Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua nghị quyết giao Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1 của dự án sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư 4,8 tỉ USD, tương đương 111.000 tỉ đồng.
Đề xuất này là một trong 4 kiến nghị trong tờ trình Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 Chính phủ trình Quốc hội vừa được Ủy ban Kinh tế tiến hành thẩm tra tại phiên họp toàn thể lần thứ 13, ngày 14.10.
Trình bày tờ trình, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn báo cáo: quy định ghi trong Nghị quyết số 94 năm 2015 của Quốc hội khóa XIII thì dự án có thể sử dụng phần vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp. Do vậy, việc giao ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp là có thể chấp nhận được. “Tuy nhiên, đây là dự án xây dựng cảng hàng không mới nên theo quy định của luật Đấu thầu phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Do vậy, việc giao ACV đầu tư, khai thác cảng cần phải được Quốc hội thông qua”, ông Tuấn giải thích.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói: Theo luật, dự án này phải đấu thầu, nhưng làm như thế này là chỉ định thầu. ACV cũng đang đầu tư nhà ga T3 của Tân Sơn Nhất, tới đây là sân bay Điện Biên, liệu khả năng tài chính của ACV có đủ không? Giao cho ACV giai đoạn 1 thì giai đoạn 2, giai đoạn 3 của dự án có giao nữa không?
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, khẳng định từ trước tới nay, Quốc hội chưa chỉ định thầu cho doanh nghiệp nào cả và đề nghị Chính phủ chỉ nên xin Quốc hội thông qua chủ trương chỉ định thầu, chứ không xin Quốc hội chỉ định cụ thể một đơn vị nào. Trong khi đó, đồng tình với việc giao dự án sân bay Long Thành cho ACV với lý do đây là một dự án có tính chất an ninh, quốc phòng, không thể đấu thầu nước ngoài được, song ĐB Mai Thị Ánh Tuyết, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, cho rằng cần phải làm rõ nguyên tắc, cơ chế trong chỉ định thầu để thuyết phục Quốc hội.
Đề xuất hướng giải quyết cho vấn đề chưa có tiền lệ này, ĐB Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, cho hay, ông đọc khoản 4, điều 22, luật Đấu thầu (quy định về chỉ định thầu - PV) thì thấy rằng toàn quyền thuộc về Chính phủ. Do đó, ông đề nghị QH chỉ quyết chủ trương đầu tư, chứ không chọn ai vì Quốc hội chọn là trái luật.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Vũ Đại Thắng, đại diện Hội đồng thẩm định nhà nước dự án sân bay Long Thành, lại băn khoăn vì “đúng là việc này có thể thực hiện theo điều 22 của luật Đấu thầu, song chúng tôi muốn được thực hiện theo điều 30 của luật Đầu tư (quy định một số quyền hạn của QH trong trường hợp có cơ chế đặc thù - PV) thì phù hợp hơn”. Giải trình sau đó, Thứ trưởng Bộ GTVT một lần nữa khẳng định, nếu áp dụng luật Đấu thầu thì “rất khó khăn cho Chính phủ”, do đó Chính phủ mong muốn làm theo luật Đầu tư.
Ngoài đề xuất Quốc hội giao giai đoạn 1 dự án cho ACV, 3 đề xuất khác được Chính phủ nêu trong tờ trình QH lần này gồm: điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 từ 1.165 ha lên khoảng 1.810 ha; điều chỉnh 1.050 ha đất dành cho quốc phòng thành 570 ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng; chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung 2 tuyến đường bộ kết nối số 1 và số 2 vào giai đoạn 1 dự án để đầu tư theo quy mô phân kỳ đầu tư.
|
Bình luận (0)