ACV vay 2,6 tỉ USD ở đâu làm sân bay Long Thành?

Anh Vũ
Anh Vũ
24/10/2019 15:05 GMT+7

Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội lo rằng nếu giao cho Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm sân bay Long Thành , có thể làm tăng nợ công và bản thân doanh nghiệp này sẽ khó xoay sở được nguồn vốn.

Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn 1 trước Quốc hội (QH) chiều nay, 24.10, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải (GT-VT) Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ đã đồng ý để ACV là đơn vị chủ lực đầu tư, khai thác sân bay Long Thành. Song việc này, theo ông Thể, vẫn phải xin ý kiến của QH, và nếu được QH nhất trí chỉ định thầu cho ACV, sẽ bớt được khâu đấu thầu, rút ngắn được thời gian đầu tư 1 năm, có thể khởi công vào năm 2021, thay vì 2022 hoặc 2023, như kế hoạch ban đầu.
Theo tờ trình của Chính phủ, dự án Cảng HKQT Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), cách TP.HCM khoảng 40 km về hướng Đông, được QH thông qua chủ trương năm 2015. Sân bay Long Thành sẽ được xây dựng với công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ 3 giai đoạn của dự án là 336.600 tỉ đồng (tương đương 16,03 tỉ USD).
Giai đoạn 1 của dự án sẽ đầu tư một đường băng và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Tổng mức đầu tư theo phương án kiến nghị là 111.689 tỉ đồng (tương đương 4,779 tỉ USD). Chậm nhất đến năm 2025 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1.
Tờ trình của Chính phủ đề xuất hạng mục 1 (các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước): giao ACV đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại. Hạng mục 2 (các công trình phục vụ quản lý bay) giao cho Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.
Hạng mục 3 (các công trình thiết yếu của cảng hàng không) giao cho ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp. Hạng mục 4 (các công trình dịch vụ): giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của luật Đầu tư.

Sân bay Long Thành thiết kế hiện đại nhất theo chuẩn thế giới

Ảnh MH

Rủi ro lớn đối với nợ công 

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình bày không nêu rõ có lựa chọn ACV làm chủ đầu tư hay không, mà cơ quan này cho rằng, dự án Cảng HKQT Long Thành là công trình quan trọng quốc gia, có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, nên việc lựa chọn nhà đầu tư cần phải hết sức thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm cơ sở pháp lý.
Ông Thanh cũng dẫn quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu cho hay việc lựa chọn nhà đầu tư Dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị, để đảm bảo vấn đề quốc phòng, an ninh quốc gia và hiệu quả đầu tư, QH có thể đồng ý giao Chính phủ, Thủ tướng xem xét quyết định giao cho các doanh nghiệp nhà nước có đủ điều kiện để huy động vốn, không cần có sự bảo lãnh của Chính phủ, không gây nợ xấu, có năng lực quản lý vận hành cảng hàng không là nhà đầu tư, để trực tiếp đầu tư, quản lý, khai thác đồng bộ Cảng HKQT Long Thành.
Ý kiến khác đề nghị trong trường hợp chỉ định nhà đầu tư thì Chính phủ cần đánh giá tác động tới các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế có liên quan.
Theo Uỷ ban kinh tế, Nghị quyết 94 của QH cho phép dự án được sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau , tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu khả thi chưa có đánh giá tác động cụ thể của từng loại nguồn vốn (như tính toán tác động đến nợ công nếu vay vốn ODA), mà mới tập trung vào phương án sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước.
Trong tổng số 4,194 tỉ USD vốn của ACV đầu tư vào dự án, dự kiến ACV phải đi vay khoảng 2,628 tỉ USD. Chính phủ cho rằng, khoản này không làm tăng nợ công, do không sử dụng vốn ODA.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, theo quy định tại điều 41 của luật Quản lý nợ công, thì Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành thuộc đối tượng được bảo lãnh Chính phủ. Nếu được Chính phủ bảo lãnh thì khoản vay này sẽ được tính vào nợ công. Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo thêm có khả năng cấp bảo lãnh đối với khoản vay này không, để có cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tác động của phương án huy động vốn đối với nợ công.

Cần giám sát chặt chẽ hoạt động vay, sử dụng vốn vay của ACV

Mặt khác, theo Ủy ban Kinh tế, ACV là doanh nghiệp do nhà nước chi phối, nên dù huy động vốn dưới hình thức nào thì Nhà nước vẫn có trách nhiệm trong việc xử lý khi có rủi ro đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Do đó, kể cả việc Chính phủ không cấp bảo lãnh đối với khoản vay này thì cũng cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động vay, sử dụng vốn vay của ACV.
Bên cạnh đó, Uỷ ban Kinh tế lo ngại về khả năng huy động vốn của ACV, vì phải đồng thời thực hiện đầu tư mở rộng Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cũng như các cảng hàng không khác trên cả nước. Trong trường hợp sử dụng vốn của ACV, cần có ý kiến của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước về việc bố trí vốn của doanh nghiệp để thực hiện dự án.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.