Báo cáo của Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, thiên tai tại nước ta diễn biến bất thường gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhiều địa phương trong cả nước.
Tình hình thời tiết cực đoan gây mưa lớn tại Hà Nội vào cuối tháng 5 vừa qua |
Đậu Tiến Đạt |
Có thể kể đến đợt mưa lớn trái quy luật từ ngày 30.3 - 2.4 tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa hay đợt mưa từ ngày 21-24.5 ở Hà Nội và đồng bằng Bắc Bộ với lượng mưa phổ biến từ 200 – 400 mm, lớn nhất đến 797mm/3 ngày, có nơi tập trung đến 464 mm/ngày, đã gây ngập lụt ở nhiều khu vực như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, lũ trên một số tuyến sông có đê như sông Cầu, Cà Lồ, Phó Đáy, sông Tích đã vượt mức báo động 2…
Riêng hôm qua (12.6), ba ngày trước khi bước vào mùa lũ năm 2022, hồ thủy điện Hòa Bình phải mở hai cửa xả đáy, cho thấy tình hình mưa lũ năm 2022 sẽ rất phức tạp khó lường.
Mặc dù tình hình thời tiết cực đoan, diễn biến khó lường như vậy thế nhưng hệ thống đê điều cả nước đang bị xâm hại mà chưa được xử lý.
Qua thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai, hiện nay có hơn 2.700 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt còn 242 trọng điểm xung yếu và hơn 7.600 vụ vi phạm pháp luật về đê điều chưa được xử lý.
Trận mưa lớn vào cuối tháng 5 khiến đường phố Hà Nội thành sông |
Đậu Tiến Đạt |
Mặc dù các địa phương trong cả nước đã chủ động triển khai ứng phó và các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát rủi ro với thiên tai, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, ứng dụng khoa học công nghệ… nhưng thực tế cho thấy vẫn còn những tồn tại và hạn chế như phương án ứng phó với một số loại hình thiên tai chưa sát với thực tế; một số văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình xây dựng còn lúng túng, chưa mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng chống thiên tai.
Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến tham luận của các địa phương đã được trình bày nêu các vấn đề tồn tại, bài học kinh nghiệm và giải pháp về xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Nhất là việc cần phải đẩy mạnh phong trào thi đua “xây dựng đê kiểu mẫu”. Công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ, công tác quản lý bãi sông, quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông và bến bãi, đánh giá hiện trạng đê điều và các phương án sẵn sàng hộ đê theo phương châm “4 tại chỗ”.
Nhiều ý kiến tham luận tại hội nghị đã làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện trong công tác phòng, chống thiên tai, quản lý đê điều, hộ đê, xử lý vi phạm về công tác quản lý, chuẩn bị ứng phó, chỉ đạo huy động vật tư, nhân lực hộ đê, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.
Bình luận (0)