4 người chết, 4 người mất tích do mưa lũ

05/09/2019 05:26 GMT+7

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai , Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cho biết, mưa lũ ảnh hưởng từ áp thấp nhiệt đới đã làm 4 người chết và 4 người mất tích.

Cụ thể: Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thừa Thiên-Huế mỗi tỉnh có 1 người chết do đuối nước, bị nước cuốn trôi và bị ngã khi chằng chống nhà cửa. Trong số 4 người mất tích thì tỉnh Quảng Bình có 1 người, 3 người còn lại là ngư dân trên tàu cá tỉnh Quảng Nam mang số hiệu QNa 91928 TS bị chìm ở vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa.
Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN), Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), tàu QNa 91928 TS có 44 ngư dân khi đang trên đường trú tránh áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) thì gặp sự cố dẫn tới chìm tàu lúc 8 giờ ngày 2.9. Ngay sau đó, tàu cá QNg 90817 TS đã ứng cứu thành công 41 ngư dân và bàn giao cho tàu KN 420 hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Qua xác minh, 3 ngư dân còn mất tích cùng trú tại xã Tam Hải (H.Núi Thành, Quảng Nam), gồm: ông Nguyễn Tấn Vân (56 tuổi), ông Trần Văn Cẩm (55 tuổi) và ông Lê Văn Phường (46 tuổi).
Tàu KN 420 và 10 tàu cá khác đang tìm kiếm các nạn nhân mất tích.
Ngày 4.9, ông Hoàng Văn Đón, Trưởng công an xã Phúc Lợi (H.Lục Yên, Yên Bái), xác nhận một vụ sạt lở xảy ra lúc 7 giờ sáng cùng ngày tại địa bàn đã làm 1 người chết và 3 người bị thương nặng.

Miền Trung ngập nặng

Từ ngày 3 - 4.9, xã Phương Mỹ (H.Hương Khê, Hà Tĩnh) bị nước lũ cô lập hoàn toàn do mưa lớn kéo dài trong 3 ngày qua cộng với Nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ khiến nước trên sông Ngàn Sâu dâng cao. Từ sáng 3.9, các ngả đường dẫn vào xã ngập sâu trong nước lũ khiến xã bị cô lập hoàn toàn. Đến trưa 4.9, nhiều nhà dân bị nước lũ tràn vào gây ngập lụt. Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) và TKCN tỉnh Hà Tĩnh, đến trưa 4.9, toàn tỉnh có 26 xã bị ngập sâu trong lũ, trong đó H.Hương Khê 18 xã, H.Hương Sơn 6 xã và H.Vũ Quang 2 xã. Toàn tỉnh có gần 3.000 ha lúa vụ hè thu bị ngập úng trong nước lũ, 1 người tử vong do bị nước lũ cuốn.
Tại Quảng Trị, đêm 3.9, nước sông Sê Pôn bất ngờ dâng cao, tràn vào khoảng 400 nhà dân ở khóm Vĩnh Hòa, Ka Túp, Duy Tân... Ngay trong đêm, hàng trăm chiến sĩ biên phòng và các lực lượng chức năng khác đã tham gia giúp dân, đến sáng 4.9 hơn 500 hộ với 2.000 nhân khẩu trong vùng ngập lụt được đưa đến nơi an toàn. Ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, chỉ đạo lực lượng chức năng tiếp tục giúp sơ tán dân đến nơi an toàn, đồng thời phải cung cấp thực phẩm ở những nơi tránh lũ hoặc đang bị cô lập.
Trong khi đó, tại nhiều vùng đồng bằng, nước lũ cũng đã tràn vào nhà, nghiêm trọng nhất là khu vực dọc sông Thạch Hãn thuộc xã Triệu Thành và xã Triệu Phong (H.Triệu Phong).
Ông Lê Quang Lam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Trị, cho biết để giảm tải cho ngập lũ ở TX.Quảng Trị và H.Triệu Phong, đã cho mở cống ngăn mặn An Tiêm (thuộc hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn) để giảm lũ với lưu lượng 50 m3/giây. Sáng 4.9, PV Thanh Niên đi cùng đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Trị tiếp cận những vùng ngập sâu tại TT.Lao Bảo (H.Hướng Hóa), chứng kiến nhiều nơi ngập đến tận nóc nhà, nước sâu 4 - 5 m. Người dân vùng biên dùng thuyền bè để đi lại ngay trên đường phố.
Tại Quảng Bình, theo thống kê của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, đến chiều 4.9, tại H.Tuyên Hóa có 109 nhà bị ngập, 1.600 nhà bị cô lập; H.Lệ Thủy có 450 nhà bị ngập dưới 1 m; H.Minh Hóa có gần 1.000 nhà bị ngập, cô lập ở các xã Minh Hóa, Tân Hóa, Thượng Hóa, Xuân Hóa, Hồng Hóa.
Trong đó, nặng nhất là “rốn lũ” Tân Hóa với 512 nhà bị ngập, nhiều nhà ngập tới mái khiến người dân phải chuyển sang ở nhà phao hoặc sơ tán. Có 20 bản ở các xã Thượng Trạch (H.Bố Trạch), Lâm Thủy (H.Lệ Thủy), Trường Xuân, Trường Sơn (H.Quảng Ninh) đang bị chia cắt. Đến chiều 4.9, nước lũ vẫn tiếp tục dâng cao. Tại một số vùng thấp trũng ven sông ở các xã Châu Hóa, Văn Hóa (H.Tuyên Hóa), nước sông tràn vào trụ sở UBND và khu dân cư... Dự báo trên các sông suối trên lưu vực sông xuất hiện đợt lũ, đỉnh lũ ở mức báo động 2 - 3.
Trước tình hình này, H.Tuyên Hóa đã di dời 402 hộ dân; nếu mực nước sông Gianh tiếp tục lên sẽ tổ chức di dời thêm khoảng 650 hộ dân. H.Minh Hóa đã di dời 432 hộ dân.
Mưa lũ đã làm ngập và hư hỏng QL12A, QL15, QL9B, QL9C, QL9E và nhiều tuyến đường tỉnh. Đặc biệt, tại H.Minh Hóa, chị Hồ Thị Chăn (ở xã Trọng Hóa) mất tích khi đi xúc cá dọc khe suối, hiện đang tiếp tục tìm kiếm. Anh Trần Huy Lực (33 tuổi, ở TT.Đồng Lê, H.Tuyên Hóa) trèo lên mái Trường tiểu học số 2 TT.Đồng Lê chằng bao cát chống gió bị trượt chân ngã, gãy 3 xương sườn. Cháu Trần Tiến Duy (2 tuổi, ở bến chợ P.Quảng Thuận, TX.Ba Đồn) bị tử vong do đuối nước lũ trên sông Gianh.

Áp thấp nhiệt đới suy yếu, gây mưa to từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chiều 4.9, ATNĐ trên khu vực vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị - Quảng Ngãi đã suy yếu thành một vùng áp thấp, sức gió giảm xuống dưới cấp 6, tức là dưới 40 km/giờ.
Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng đông bắc, mỗi giờ đi được 5 - 10 km, hướng về phía vùng biển phía tây bắc quần đảo Hoàng Sa. Vùng áp thấp này sẽ gây mưa to đến rất to cho khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế trong hôm nay (5.9).
Phan Hậu
 

Đi hái măng rừng, một học sinh bị lũ cuốn trôi

Chiều 4.9, các lực lượng cứu hộ cứu nạn H.Đam Rông (Lâm Đồng) vẫn chưa tìm thấy thi thể Bon Krong K’Hôn (18 tuổi, ngụ xã Liêng Sronh, học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Đình Phùng, Đam Rông) bị lũ cuốn trôi khi trên đường đi hái măng rừng về nhà.
Ông Bùi Văn Hởi, Chủ tịch UBND H.Đam Rông, cho biết chiều 3.9, sau khi đi học về, K’Hôn cùng 2 người bạn tranh thủ lên rừng hái măng. Trên đường về khi bơi qua sông Đắk Măng, thuộc thôn 5 (Liêng Sronh), K’Hôn bị dòng nước lũ chảy xiết cuốn trôi.
Hai người bạn đi cùng may mắn bơi được sang bờ bên kia sông, về nhà. Nhận được tin, UBND H.Đam Rông huy động lực lượng công an, quân đội phối hợp Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng đi dọc sông Đắk Măng tìm kiếm thi thể nạn nhân. Do trời mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn đổ về ngày càng mạnh nên việc tìm kiếm khó khăn.
Theo ông Hởi, từ tối 3.9 nước lũ từ Vườn quốc gia Tà Đùng đổ về nhấn chìm 50 ha cà phê ở xã Đạ Knàng (Đam Rông), gió lốc còn làm tốc mái 4 căn nhà tại đây. Tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), trong ngày 4.9, hàng chục cây xanh ngã đổ. Trên đường Nguyễn Viết Xuân (P.4, Đà Lạt), một cây thông cổ thụ đường kính gốc 60 cm, cao hơn 20 m bị bật gốc chắn ngang đường khiến giao thông ách tắc hơn 3 giờ và bị cúp điện cục bộ.
Lâm Viên
 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.