hợp còn bị sụt cân.

Cảm giác ngứa ran hoặc tê bàn tay có thể là dấu hiệu của tổn thương dây thần kinh ở bệnh nhân tiểu đường loại 2

SHUTTERSTOCK

Cảm giác ngứa ran hoặc tê

Đường huyết cao trong thời gian dài có thể làm tổn thương các dây thần kinh trên khắp cơ thể, đặc biệt là các dây thần kinh liên quan đến cảm giác ở bàn tay và bàn chân.

Do đó, một người mắc tiểu đường loại 2 có cảm giác tê hoặc ngứa ran thì rất có thể dây thần kinh của họ đã bị tổn thương. Một số trường hợp còn trải qua tình trạng đau dây thần kinh, gây cảm giác bỏng rát. Đau dây thần kinh có thể xuất hiện ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể, đặc biệt là bàn tay và bàn chân.

Bệnh nhân tiểu đường kể về thứ thuốc 'suýt gây mất mạng'

Khi gặp các biểu hiện này, người bệnh cần đến khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Điều chỉnh lối sống với chế độ ăn lành mạnh và tập luyện thể thao thường xuyên sẽ giúp cải thiện chất lượng sống người bệnh, theo Medical News Today.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.