Acecook Việt Nam nâng cao giá trị ngành hàng mì ăn liền

02/09/2023 08:05 GMT+7

Có mặt tại Việt Nam gần 30 năm, Acecook Việt Nam không chỉ tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn, an tâm, mà còn nỗ lực gia tăng lợi ích và xây dựng hình ảnh tích cực cho mì ăn liền, đóng góp cho sự phát triển chung của toàn ngành hàng.

Ra đời tại Nhật Bản, mì ăn liền trong vòng 65 năm đã trở thành món ăn phổ biến khắp thế giới. Năm 2022, đã có 121,2 tỉ khẩu phần mì ăn liền được tiêu thụ trên toàn thế giới theo thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA).

Tại Việt Nam, mì gói có lẽ là thực phẩm tiêu dùng nhanh được ưa chuộng nhất. Từ cửa hàng bách hóa trong hẻm nhỏ đến chợ, siêu thị..., sản phẩm này được bày bán rộng rãi với hàng trăm chủng loại, giá cả khác nhau từ vài ngàn đồng đến vài chục ngàn đồng/gói. Với tổng lượng tiêu thụ mì ăn liền 8,48 tỉ gói mì/năm vào năm 2022, Việt Nam đang xếp thứ ba thế giới (Thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới - WINA tháng 5.2023). Trước năm 2020, chỉ số này dao động ở mức 4,5 - 5 tỉ gói/năm. Việc phần lớn người tiêu dùng chuyển sang các bữa ăn tự nấu và dự trữ thực phẩm khô trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch Covid-19, đã thúc đẩy thị trường mì ăn liền trong hai năm gần đây tăng trưởng mạnh mẽ, đạt quy mô ước tính khoảng 32.000 tỉ đồng (tương đương 1,36 tỉ USD). Nhiều đánh giá cho rằng, thị trường đang dần quay trở lại "thời kỳ hoàng kim" sau giai đoạn sụt giảm.

Acecook Việt Nam nâng cao giá trị ngành hàng mì ăn liền - Ảnh 1.

Ra đời tại Nhật Bản, mì ăn liền đã trở thành món ăn phổ biến khắp thế giới

Mì ăn liền - món ăn xã hội hóa

Với đặc tính hội tụ các yếu tố: tiện lợi, đa dạng hương vị, giá cả phù hợp, có thể thấy hiện tại khó có thể tìm được một loại thực phẩm "đa chức năng", "đa phục vụ" như mì ăn liền. Mì gói là thực phẩm yêu thích của hầu hết mọi người, không phân biệt sang hèn, dân lao động hay giới trí thức, mì gói có mặt trên những bàn ăn đạm bạc cho đến những bữa tiệc thịnh soạn, từ phòng trọ lụp xụp đến những tòa cao ốc hiện đại…

Mặt khác, mì ăn liền còn là một sản phẩm dễ thích nghi với các văn hóa địa phương. Từ Nhật Bản, du nhập sang các nước khác, mì ăn liền nhanh chóng chuyển mình để phù hợp với khẩu vị của từng quốc gia. Đơn cử như mì Hàn Quốc thường có hương vị cay, Thái Lan là mì Tom yum, Ấn Độ thì có mì hương vị cà ri, tại Mỹ thì mì thịt bò lại được ưa chuộng, còn tại Việt Nam, tôm chua cay luôn giữ vị trí số 1 trong sự lựa chọn của mọi người.

Acecook Việt Nam nâng cao giá trị ngành hàng mì ăn liền - Ảnh 2.

Acecook Việt Nam thường xuyên tổ chức các chương trình tham quan nhà máy

Ngoài việc được yêu thích ở mọi nơi, mọi độ tuổi, mọi giới tính, mì ăn liền còn thường được coi là thực phẩm dự trữ của nhiều quốc gia nhờ tính chất bảo quản lâu trong thời gian dài. Mặt hàng này luôn có mặt trong các chương trình cứu trợ ở những vùng thiên tai địch họa như động đất, núi lửa, bão lũ… Gần đây nhất, dưới tác động của dịch bệnh kể cả trong giai đoạn phục hồi, vai trò của loại thực phẩm này lại càng trở nên quan trọng.

Xây dựng hình ảnh tích cực cho mì ăn liền

Xét về mức tiêu thụ mì ăn liền bình quân đầu người, mỗi người Việt ăn khoảng 85 gói mì/người/năm, tương ứng với tần suất 4 ngày ăn một gói và dẫn đầu thế giới (Thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới - WINA tháng 5.2023). Sử dụng thường xuyên nhưng trong suy nghĩ của nhiều người, mì ăn liền vẫn chỉ là giải pháp khi không còn sự lựa chọn nào khác và còn nhiều định kiến xung quanh món ăn, cũng như thường xuyên gán với hình ảnh "nghèo", "kém dinh dưỡng", "gây ảnh hưởng sức khỏe"…

Acecook Việt Nam nâng cao giá trị ngành hàng mì ăn liền - Ảnh 3.

Mì ăn liền là sản phẩm thích ứng nhanh chóng với khẩu vị của từng quốc gia

Ở vị trí của một doanh nghiệp dẫn đầu ngành hàng mì ăn liền tại Việt Nam, đứng trước những lo ngại của người tiêu dùng, Acecook nhận thấy trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin đúng đắn để người tiêu dùng an tâm thưởng thức món ăn, bởi lẽ, nếu vừa sử dụng vừa lo lắng sẽ không thấy ngon miệng, hạnh phúc và nhà sản xuất tâm huyết nhiều đến mấy cũng mất đi cảm hứng sáng tạo.

Vì lẽ đó, Acecook đã mở rộng các chương trình tham quan nhà máy, chào đón người tiêu dùng đến để "mắt thấy tai nghe" cách công ty sản xuất mì ăn liền. Mỗi năm doanh nghiệp này đã tổ chức tiếp đón khoảng 10,000 khách đến tham quan nhà máy. Thông qua hoạt động này đã giúp người tiêu dùng được trực tiếp quan sát quy trình sản xuất, được hướng dẫn cách sử dụng mì đúng đắn, cũng như an tâm về chất lượng sản phẩm. Đến với nhà máy của Acecook Việt Nam, người tiêu dùng được tận mắt quan sát quy trình sản xuất một sản phẩm mì ăn liền từ thiết bị công nghệ tiên tiến, chuyển giao kỹ thuật từ Nhật Bản, nhà máy quy mô có giá trị đầu tư hàng triệu USD đến các nhân viên chuyên nghiệp, tâm huyết với nghề. Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại mà các dây chuyền có thể đạt năng suất lên đến 600 gói mì/phút/dây chuyền và giúp tất cả sản phẩm đều giữ được tính đồng nhất và ổn định chất lượng.

Acecook Việt Nam nâng cao giá trị ngành hàng mì ăn liền - Ảnh 4.

Các dây chuyền sản xuất của Acecook Việt Nam luôn cho ra sản phẩm đồng nhất và ổn định chất lượng

Acecook

Song song đó, để mang đến góc nhìn khách quan cho người tiêu dùng, Acecook Việt Nam còn kiên trì trong việc truyền thông các thông tin chính xác về mì ăn liền cùng các sản phẩm của Acecook được sản xuất bằng nguyên liệu an toàn cho chuyên gia, bác sĩ, khách hàng, phổ biến rộng rãi các công thức chế biến mì ăn liền cân bằng dinh dưỡng…

Nâng cao giá trị của ngành hàng

Đầu tháng 4.2023, Công ty Acecook Việt Nam thông báo bổ nhiệm Tổng giám đốc mới là ông Kaneda Hiroki thay cho người tiền nhiệm là ông Kajiwara Junichi chuyển sang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của công ty. Sự thay đổi này sẽ thổi một làn gió mới cho Acecook Việt Nam, nhà sản xuất mì ăn liền được chọn mua nhiều nhất liên tục 11 năm - theo khảo sát của Kantar Worldpanel.

Ở vai trò mới, ông Kaneda Hiroki cho biết sẽ cùng tất cả các thành viên của Công ty Acecook Việt Nam nỗ lực thực hiện kế hoạch phát triển ở giai đoạn tiếp theo với sự ưu tiên trong chiến lược kinh doanh là đầu tư công nghệ kỹ thuật tiên tiến, nâng cao cải tiến về sản phẩm mang tính đột phá. Ngày nay, nhu cầu của con người đã có những sự thay đổi dần theo việc phát triển của xã hội. Trong giai đoạn trước, khi kinh tế còn khó khăn, con người chỉ cần "ăn no, mặc ấm" là đủ. Nhưng đến khi kinh tế phát triển hơn, nhu cầu của xã hội không chỉ dừng lại ở đó, mà mong muốn được nâng cấp với việc "ăn ngon, mặc đẹp". Và xã hội càng hiện đại, nhu cầu của con người lại ngày càng thay đổi, không chỉ muốn "ăn ngon" mà còn phải sạch, an toàn, đảm bảo sức khỏe. Vì vậy những nhà sản xuất thực phẩm cũng phải thay đổi từng ngày để theo kịp với xu hướng của xã hội, đối với Acecook Việt Nam cũng vậy. Vì vậy, chiến lược phát triển mới của doanh nghiệp là tạo ra những sản phẩm ăn liền mang giá trị cao, có những bước tiến lớn trong chất lượng, tính dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe và bảo vệ môi trường. Theo đó, Acecook Việt Nam đang không ngừng cải tiến lợi ích sản phẩm như bổ sung thêm khoai tây, đậu hòa lan, khoáng chất (Canxi cho mì dành cho trẻ em), chất xơ… trong sản phẩm, phát triển thêm các loại hình sản phẩm như mì không chiên, sản phẩm ăn liền từ gạo… Đồng thời, những ngành hàng mới cũng được đẩy mạnh như cháo ăn liền, viên canh ăn liền, muối chấm… để phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng.

Một điểm sáng trong các hoạt động đầu tư, mở rộng kinh doanh của Acecook Việt Nam phải kể đến là hệ thống cửa hàng Trạm mì, chuyên bán các món mì được biến tấu một cách đa dạng, độc đáo từ những sản phẩm mì gói quen thuộc của công ty. Đây cũng là một phương thức để Acecook Việt Nam giúp người tiêu dùng tiếp cận với thói quen chế biến mì ăn liền cân bằng dinh dưỡng, giải tỏa những lo lắng về món ăn này.

Quay trở lại thời điểm năm 1993, khi Acecook mới đặt nền móng đầu tiên tại Việt Nam, công ty luôn xác định yếu tố quyết định thành công của một sản phẩm thực phẩm là khẩu vị. Muốn sản phẩm được thị trường đón nhận thì hương vị phải phù hợp với khẩu vị người địa phương. Vì vậy, Acecook không áp đặt công thức, hương vị của Nhật để sản xuất mì gói tại Việt Nam mà "trao nhiệm vụ" này cho bộ phận chuyên môn người Việt quyết định, nhưng kỹ thuật sản xuất là của Nhật. Chính sự kết hợp này đã tạo ra các sản phẩm mang chất lượng Nhật Bản nhưng khẩu vị Việt Nam. Do Acecook ứng dụng công nghệ và sử dụng nguyên liệu của Nhật Bản nên giá thành cao, trong khi giá mì gói chung trên thị trường Việt Nam lúc đó chỉ tầm 600 - 700 đồng/gói thì mì của Acecook có giá 1.800 - 2.000 đồng, nên đầu ra chậm và không thể bán với số lượng lớn. Do đó, việc cân bằng giá cho phù hợp thị trường là bài toán khó giải. Đáp số công ty đưa ra là phải tìm cách tiết giảm chi phí chứ không giảm chất lượng. Vì thế, đơn vị đã tìm đến các nhà cung cấp nguyên liệu tại Nhật Bản, nhờ họ tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật miễn phí cho các nhà cung cấp Việt Nam, mặt khác hỗ trợ một phần trong việc nâng cấp một số thiết bị, máy móc, hệ thống nhà máy theo chuẩn của Acecook. Sau 5 năm thực hiện và chuyển đổi, đến năm 2000, công ty cũng đã có được những nhà cung cấp nguyên liệu trong nước tốt, đáp ứng nhu cầu và bắt đầu cân bằng về giá với thị trường. Kể từ đó, công ty đã có thể cung cấp những sản phẩm chất lượng Nhật Bản, hương vị phù hợp cho người tiêu dùng, và được tin tưởng, lựa chọn cho đến hiện nay. Với giá trị cốt lõi 3 chữ H: hạnh phúc cho khách hàng, hạnh phúc cho cán bộ công nhân viên và hạnh phúc xã hội, Acecook đã đưa mì ăn liền về đúng hình ảnh đẹp và ý nghĩa vốn có của nó từ khi ra đời, hướng đến sự phát triển, mở rộng của cả một ngành hàng và nâng tổng nhu cầu mì ăn liền tại Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.