9 sai lầm khi nấu ăn có thể hại cả nhà bạn

Thiên Lan
Thiên Lan
03/02/2021 00:16 GMT+7

Tất cả chúng ta đều muốn giữ cho gia đình mình được an toàn, mạnh khỏe. Nhưng đôi khi một sai lầm đơn giản trong cách xử lý và chế biến thức ăn có thể dẫn đến bệnh nghiêm trọng.

Với một số vi trùng như Salmonella, chỉ cần một lượng nhỏ trong thức ăn chưa nấu chín cũng đủ gây ngộ độc thực phẩm, theo trang web của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ.
Và chỉ cần một nếm phải chút thức ăn có độc tố hại thần kinh - Botulism - cũng có thể gây tê liệt, thậm chí tử vong.
Bạn có thể bảo vệ gia đình mình bằng cách tránh những sai lầm về an toàn thực phẩm phổ biến này.

1. Khuyến cáo đối với người dễ bị ngộ độc thực phẩm 

Bất kỳ ai cũng có thể bị ngộ độc thực phẩm. Nhưng một số người dễ bị ngộ độc và bị nặng hơn, gồm người từ 65 tuổi trở lên, trẻ em dưới 5 tuổi, những người có vấn đề về sức khỏe hoặc có hệ thống miễn dịch suy yếu, phụ nữ mang thai
CDC Mỹ khuyến cáo, những người dễ bị ngộ độc thực phẩm không nên ăn những thứ sau:
• Các loại thịt, trứng, hải sản sống hoặc chưa nấu chín
• Rau mầm sống hoặc tái
• Sữa và nước trái cây tươi chưa tiệt trùng

2. Không rửa tay

Vi trùng trên tay của bạn có thể xâm nhập vào thực phẩm khiến nó không an toàn.
Rửa tay trước, trong và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn, và sau khi đi vệ sinh.

3. Không vệ sinh kỹ dụng cụ sau khi rửa thịt và thịt gà sống

Rửa thịt, thịt gà hoặc trứng sống có thể làm lây lan vi trùng sang bồn rửa, mặt bàn và các bề mặt khác trong nhà bếp. Những vi trùng đó có thể xâm nhập vào các thực phẩm khác, như rau sống hoặc trái cây, và khiến bạn bị bệnh.
Vệ sinh kỹ bằng xà phòng tất cả các bề mặt tiếp xúc với thịt sống ngay sau khi rửa thịt, thịt gà hoặc trứng sống.
Cất thực phẩm dễ hỏng vào tủ lạnh trong vòng 2 giờ, trong mùa nắng nóng, nhiệt độ trên 32 độ C, thì cất ngay thức ăn đã nấu vào tủ lạnh trong vòng 1 giờ Shutterstock

Cất thực phẩm dễ hỏng vào tủ lạnh trong vòng 2 giờ. Trong mùa nắng nóng, nhiệt độ trên 32 độ C, thì cất ngay thức ăn đã nấu vào tủ lạnh trong vòng 1 giờ

Ảnh: Shutterstock

4. Gọt trái cây và rau quả mà không rửa trước

Trái cây và rau có thể có vi trùng trên vỏ. Bạn có thể dễ dàng chuyển những vi trùng đó vào bên trong trái cây và rau khi cắt hoặc gọt vỏ.
Rửa tất cả trái cây và rau quả dưới vòi nước chảy ngay cả khi sẽ gọt vỏ. Dùng bàn chải sạch để cọ các loại trái cây và rau củ như dưa, bơ và dưa chuột.

5. Dùng chung dụng cụ nhà bếp cho thịt chín và thịt sống

Vi trùng từ thịt sống có thể lây sang thịt chín.
Luôn sử dụng thớt, dao, đũa và đĩa đựng riêng cho thịt chín và thịt sống, và cả hải sản.

6. Không nấu kỹ thịt, thịt gà, hải sản hoặc trứng

Thực phẩm đã nấu chín chỉ an toàn sau khi được nấu ở nhiệt độ đủ cao để diệt vi trùng.
Ở Mỹ, mọi người có thói quen sử dụng nhiệt kế nấu ăn, nhằm đảm bảo nấu thức ăn đến nhiệt độ an toàn.
CDC Mỹ đề nghị nhiệt độ an toàn để nấu chín các loại thực phẩm như sau (nhiệt độ đo được bên trong):
• 63 độ C cho toàn bộ thịt bò, thịt heo, thịt bê và thịt cừu, sau đó để nguội 3 phút trước khi cắt hoặc ăn
• 72 độ C đối với thịt bò xay, heo xay
• 74 độ C cho tất cả gia cầm
• 74 độ C cho thức ăn thừa và thịt hầm
• 63 độ C đối với hải sản, hoặc nấu cho đến khi chuyển đục, không còn trong
Ngoài ra, nếu không ăn ngay, hãy giữ thức ăn nóng từ 60 độ C trở lên, cho đến khi ăn.

7. Nếm hoặc ngửi thức ăn để xem còn ăn được không

Bạn không thể nếm, ngửi hoặc nhìn thấy vi trùng gây ngộ độc thực phẩm. Chỉ nếm một lượng nhỏ thôi cũng có thể khiến bạn bị ngộ độc.
Nếu để đã quá lâu, hãy vứt đi, đừng tiếc.

8. Rã đông hoặc ướp thực phẩm trên bàn bếp

Vi trùng có hại có thể sinh sôi rất nhanh ở nhiệt độ phòng.
Hãy rã đông thực phẩm trong tủ lạnh, trong nước lạnh, hoặc trong lò vi sóng.
Luôn cất thực phẩm đã ướp trong tủ lạnh.

9. Để thức ăn quá lâu trước khi cho vào tủ lạnh

Vi trùng có hại có thể phát triển trong thực phẩm dễ hỏng, như thịt, gà, hải sản, trứng, trái cây đã cắt, cơm và thức ăn thừa, nếu để bên ngoài tủ lạnh từ 2 giờ trở lên.
Cất thực phẩm dễ hỏng vào tủ lạnh trong vòng 2 giờ. Trong mùa nắng nóng, nhiệt độ trên 32 độ C, thì cất ngay thức ăn đã nấu vào tủ lạnh trong vòng 1 giờ.
Chia thức ăn đã nấu chín thành các hộp nhỏ để mau lạnh. Có thể cho thức ăn nóng hoặc ấm vào tủ lạnh, miễn là gói thành từng gói nhỏ để mau lạnh, theo trang web CDC Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.