Tự nhận mình là bà mẹ rất tập trung vào việc nuôi dạy con, nhưng chị Vũ Thị Thu Hằng - Founder CMC - tổ hợp giáo dục sáng tạo dành cho cha mẹ (Q.3, TP.HCM) luôn tự nhắc bản thân phải để con tự bước trên đường của riêng mình.
Theo chị Hằng, trong thế kỷ 21, ngoài việc dạy con theo cách truyền thống xưa nay thì cha mẹ cần trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng theo xu hướng 4.0 để trẻ dễ dàng thích ứng với tương lai - khi máy móc đang dần thay thế con người.
“Nhiều cha mẹ cấm con sử dụng các thiết bị điện tử thông minh vì sợ không kiểm soát được các luồng thông tin, sợ con nghiện game, nghiện phim… Nhưng tương lai cuộc sống chúng ta được vận hành bởi công nghệ, nếu cấm con tiếp xúc là hạn chế con rất nhiếu”, chị Thu Hằng chia sẻ.
Dù vậy, thay vì thả điện thoại, máy tính, iPad cho con sử dụng tự do, phụ huynh này rất khéo léo trong việc “huấn luyện” con sử dụng các thiết bị công nghệ một cách hiệu quả.
|
Ngay đầu năm mới, chị Hằng đã cùng cậu con trai 10 tuổi Nguyễn Vũ Như Trí ngồi lại để đặt ra kế hoạch rèn luyện kỹ năng sử dụng công nghệ trong năm này. Dưới đây là 7 “bí kíp” của chị Hằng giúp Như Trí tiếp cận với công nghệ:
1. Con tìm thông tin trên internet cho những việc của gia đình
Chị Hằng để cho con là người tìm giải pháp từ việc tìm hiểu thông tin trên mạng, cân nhắc và chọn lọc thông tin để đưa ra giải pháp và cùng gia đình thực hiện.
Ví dụ như nhà có nhiều kiến, chị yêu cầu Trí tìm kiếm thông tin trên mạng về cách đuổi kiến an toàn, không độc hại. Những chuyến du lịch của gia đình, Trí cũng là người tìm hiểu thông tin lịch trình, chọn lọc khách sạn, phương tiện đi lại…
2. Con tự đặt lịch hẹn
Kỹ năng giao tiếp, lập kế hoạch cho cuộc sống bắt đầu từ việc con tự sắp xếp. Như Trí sẽ gọi điện sắp xếp lịch hẹn khám bệnh, đi nha sĩ, đặt bàn cho gia đình khi đi ăn, đi xem phim, cắt tóc…
Theo chị Hằng, để con làm điều này, ba mẹ cần là người hướng dẫn, động viên và “lên kịch bản gọi điện” cùng con. Nếu trong quá trình nói chuyện con quên mất kịch bản cũng không sao, trẻ sẽ học từ những lỗi sai của mình.
|
3. Quản lý tài chính bằng công nghệ
Mỗi tháng, gia đình chị Hằng sẽ cho con một khoản “lương” cố định là 200.000 đồng và dạy con chi tiêu, tiết kiệm. Khoản tiền này chị Hằng thảo luận với Trí và thống nhất về cách dùng như sau: nhu cầu thiết yếu 40%, tiền tiết kiệm dài hạn 30%, tiền giáo dục (mua sách) 10%. Còn lại 10% sẽ được dùng để làm từ thiện.
Việc quản lý tài chính, chị Hằng đã hướng dẫn con từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, sang năm 2020 thay vì ghi chép vào sổ, Trí được mẹ hướng dẫn sử dụng quản lý tài chính bằng các phần mềm phù hợp cho trẻ.
“Có được kỹ năng quản lý tài chính này, con sẽ lèo lái cuộc đời mình chắc chắn và chủ động”, chị Thu Hằng chia sẻ.
4. “Muốn ăn thì lăn vào bếp”
|
Trí đã từng được mẹ và các cô giáo trên trường dạy nấu vài món đơn giản. Nhưng để khuyến khích con tự mày mò, chị Hằng cho Trí tìm hiểu và học theo cách chế biến món ăn trên mạng nhằm giúp con có trách nhiệm hơn với việc lên danh sách nguyên liệu cần mua và tự chuẩn bị, nấu nướng.
Chị Hằng cho rằng, kỹ năng tự chăm sóc bản thân này rất cần thiết cho mỗi đứa trẻ. Tương lai, khi con rời xa vòng tay cha mẹ, nếu không biết tự chăm sóc bản thân, tìm hiểu về dinh dưỡng và ăn uống cân bằng, con sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
5. Sử dụng các công cụ tin học cơ bản
Dù đã học và sử dụng các công cụ như powerpoint, word, excel…
từ lớp 1 nhưng theo kế hoạch, từ nay Trí sẽ có nhiệm vụ mới là làm những bài thuyết trình về các sự kiện của bản thân và gia đình như lên lịch trình cho tiệc sinh nhật, kể lại chuyến du lịch, làm thiệp mời...
6. Sử dụng email, google drive
Một kênh nữa để giao tiếp được hai mẹ con đặt ra là sử dụng email. Theo chị Hằng, việc hướng dẫn bé sử dụng công cụ này sẽ giúp con liên lạc với bạn bè, cha mẹ thầy cô, gửi hình ảnh, tư liệu… Con cũng có thể viết thư khi có những chuyện không thể nói trực tiếp.
7. Những thao tác phổ biến khác
Cũng trong năm nay, Như Trí sẽ được mẹ phổ cập nhiều kiến thức phổ biến thường ngày như mua hàng online, đặt xe công nghệ,… Những hoạt động này sẽ giúp con trải nghiệm nhiều trong năm tới, để con linh hoạt và thích ứng với cuộc sống đang diễn ra xung quanh.
“Chắc chắn khi thực hành những hoạt động trên, con sẽ còn nhiều lóng ngóng, có khi khiến mọi thứ rối tinh lên, nhưng không sao cả, con cần trải nghiệm để trưởng thành”, chị Hằng nói và cho biết, sau khi lên kế hoạch chị đã dùng nhiều cách để động viên con thực hiện từng bước.
Bình luận (0)