4 cách giúp dễ ngủ và ngủ ngon hơn

Ngọc Quý
Ngọc Quý
15/09/2023 00:07 GMT+7

Những người có thói quen thức khuya để lướt mạng xã hội, xem phim hay đọc sách. Thói quen này khiến cơ thể dễ cảm thấy mệt mỏi khi phải dậy đi học, làm việc vào sáng hôm sau. Một số điều chỉnh sau đây sẽ giúp các 'cú đêm' dễ ngủ và ngủ ngon hơn.

Thức khuya làm xáo trộn nhịp sinh học, khiến cơ thể khó thức dậy vào sáng hôm sau. Nếu thức khuya thường xuyên sẽ khiến họ ngủ muộn hơn và thức dậy cũng muộn hơn, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

4 cách giúp ‘cú đêm’ dễ ngủ và ngủ ngon hơn - Ảnh 1.

Để dễ ngủ, trong ít nhất 30 phút trước khi ngủ thì mọi người không nên dùng điện thoại

SHUTTERSTOCK

Nguyên nhân khiến nhiều người thức khuya thường là do thói quen ngủ. Vì vậy, họ cần xem xét lại các thói quen trước giờ ngủ. Uống caffeine, ăn món nhiều đường, tập thể dục cường độ cao, lướt điện thoại gần giờ đi ngủ đều là những nguyên nhân gây khó ngủ và khiến họ thức khuya.

Việc xác định các yếu tố này giúp những người thức khuya có thể điều chỉnh lại lịch trình sinh hoạt và giấc ngủ phù hợp hơn. Bên cạnh đó, để dễ ngủ, mọi người có thể thử áp dụng các thói quen sau:

Thư giãn

Thay vì dùng điện thoại hay xem phim, trong vòng 1 giờ trước khi ngủ, mọi người hãy thử các hoạt động thư giãn nhẹ nhàng như đọc sách, nghe nhạc hoặc các động tác co giãn cơ đơn giản.

Không dùng thiết bị điện tử

Ánh sáng xanh từ màn hình thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng, laptop sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiết ra melatonin của cơ thể. Melatonin là loại hoóc môn của tuyến tùng, có chức năng điều chỉnh nhịp sinh học và đưa cơ thể vào giấc ngủ.

Ánh sáng xanh từ màn hình các thiết bị điện tử làm cản trở lượng melatonin của cơ thể, từ đó gây khó ngủ. Các chuyên gia khuyến cáo không dùng thiết bị điện tử ít nhất 30 phút trước khi ngủ.

Tạo môi trường dễ ngủ

Phòng ngủ là nơi cơ thể nghỉ ngơi và chìm vào giấc ngủ. Do đó, không gian này cần có điều kiện thuận lợi cho giấc ngủ. Điều trước tiên cần chú ý là phòng ngủ, nhất là giường, cần phải gọn gàng và sạch sẽ. Nếu nơi này có nhiều bụi, nấm mốc thì có thể gây kích ứng hô hấp, dẫn đến ho, chảy nước mũi. Người mắc sẽ rất khó ngủ nếu bị các triệu chứng khó chịu này.

Bên cạnh đó, nhiệt độ phòng cần mát mẻ và che chắn ánh sáng tốt. Ánh sáng nhân tạo từ đèn đường sẽ ảnh hưởng đến nhịp sinh học, góp phần gây khó ngủ. Vì vậy, phòng ngủ cần có rèm cửa để ngăn chặn loại ánh sáng này chiếu vào phòng.

Thực hành chánh niệm

Dành vài phút chánh niệm trước khi ngủ bằng thiền hay các bài tập thở sẽ giúp giảm căng thẳng và dễ chìm vào giấc ngủ hơn hơn. Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo mọi người nên đi ngủ và thức dậy vào những khung thời gian cố định trong ngày để thiết lập nhịp sinh học cho cơ thể, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.