Nhóm bạn trẻ sau thời gian tu nghiệp ở Israel trở về đã chọn vùng đồi núi nắng gió ở xã Ninh Thượng (TX.Ninh Hòa, Khánh Hòa) làm nông trại.
Lên núi lập nghiệp
Vùng đất nằm sát chân núi ở xã Ninh Thượng trước đây khô cằn, mỗi năm chỉ canh tác được một vụ mía đường. Từ khi xuất hiện nông trại có tên The Moshav Farm, nơi đây đang thay da đổi thịt từng ngày.
Nguyễn Tá Đông năm nay 31 tuổi, quê ở Đắk Lắk, được coi là “thủ lĩnh” của The Moshav Farm. Khi còn là sinh viên theo học ngành quản trị ngoại thương tại TP.HCM, Đông vừa học vừa làm cho một công ty về logistics. Xót xa khi thấy nông sản của Việt Nam xuất khẩu với giá quá thấp so với công sức người nông dân bỏ ra, lại luôn đối mặt với cảnh được mùa mất giá, Đông trăn trở phải làm sao để nâng cao chất lượng nông sản. Năm 2015, Đông biết đến chương trình tu nghiệp sinh về nông nghiệp ở Israel nên liều vay 40 triệu đồng làm hồ sơ đăng ký. “Lúc đó, gia đình, bạn bè đều phản đối mình, lo sợ vì thấy trên ti vi cảnh các nước Trung Đông bom đạn, khủng bố. Nhưng khi mình đặt chân đến nơi thì thấy trái ngược hẳn. Tại Israel yên bình với những cánh đồng lớn, mình học được nhiều kiến thức về nông nghiệp công nghệ cao. Với kỹ thuật tiên tiến nên các loại nông sản cho năng suất cao. Tháng ngày học tập, làm việc tại đây là hành trình xây nền móng cho bản thân mình trước ngày trở về để lập nghiệp”, Đông chia sẻ.
Sau khi trở về Việt Nam, Đông kết nối với những người bạn gồm: Nguyễn Mạnh Tiến (26 tuổi, quê Nghệ An), Trương Hoàng Nam (26 tuổi, quê Đồng Tháp) và Phạm Minh Thông (25 tuổi, quê Bến Tre) để cùng thực hiện ước mơ xây dựng nông trại “theo kiểu Israel”. Bốn chàng trai đến từ bốn địa phương khác nhau, theo học đại học với các ngành nghề khác nhau, nhưng có điểm chung là đam mê nông nghiệp và tất cả đều có thời gian tu nghiệp tại Israel. Đông kể: “Nhóm đã đi nhiều nơi để khảo sát và đến cuối năm 2018 thì chọn Ninh Thượng để lập nghiệp. Nơi đây có quỹ đất lớn, giá đất phù hợp, gần các nguồn nước, giao thông thuận lợi. Ban đầu, nhóm chỉ có 10 ha, sau đó đã dần mở rộng và hiện tại là 56 ha”.
|
Làm đến đâu, “show” đến đó
The Moshav Farm được xây dựng theo mô hình làng nông nghiệp sạch, kết hợp du lịch sinh thái. Nhóm bạn trẻ quy hoạch nông trại theo nhiều khu vực một cách khoa học, gồm: khu cây trồng (bưởi, xoài, chuối, dừa, mít...), khu chăn nuôi (ngựa, cừu, bò, gà), khu rau củ - dược liệu, khu chế biến, thực nghiệm… Nhóm ứng dụng tối đa khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Như tại khu cây trồng được đánh dấu bằng số để quản lý trên máy tính, sử dụng hệ thống tưới tự động nhỏ giọt, phun sương, bón phân tự động; đồng thời phân chia khu vực chăm sóc, quản lý cây trồng cho từng nhóm người. Kết quả công việc được báo cáo hằng ngày và được theo dõi trên phần mềm quản lý hiệu quả công việc. Tất cả cây trồng đều được chăm sóc bằng phân hữu cơ, từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở các khu chăn nuôi tại nông trại và các hộ dân địa phương. “Những ngày đầu đến đây, nhóm khá sốc khi vỏ thuốc diệt cỏ vương vãi khắp nơi. Hằng năm, nhóm phải bổ sung hàng trăm tấn phân hữu cơ xuống để cải tạo đất. Nông nghiệp sạch thì tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ. Hiện nay, nông trại cắt cỏ có kiểm soát, tận dụng cỏ cây tại chỗ để giữ ẩm cho gốc cây trồng”, Đông chia sẻ.
The Moshav Farm hiện tại còn trong giai đoạn lấy ngắn nuôi dài. Thời gian qua, nông trại đã cho ra một số sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ cây ngắn ngày như túi lá xông giải cảm; nước rửa tay, rửa chén, lau nhà, nước giặt từ quả bồ hòn; bột gừng sấy lạnh; bột rau má, dầu gió bạc hà; mặt nạ bùn khoáng, trà đậu biếc... Các sản phẩm được phân phối bởi hơn 100 kênh bán sỉ, lẻ trên toàn quốc và nhận phản hồi tốt từ khách hàng. Trong khi đó, các vườn cây cũng đang phát triển tươi tốt và bắt đầu ra trái.
Làm sao để đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm của nông trại? Nguyễn Mạnh Tiến nói rằng cách tiếp cận thị trường của nhóm là “làm đến đâu, “show” đến đó”. Nghĩa là tận dụng các kênh của mạng xã hội để kể cho mọi người biết về quy trình nuôi trồng, chăm sóc từ lúc triển khai cho đến khi đưa ra thị trường. “Khi mọi người được theo dõi, giám sát các thông tin của sản phẩm thì sẽ yên tâm về chất lượng và dễ được đón nhận. The Moshav Farm nhận được rất nhiều đơn đặt hàng, nhưng hiện tại cung chưa đủ cầu”, Mạnh Tiến hào hứng khoe.
|
Truyền cảm hứng
Hơn hai năm lập nghiệp, bắt đầu từ số tiền tích cóp được trong thời gian vừa học vừa làm tại Israel của 4 chàng trai 9X, đến nay The Moshav Farm còn nhận được sự tin tưởng của nhiều cổ đông bên ngoài góp vốn để phát triển. Nông trại cũng được xem là điển hình về mô hình sản xuất nông nghiệp sạch “theo kiểu Israel”, thu hút đông đảo bạn trẻ đam mê nông nghiệp đến học hỏi, thực tập, trải nghiệm.
Ngoài lợi ích kinh tế, mục tiêu hướng đến của The Moshav Farm là các dự án vì cộng đồng. Hằng tháng, nhóm đều có các buổi giao lưu gặp gỡ các bạn trẻ, tổ chức dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em. Nông trại tiếp nhận các bạn trẻ đến thực tập, làm việc, học cách làm nông theo những gì 4 chàng trai đã từng học ở Israel. Nguyễn Mạnh Tiến nói: “Hiện nay, nhiều bạn trẻ bỏ phố về quê khởi nghiệp không còn mới, nhưng thất bại cũng không ít, vì nhiều bạn chỉ thích nông nghiệp một cách “ngờ ngợ”. Đến The Moshav Farm, các bạn không chỉ được trải nghiệm làm nông mà còn là khoảng thời gian để biết được cảm xúc thật của mình với nông nghiệp. Nghề nông nhiều vất vả, khi đam mê thật sự thì mới làm việc máu lửa, tràn năng lượng mỗi sáng sớm ra đồng, mới theo đuổi lâu dài được”.
Anh Nguyễn Trần Ngọc Hòa, Bí thư Xã đoàn Ninh Thượng, cho biết nông trại không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục người dân địa phương, mà còn là nơi truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ. Nông trại cũng là nơi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sống, thể hiện bản lĩnh của người trẻ. “Thời gian qua, nhiều thanh niên sau thời gian “thực tập” tại The Moshav Farm đã mạnh dạn xây dựng nông trại cho riêng mình. Các bạn đi sau, học làm theo mô hình The Moshav Farm với diện tích nhỏ, nhưng với cách làm mới và tư duy tích cực, hứa hẹn nhiều thành công, từ đó mở ra cơ hội để thanh niên nông thôn làm giàu ngay tại địa phương”, anh Hòa nói.
Khi được hỏi 56 ha đã đủ với The Moshav Farm chưa, Nguyễn Tá Đông cười: “Ở Israel có những nông trại hàng trăm héc ta, thậm chí là những làng nông nghiệp hàng ngàn héc ta. Nhóm cũng tham vọng nông trại rộng lớn hơn, nhưng quan trọng là mơ ước một ngày không xa, Việt Nam mình sẽ có những làng nông nghiệp với các nông trại cho ra những sản phẩm sạch, chất lượng. Trên những nông trại ấy, người nuôi trồng không chỉ là nông dân, mà còn trở thành những nhà kinh doanh nông nghiệp”.
Nơi thử nghiệm cây, con giống
Tá Đông tự hào cho biết nông trại còn là nơi thử nghiệm các cây trồng, vật nuôi, nhằm tìm ra những sản phẩm phù hợp, hiệu quả. “Năm ngoái, nhóm đưa 100 cây sầu riêng về trồng. Cây phát triển tốt nhưng mùa khô nhiệt độ cao quá, chết dần không còn cây nào. Nhóm vẫn vui vẻ vì đó là hướng đi thử nghiệm, để sàng lọc, lựa chọn. Nếu không thử nghiệm thì sẽ không có người dân nào dám thử”, Đông nói và cho biết thêm hiện nông trại đang thử nghiệm trồng thêm nho, dâu, mãng cầu… Nếu “đi đầu” thành công sẽ góp phần giúp người dân địa phương gây dựng các khu vườn lớn.
|
Bình luận (0)