Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội chiều 22.10, các đại biểu Quốc hội sốt ruột trước tình trạng một loạt dự án trọng điểm đang mất quá nhiều thời gian để làm thủ tục; khi xong thủ tục có vốn rồi lại tắc giải phóng mặt bằng; lòng vòng khâu thẩm định, tham mưu, góp ý...
Dự án nhanh cũng phải mất 3 năm thủ tục
Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) cho biết “điểm nghẽn” lớn nhất hiện nay đối với các dự án trọng điểm giao thông liên quan đến thể chế, ví dụ dự án nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất, nếu theo luật Hàng không thì Bộ GTVT sẽ xem xét và trình Chính phủ. Tuy nhiên, từ khi luật Đầu tư có hiệu lực năm 2015 lại quy định địa phương trình dự án. “Như T3 Nội Bài chúng tôi trình thẳng Chính phủ rất nhanh, còn T3 Tân Sơn Nhất phải chuyển hồ sơ cho TP.HCM. Sau đó, TP.HCM xin ý kiến các sở, ngành. Rồi lại lấy ý kiến Bộ KH-ĐT và bộ ngành khác... Nói thì ngắn nhưng cũng đã mất 6 - 7 tháng”, ông Thể băn khoăn.
Bộ trưởng GTVT cũng đề nghị xem lại thời gian làm thủ tục triển khai dự án hiện nay khi trong luật quy định quá dài. Đơn cử, để trình thông qua chủ trương đầu tư một dự án, nếu triển khai từ tháng 6.2019 phải đến tháng 7.2020 mới xong. “Chỉ chủ trương thôi đã mất 1 năm xin Thủ tướng. Nếu dự án trên 10.000 tỉ đồng phải trình Quốc hội và mất nhiều thời gian hơn nữa. Sau khi có chủ trương phải đấu thầu tư vấn lập dự án, báo cáo đầu kỳ, cuối kỳ... phê duyệt mất thêm 12 tháng nữa. Riêng cao tốc Bắc - Nam phía đông, phải mất 3 năm mới xong thủ tục”, ông Thể nói và đề nghị rút ngắn lại quy trình, thủ tục tránh tắc nghẽn, lãng phí.
Tại tổ Hà Tĩnh, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Ngoài việc sửa đổi các quy định của luật, thì khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng vô cùng nan giải. “Một dự án GPMB mất 300 ngày. Riêng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chính phủ cũng phải họp rất nhiều lần. Tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm GPMB, còn Bộ GTVT lại lo khâu rà phá bom mìn. Như thế lại chậm thêm 1 năm nữa. Vừa rồi phải quyết giao cho Đồng Nai làm luôn, giải phóng đến đâu rà phá bom mìn đến đấy, cố gắng giao đất sạch”, ông Huệ thông tin.
Tại dự án metro Bến Thành - Suối Tiên, trước tình trạng nhà thầu “kêu” thiếu vốn, ông Vương Đình Huệ cho biết đây là dự án nhóm A, thẩm quyền thuộc TP.HCM. Nguyên do thay đổi tổng mức đầu tư (khoảng 1,4 tỉ USD - PV) nên phải thuê lại tư vấn rà soát, xin ý kiến các bộ, ngành. Chính phủ đang chỉ đạo xử lý quyết liệt, sắp tới sẽ có chuyển biến tốt hơn.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) phân tích kết cấu hạ tầng, trong đó quan trọng nhất là các dự án giao thông nhưng đây cũng là điểm nghẽn rất lớn, “tắc từ trong đô thị nội thành tới quốc lộ” nên chi phí logistics cao, nhà đầu tư trong nước rất ngán. “Đường bộ cao tốc Bắc - Nam hủy thầu quốc tế, nhiều người nhắn tin cho tôi nói rất vui nhờ Quốc hội giám sát. Nhưng vấn đề là nhà đầu tư trong nước có đảm đương được việc đó hay không. Ví dụ, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận của nhà đầu tư trong nước làm bị kéo dài do nguyên nhân gì”, ĐB Ngân lo ngại.
Một vấn đề khó khăn khác, theo ĐB Trần Hoàng Ngân là nguồn vốn, vì ngân hàng cũng lo ngại. Trong khi Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp (DN) nội thì cũng khó trong khâu phát hành trái phiếu công trình. Với trái phiếu DN, để tự DN phát hành thì rủi ro lớn, không ai dám mua, cũng dẫn đến không có vốn. “Thay vì đầu tư công, theo tôi Chính phủ bỏ vốn để triển khai hợp tác công - tư sẽ có thêm động lực. Như thế, nguồn vốn triển khai đường cao tốc, cũng như đường sắt đô thị như TP.HCM sẽ nhanh hơn”, ĐB Ngân đề xuất.
Làm rõ hơn chất lượng tăng trưởng
Ghi nhận thêm tại các tổ thảo luận, hầu hết ý kiến ĐB khẳng định mặc dù đối diện với nhiều khó khăn song năm 2019 nước ta tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, là năm thứ hai có tốc độ tăng trưởng khá, đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, các ĐB đề nghị Chính phủ chỉ rõ hơn chất lượng tăng trưởng.
Giải trình với các ĐB, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết tăng trưởng GDP năm 2019 dự kiến đạt 6,8% là một nỗ lực lớn, với đóng góp quan trọng nhất của công nghiệp chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó, tiêu dùng trong nước tăng 2 con số, xấp xỉ 12%, là mức cao nhất từ trước đến nay, đã bù đắp cho thiệt hại về nông nghiệp.
Về xuất khẩu, trong 9 tháng có những khó khăn. Đơn cử, nếu 6 tháng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 1% thì 9 tháng lại giảm 4,2%, là tình trạng "chưa bao giờ có". Song trong năm 2019, cả nước vẫn có mức tăng trưởng ấn tượng, kinh tế vĩ mô ổn định, được các nước đánh giá cao. Đặc biệt, lạm phát đến giờ có 2,5%, trong bối cảnh phải điều chỉnh giá điện và cả dịch vụ công giáo dục, y tế.
Ông Vương Đình Huệ cho biết trong năm 2020 Chính phủ lúc đầu định đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 7%, tuy nhiên còn lo ngại diễn biến của cuộc thương chiến Trung - Mỹ, Hàn - Nhật, Brexit ở Anh... nên quyết định để 6,8%. “Về cung cầu, giá cả hàng hóa, lo nhất là giá thịt lợn. Cách đây 1 tuần, Chính phủ phải có văn bản hỏa tốc, yêu cầu cân đối cung cầu và tính toán các phương án. Tết đến, người dân không ai gói bánh chưng bằng thịt gà, lại thêm nhu cầu giò chả. Do đó, Bộ NN-PTNT phải tính toán kỹ, nếu cần thiết phải nhập thêm”, ông Huệ nói.
Nói rất nhiều về kinh tế tư nhân nhưng làm thì rất ítThảo luận tại tổ, ĐB Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng quá trình thực hiện Nghị quyết 10 năm 2017 của T.Ư về phát triển kinh tế tư nhân cho thấy, thời gian qua kinh tế tư nhân vẫn gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Ngân, rào cản lớn nhất hiện nay là thể chế. “Tư nhân chưa dám đầu tư dài hạn vì thấy rủi ro với hệ thống pháp luật. Hệ thống pháp luật của chúng ta cứ điều chỉnh hoài. Như lần này sửa mười mấy luật, nhưng chủ yếu là sửa đổi một số điều”, ông Ngân phân tích và đề nghị Quốc hội cần có thêm ĐB chuyên trách để tăng chất lượng và độ ổn định của các dự án luật, tránh tình trạng bấm nút thông qua nhưng vài tháng, vài năm sau lại sửa.
Cùng quan điểm, ĐB Phạm Phú Quốc (TP.HCM) cũng cho rằng chúng ta nói rất nhiều, hiểu rất nhiều về kinh tế tư nhân, nhưng làm thì rất ít. “Cải cách hành chính làm nhiều năm nhưng người dân và DN vẫn than vãn.
Chúng ta nói giảm 15 thủ tục xuống còn 7 thủ tục, nhưng thực chất là 15 thủ tục đưa vào 7. Như vậy đâu phải là cải cách hành chính? Cải cách hành chính phải đi vào cốt lõi của nó”, ông Quốc bày tỏ, đồng thời đề nghị cần phải tính đến việc xây dựng luật Bảo vệ DN để bảo vệ nhà đầu tư, DN.
|
Bình luận (0)