75 kiến nghị của người trẻ hiến kế cho tổ chức Đoàn Thanh niên

Vũ Thơ
Vũ Thơ
29/03/2022 20:12 GMT+7

Tại hội nghị lấy ý kiến ý của của trí thức trẻ, giảng viên trẻ, học sinh, sinh viên trong và ngoài nước góp ý Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, đã có 75 đề xuất, kiến nghị.

Chiều 29.3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị lấy ý kiến góp ý của của trí thức trẻ, giảng viên trẻ, học sinh, sinh viên trong và ngoài nước, góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII với sự tham dự và chủ trì của anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn.

Tại hội nghị đã có 21 ý kiến với 75 đề xuất, kiến nghị góp ý cho Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII. Ngoài ra, Ban tổ chức nhận được 130 tham luận, ý kiến của trí thức trẻ, giảng viên trẻ, học sinh, sinh viên.

Hội nghị diễn ra tại điểm cầu T.Ư Đoàn

nhật nam

Thanh niên cần hỗ trợ hiện thực hoá ý tưởng

Nhiều ý kiến của các trí thức trẻ cho rằng, Đoàn cần tạo môi trường sáng tạo hỗ trợ các tri thức trẻ hiện thực hóa các sáng kiến. Anh Lê Văn Lịch (PGS trẻ nhất Việt Nam năm 2022, giảng viên ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho rằng cần phát triển môi trường nghiên cứu sáng tạo, bởi xu hướng toàn cầu hóa có nhiều thay đổi nhanh chóng, nguồn nhân lực là yếu tố dành phần thắng trong phát triển kinh tế.

Theo anh Lịch, cần thiết xây dựng các nguồn quỹ và kết nối các nguồn lực để đồng hành và hỗ trợ việc hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo của thanh niên, đặc biệt là các ý tưởng và sáng kiến nhằm giaỉ quyết các vấn đề thực tiễn cấp thiết của đất nước.

“Hiện nay, nhà nước, các bộ, ban, ngành và các doanh nghiệp đang triển khai nhiều quỹ nghiên cứu. Tuy nhiên, rất ít quỹ nghiên cứu dành riêng cho tri thức trẻ. Sự ra đời các quỹ phát triển khoa học công nghệ cho đoàn viên, tri thức trẻ có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo tiền đề để các nhà khoa học trẻ trưởng thành, nhanh chóng trở thành các cán bộ nòng cốt đóng góp vào thành tựu chung của nền khoa học nước nhà và góp phần giải quyết các vấn đề liên quan đến khoa học công nghệ trong nước”, anh Lịch nói.

PGS Lê Văn Lịch góp ý kiến tại hội nghị

nhật nam

Sinh viên Nguyễn Đình Hoàng Phúc (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TPHCM) cho rằng, cơ sở vật chất của hầu hết các trường chưa đáp ứng đủ nhu nghiên cứu sáng tạo của sinh viên. Đặc biệt, phần lớn các ý tưởng sáng tạo của học sinh, sinh viên chủ yếu vẫn nằm trong khuôn khổ các cuộc thi, chưa được chú trọng đầu tư để hiện thực hóa vào cuộc sống.

Theo Hoàng Phúc để thúc đẩy sự sáng tạo trong học tập, nghiên cứu của học sinh, sinh viên, cần sự đầu tư, nâng cấp cơ sở vật ở các trường. Đồng thời, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng khuyến khích sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của học sinh, sinh viên; không đặt nặng thi cử, thành tích. Bên cạnh đó là phát triển các đội nhóm, mạng lưới nghiên cứu để huy động trí tuệ tập thể.

Cần đổi mới phương thức giáo dục

Tại hội nghị, nhiều ý kiến góp ý về việc tổ chức Đoàn cần đổi mới phương thức giáo dục thanh niên. Bạn Châu Phú Vinh (sinh viên Học viện An ninh Nhân dân) cho rằng, đời sống văn hóa, thông tin ngày càng phong phú đặt ra thách thức cho công tác giáo dục của Đoàn, đặc biệt là sự bùng nổ thông tin trên mạng xã hội.

“Đoàn cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức giáo dục để tăng sức đề kháng cho bạn trẻ làm chủ bản thân trước các thông tin xấu độc trên mạng xã hội”, Vinh nói.

Anh Nguyễn Tường Lâm chù trì và phát biểu tại hội nghị

nhật nam

Theo Vinh, ở đâu có đoàn viên, thanh niên, Đoàn mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp một cách linh hoạt. “Đoàn cần linh hoạt thành lập tổ chức Đoàn, chi hội trên không gian mạng mà không phụ thuộc vào không gian, thời gian nhưng vẫn đảm bảo tôn chỉ, mục đích và hiệu quả hoạt động”, Vinh đề xuất.

Nguyễn Hùng Đan Anh (học sinh lớp 11A5 Trường THPT Ngô Quyền, Đồng Nai) cũng cho rằng trong đại dịch vừa qua, học sinh, sinh viên phải thường xuyên sử dụng mạng xã hội, bên cạnh mặt tích cực của công nghệ thông tin, có những hạn chế như thường xuyên sử dụng mạng, nên dễ bị chi phối bởi các thông tin trên internet (mạng truyền thông, mạng xã hội).

Vì vậy, Đan Anh mong được trang bị đầy đủ những kiến thức, nhận thức, có ý thức chọn lọc thông tin đúng, thông tin tốt để tiếp nhận, hạn chế, loại bỏ thông tin xấu, độc

Anh Hà Thành Đạt (giảng viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) đề xuất trang bị kiến thức, kỹ năng cho đoàn viên, thanh niên sử dụng tốt và hiệu quả công cụ chuyển đổi số.

Theo anh Đạt, việc trang bị kiến thức cho bạn trẻ không chỉ dừng lại ở việc sử dụng hiệu quả công cụ chuyển đổi số để phục vụ bản thân trong học tập, rèn luyện. Đoàn viên, thanh niên phải là lực lượng đi đầu sử dụng các sản phẩm, thiết chế chuyển đổi số do các tổ chức, chính quyền triển khai; đồng thời, lan tỏa rộng rãi cho cộng đồng, xã hội.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Tường Lâm cho biết, các hiến kế đầy tâm huyết, trách nhiệm và trí tuệ của các đại biểu sẽ là căn cứ quan trọng để BCH T.Ư Đoàn tiếp tục nghiên cứu, thảo luận trong quá trình xây dựng Báo cáo chính trị trình Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, đảm bảo xác thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn và nhu cầu, nguyện vọng của thanh thiếu nhi nói chung và trí thức trẻ, giảng viên trẻ, học sinh, sinh viên trong và ngoài nước nói riêng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.