Khối ngoại đăng ký mua 1,2 tỉ USD
Dự kiến chào sàn với mức giá 39.000 đồng/cổ phiếu, VPBank đang tạo cơn sốt thực sự trên sàn chứng khoán. Thậm chí, nhà băng này với nền tảng thể lực sung mãn, lãnh đạo uy tín, tài năng cùng chiến lược bài bản có thể soán ngôi dẫn đầu của nhiều “ông lớn” khác trong ngành.
Đắt hay rẻ, cao hay thấp, đó là câu hỏi mà thị trường vẫn còn đang băn khoăn, song nhìn từ góc độ của các nhà đầu tư ngoại cũng có thể thấy một phần giá trị thực sự của ngân hàng này.
Tại buổi hội thảo giới thiệu về cơ hội đầu tư vào cổ phiếu VPBank ngày 15.8, ông Tô Hải, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt (đơn vị tư vấn niêm yết và phát hành riêng lẻ cho VPBank) đã chia sẻ, số tiền mà các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mua cổ phiếu của VPBank trong những đợt “roadshow” tại nước ngoài lên tới 1,2 tỉ USD.
Ông Hải cho biết, có khoảng 80 nhà đầu tư nước ngoài đã được VPBank và Bản Việt tiếp cận để giới thiệu về tiềm năng đầu tư vào VPBank, và gần như tất cả đều đặt mua. Số tiền mà các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng chi ra để đầu tư vào VPBank được ông Hải nhận xét là “chưa từng có tiền lệ trong hệ thống ngân hàng Việt Nam”, kể cả thời điểm cổ phiếu ngân hàng “hot” như nhiều năm trước đây.
Trao đổi với chúng tôi, Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho biết, mức giá mà các nhà đầu tư ngoại chấp thuận mua là 39.000 đồng/cổ phiếu - một mức giá “hợp lý”.
Theo ông Vinh, ban lãnh đạo của ngân hàng cũng cũng khá bất ngờ khi có những nhà đầu tư nước ngoài đàm phán và sẵn sàng trả mức giá cao hơn nữa để mua thêm. Nhu cầu đầu tư vào VPBank thực tế đã cao hơn 4 lần so với dự kiến ban đầu của ngân hàng, và buộc ban lãnh đạo ngân hàng phải thuyết phục các cổ đông hiện hữu bán bớt cổ phiếu cho các nhà đầu tư ngoại.
Đủ vốn để “chiến đấu” trong ít nhất 2 năm
Theo bản cáo bạch của VPBank, ngân hàng hiện không có cổ đông ngoại nào sở hữu trên 5% vốn. Một thông tin đáng chú ý và lần đầu tiên được ngân hàng này công bố chính là trong cơ cấu cổ đông ngoại của VPBank không có nhà đầu tư cá nhân mà có 78 cổ đông tổ chức sở hữu tổng cộng 22,34% vốn ngân hàng.
Chào sàn với mức giá 39.000 đồng/cổ phiếu, VPBank sẽ có vốn hóa khoảng 52.000 tỉ đồng, vượt xa các ngân hàng cổ phần tư nhân đã niêm yết trước đó và chỉ đứng sau các ngân hàng cổ phần Nhà nước như Vietcombank, VietinBank và BIDV.
Kết thúc quý 2/2017, VPBank ghi nhận tổng tài sản gần 249.000 tỉ đồng cùng vốn chủ sở hữu hơn 19.500 tỉ đồng. Các chỉ số này cùng với chỉ số về dư nợ tín dụng, huy động vốn của ngân hàng chỉ lọt top 10 ngân hàng lớn nhất. Tuy nhiên xét về khả năng sinh lời thì VPBank đang ghi nhận đứng đầu bảng.
Theo thông tin từ phía VPBank, ngày 17.8 ngân hàng sẽ niêm yết 1,33 tỉ cổ phiếu, với mức giá 39.000 đồng/cổ phiếu. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank thẳng thắn cho biết, với mức thặng dự thu về ngân hàng không phải lo tính đến vấn đề vốn trong ít nhất hai năm nữa.
Trước đó, đại hội đồng cổ đông của VPBank cũng đã thông qua Nghị quyết về việc phê duyệt khoản vay thương mại trung hạn kèm quyền chuyển đổi thành cổ phần phổ thông từ Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC). VPBank dự kiến sẽ phát hành tối đa 5% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành của VPBank tại thời điểm chuyển đổi để thực hiện việc chuyển đổi khoản vay trên thành cổ phần phổ thông cho IFC.
“Khi giới thiệu với các nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi cũng nói rõ mình là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao, cao hơn so với các con số công bố của các ngân hàng khác. Có hai việc chúng tôi nói rõ, một là làm sao để số liệu rõ ràng minh bạch nhất, hai là có những giải pháp và hệ thống để kiểm soát được nó, và hơn thế nữa là mình làm ra nguồn doanh thu để có thể dự phòng cho các tình huống xấu”, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh chia sẻ.
Bình luận (0)