Bài học này được GS Phạm Hồng Tung (ảnh), Viện trưởng Viện Việt Nam học và phát triển, nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với PV Thanh Niên nhân dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9.
|
Chuyển hướng chiến lược cách mạng kịp thời
Thưa giáo sư, có ý kiến cho rằng khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra thì chỉ có rất ít tỉnh nhận được quyết định khởi nghĩa từ Tân Trào. Chẳng hạn, Hà Nội và Huế nhận được còn Sài Gòn thì không. Lúc đó T.Ư Đảng và Bác Hồ cũng không có mặt để lãnh đạo giành chính quyền. Vậy giải thích thế nào về việc không có T.Ư Đảng và Bác Hồ thì không có Cách mạng Tháng Tám, thưa ông?
Tuyên ngôn Độc lập phát triển quyền cá nhân thành quyền dân tộcBằng sự tiếp nhận nội dung về quyền con người ở hai bản tuyên ngôn của cách mạng Pháp và Mỹ, Tuyên ngôn Độc lập do Hồ Chí Minh soạn thảo và công bố là tuyên ngôn đầu tiên trên thế giới xác định quyền dân tộc cơ bản từ nền tảng của quyền con người. Điều này nói rằng quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc của mỗi cá nhân cũng như của dân tộc không có gì trừu tượng mà rất cụ thể và có mối quan hệ hữu cơ với nhau.
Mối quan hệ đó đảm bảo sự tồn tại lẫn nhau và là cơ sở để Hồ Chí Minh khẳng định tinh thần của nhân dân Việt Nam “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Mối quan hệ đó đem lại nội dung thực tế cho các quyền này chứ không phải là các từ ngữ trống rỗng khi sau này Người chỉ rõ rằng: nếu nước độc lập mà dân chưa được hưởng tự do, ấm no, hạnh phúc thì độc lập đó cũng chẳng có nghĩa gì.
Biểu thị mối quan hệ dân tộc - con người được Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ trên tiêu chí Độc lập - Tự do - Hạnh phúc của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và ngày nay được giữ nguyên, làm tiêu chí của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
(PGS-TS Phạm Hồng Chương, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng)
Trinh Nguyễn (ghi)
|
Vai trò của Bác Hồ với T.Ư Đảng quan trọng ở chỗ chuyển hướng chiến lược cách mạng. Trước đó, Hội nghị T.Ư VI đã khởi đầu cho quá trình chuyển hướng cách mạng trong phạm vi dân tộc Việt Nam chứ không phải là Đông Dương nữa. Như thế, sẽ có cơ hội phát huy cao nhất tinh thần dân tộc của người Việt Nam với đất nước Việt Nam. Hội nghị T.Ư VI đặt vấn đề chuyển sang chiến lược giải phóng dân tộc nhưng chưa đặt trong khuôn khổ của từng nước trong Liên bang Đông Dương. Đấy là cái thứ nhất.
Thứ hai, tới Hội nghị T.Ư VIII, khi Bác Hồ đã về nước, lúc này T.Ư do ông Trường Chinh đứng đầu đã suy nghĩ thấu đáo và chuyển hướng thành công chiến lược. Trong đó, quyền lợi của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử tồn vong của quốc gia dân tộc, cách mạng Việt Nam là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng chứ không phải cuộc cách mạng tư sản dân quyền. Đấy là chuyển hướng quan trọng nhất, là cội nguồn của tất cả các nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.
Nếu ta so sánh trước đó thì trong tất cả các tài liệu tuyên truyền của Đảng ở Đông Dương nói rất nhiều về Lênin, nói rất nhiều về Bác, về cộng sản. Từ 1930 đến 1941, trong các tài liệu tuyên truyền của Đảng không hề nói đến con rồng cháu tiên, không nói đến Vua Hùng, không nói đến Trần Hưng Đạo hay Hai Bà Trưng mà lại kêu gọi kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, Ngày quốc tế chống chiến tranh… Nhưng sau khi Bác về nước và Hội nghị T.Ư VIII, các tài liệu tuyên truyền đều nói đến Vua Hùng, Hai Bà Trưng, chỉ nói lịch sử Việt Nam, các chiến khu đều mang tên anh hùng dân tộc.
Việc “bẻ lái” này đến từ T.Ư Đảng và Bác Hồ. Nếu không, ngọn cờ Việt Minh không thể trở thành ngọn cờ đại nghĩa dân tộc, không trở thành nơi quy tụ sức mạnh yêu nước. Đó là công lao rất lớn của Đảng trong tập hợp quần chúng.
Và khi “bẻ lái” như vậy, chúng ta đã tập hợp được sức mạnh toàn dân trong khởi nghĩa như thế nào, thưa ông?
Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốcCó một tư tưởng hệ trọng trở thành truyền thống xuyên suốt, sống còn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đó là đại đoàn kết. Sức mạnh đại đoàn kết là cội nguồn của mọi thành công, như Bác Hồ từng đúc kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
Dân tộc ta từ xưa đến nay từng đối mặt với nhiều ngoại bang lớn mạnh; thiên tai địch họa chúng ta cũng thường xuyên đối mặt rất nhiều, mà nếu như không đoàn kết thì không thể vượt qua được. Thời chiến cũng như thời bình, bài học đoàn kết theo tư tưởng của Bác Hồ luôn hệ trọng. Muốn chiến thắng, chúng ta phải đại đoàn kết toàn dân, cùng xây dựng nước nhà, phụng sự Tổ quốc, chống lại mưu toan chia rẽ... Đó như là quy luật sống còn của lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ tư tưởng của Bác Hồ, bài học sâu sắc mà chúng ta nhận thấy, là khi quy tụ tất cả mọi người dân Việt Nam vào khối đại đoàn kết dân tộc, lấy cái chung để hạn chế cái riêng, cái khác biệt; có sự đoàn kết thống nhất giữa tất cả những ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ người dân, thì đó thật sự sẽ luôn là động lực có ý nghĩa chiến lược cơ bản trong công cuộc cùng nhau vun đắp cuộc sống thuận hòa, xây dựng và bảo vệ đất nước giàu mạnh, văn minh. Như bây giờ đối mặt đại dịch Covid-19, khi chúng ta có sự chung sức, đồng lòng hưởng ứng, thực hiện đồng bộ biện pháp phòng chống, thì chúng ta nhận thấy cũng đã mang lại nhiều giá trị với những kết quả bước đầu hết sức quan trọng. (GS-TS Võ Văn Sen, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia (CSS), Trường ĐH Khoa học xã hội - nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) Đình Phú (ghi)
|
Có một ví dụ lúc đó là sáng kiến lập an toàn khu (ATK). Khi đó, cùng với lập ATK ở Tân Trào, T.Ư Đảng còn xây dựng một ATK ngay ngoại thành Hà Nội, cách nội thành chỉ 2 tiếng đạp xe đạp. Chúng ta có một vành đai ATK từ Gia Lâm kéo dài sang Từ Sơn (Bắc Ninh) rồi Đông Anh vào đến Vạn Phúc (Hà Đông). Chúng ta sử dụng cán bộ trung kiên ở các làng nông nghiệp và cũng sử dụng cả sự giàu có cùng lòng bao dung của người dân ở các làng nghề. Người dân làng nghề bán hàng đi ra đi vào tấp nập nên cán bộ thoải mái cải trang đi hoạt động. Nên việc không lập ATK trong rừng mà lập ở nơi “rừng người” với những người dân yêu nước là sáng kiến có lẽ chỉ cách mạng Việt Nam có.
ATK để che giấu bí mật thì không hoạt động để tránh bị lộ. Nhưng người dân vẫn cài được quần chúng yêu nước vào nhà in tin tức ở Hà Nội. Vì thế, tin tức rất nhạy, có gì Pháp và Nhật làm người dân cũng nắm được ngay, đạp xe sang báo ngay, ngày nào cũng có tin từ trong thành báo cáo về...
|
Phương châm ngoại giao “dĩ bất biến, ứng vạn biến”
Vì sao với vai trò quan trọng như vậy, Bác Hồ lúc đó lại không làm Tổng bí thư?
Mọi vấn đề quốc kế dân sinh phải để dân biếtCách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2.9.1945, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thành quả cách mạng có ý nghĩa lịch sử đó bắt nguồn từ sức mạnh to lớn của nhân dân. Bác Hồ khẳng định: “Trong cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân”. Bác luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào nhân dân.
Tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Bác là một bài học có ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc trong công tác xây dựng Đảng và xây dựng, phát triển đất nước. Song, vấn đề không phải chỉ nêu lên khẩu hiệu “lấy dân làm gốc” mà quan trọng nhất là phải biến tư tưởng đó trở thành hiện thực, tư tưởng đó phải được thể hiện một cách sinh động, nhất quán trong hành động hằng ngày, hằng giờ của mỗi cán bộ, đảng viên.
Thực tiễn cho thấy chỉ có phát huy sức mạnh làm chủ của nhân dân mới thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng Đảng vững mạnh, làm trong sạch bộ máy nhà nước, lành mạnh hóa các quan hệ xã hội; sự đồng lòng, nhất trí, tham gia tích cực của nhân dân là yếu tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước. Thực hiện tư tưởng “lấy dân làm gốc” là cán bộ, đảng viên phải lắng nghe ý kiến của dân, chăm lo đời sống cho dân, giải quyết kịp thời và có kết quả nguyện vọng chính đáng của dân; cán bộ, đảng viên phải tôn trọng dân, học hỏi dân, phải làm cho dân tin, dân kính trọng. “Lấy dân làm gốc” là mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tất cả vấn đề quốc kế dân sinh phải để cho dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; tinh thần dân chủ phải được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Có như vậy mới đảm bảo “xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.
(TS Trần Thị Hà Vân, Trưởng khoa Xây dựng Đảng - Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ TP.HCM)
Đình Phú (ghi)
|
Bác Hồ khi đó từ chối làm Tổng bí thư và nói rằng Bác còn làm nhiệm vụ quốc tế, nhiệm vụ ngoại giao. Nhiệm vụ ngoại giao phức tạp khi đó chỉ có Hồ Chí Minh với 30 năm bôn ba ở hải ngoại mới làm được. Về việc tìm đến phe Đồng minh, đứng đầu là Mỹ, cũng có những thêu dệt sai sự thật. Sau này tôi có gặp Charles Fenn (người đã đưa cụ Hồ đến gặp tướng Mỹ S.Chenault, người đại diện cao nhất của Đồng minh ở vùng Hoa Nam - Trung Quốc vào ngày 29.3.1945 để thỏa thuận sự hợp tác chống phát xít Nhật ở Đông Dương - PV) ở Hội nghị Euro Việt tại Amsterdam, lúc đó ông đã gần 90 tuổi. Ông Fenn nhắc đi nhắc lại Hồ Chủ tịch là bạn của ông ấy. Cái gì cụ Hồ cần thì ông ấy giúp, cái ông ấy cần, cụ Hồ giúp, họ là bạn đồng minh.
Cuộc gặp mặt đó của Bác Hồ và S.Chenault đã thay đổi điều gì, thể hiện vai trò cá nhân của Bác đưa đất nước đến độc lập như thế nào, thưa ông?
Các tướng của Quốc dân đảng lúc bấy giờ cũng tới gặp S.Chenault và thường xin tiền. Chính vì thế, khi một cụ già tới gặp, S.Chenault cũng xem thường và hỏi luôn có cần tiền không. Bác Hồ trả lời bằng tiếng Anh là không. Khi đó S.Chenault giật mình rồi hỏi tiếp thế ông cần gì. Bác Hồ đáp lại rất lịch sự là thưa tướng quân, tôi cần thuốc sốt rét cho chiến binh của tôi. S.Chenault thấy rất lạ, mời Bác ngồi và hỏi cần bao nhiêu thuốc sốt rét. Bác nói muốn xin 50 kg. Người bệnh nặng chỉ uống vài viên nhỏ tí mà Bác xin hẳn 50 kg. Đây là một đòn ngoại giao của Bác Hồ, gián tiếp nói quân đội mình là mấy vạn người. S.Chenault bảo thư ký cho hẳn 100 kg. Bác Hồ cũng xin vũ khí, xin bao nhiêu đều được cho gấp đôi. Rồi Bác Hồ nói cần chuyên gia hướng dẫn điện đài, tướng S.Chenault cho ngay một đội điện đài.
Khi xong việc, Bác cũng nói với S.Chenault muốn xin chân dung của vị tướng này cho chiến binh của mình xem để thêm lòng dũng cảm. Tướng Chenault lấy ngay một tấm ảnh chân dung, đề tặng “For Hồ, my friend”. Tấm ảnh này khiến các tướng Trung Quốc bấy giờ nể phục Bác Hồ và Việt Nam hơn hẳn. Đấy là đòn ngoại giao chiến lược và tầm vóc Hồ Chí Minh. Đấy cũng là điểm khởi đầu để quân Mỹ trực tiếp gửi đội quân xây sân bay, chi viện cho Việt Minh trực tiếp và hóa giải áp lực của Hoa quân nhập Việt sau này.
Hồ Chí Minh giữ quan hệ ngoại giao với Mỹ, nhờ đó chúng ta giành một vị trí xứng đáng với phe Đồng minh. Sau này khi viết Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “một dân tộc đã gan góc chống thực dân Pháp 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít 4 năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc ấy phải được độc lập”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói như vậy vừa cho đồng bào nghe, vừa để quốc tế biết là Việt Minh nằm trong phe Đồng minh thắng trận, để thế giới công nhận sự hợp pháp, hợp lý của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
|
Dựa vào dân mới thành công
Bài học của Cách mạng Tháng Tám, 2.9 còn áp dụng được hiện nay là gì, thưa ông?
Áp dụng được là trong kỷ nguyên toàn cầu hóa này, bài học xuyên suốt là phải luôn dựa vào sức mạnh của toàn dân. Muốn dựa vào sức mạnh của toàn dân, phải làm đúng Nghị quyết T.Ư Đảng và lời dạy của Bác Hồ là việc gì có lợi cho dân thì ra sức làm, cái gì có hại cho dân thì ra sức tránh. Nhất là trong dịch Covid-19 vừa rồi thì dựa vào dân mới thành công được. Dựa vào dân tộc thì mới hội nhập được.
Muốn hội nhập được cũng phải có trí tuệ. Bài học trí tuệ và dũng khí của Hồ Chí Minh trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám là tìm bạn ngoại giao, thiết lập bằng được quan hệ ngoại giao để tạo vị thế cho cách mạng Việt Nam, cho đất nước. Để được thành công như vậy thì người làm ngoại giao phải có tầm trí tuệ và tầm văn hóa.
Bình luận (0)