Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 cho thấy, tại thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản của tập đoàn này giảm hơn 10% so với năm 2020, còn hơn 33.787 tỉ đồng.
Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2021, tiền mặt của FLC giảm mạnh từ hơn 1.215 tỉ đồng xuống chỉ hơn 176 tỉ đồng. Nguyên nhân là khả năng tạo tiền của FLC sụt giảm mạnh, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ cuối năm 2021 bị âm hơn 1.088 tỉ đồng.
Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết trước khi bị bắt |
trần đan |
Yếu tố quan trọng nhất đối với mỗi doanh nghiệp là khả năng hoạt động kinh doanh chính phải tăng trưởng tạo ra lợi nhuận. Với FLC, năm 2021 doanh số bán hàng và cung cấp dịch vụ bị sụt giảm một nửa, từ 13.501 tỉ đồng xuống còn 6.882 tỉ đồng. Biên lợi nhuận gộp có tăng trưởng đạt 412 tỉ đồng so với mức âm 3.172 tỉ đồng của năm 2020, nhưng chủ yếu đến từ việc tập đoàn cắt giảm giá vốn từ 16.660 tỉ đồng xuống còn 6.359 tỉ đồng.
Điểm cũng rất đáng chú ý là nợ của FLC. Công ty có nợ ngắn hạn 15.951 tỉ đồng, chiếm tới gần 65% nợ phải trả, trong đó hơn 2.000 tỉ đồng từ vay nợ các ngân hàng. Nợ dài hạn 8.112 tỉ đồng cũng rất lớn, trong đó một nửa cũng từ vay nợ ngân hàng (hơn 4.169 tỉ đồng).
Tài sản của FLC chủ yếu nằm ở các khoản phải thu và hàng tồn kho. Cụ thể, phải thu khách hàng ngắn hạn 2.515 tỉ đồng; phải thu về cho vay ngắn hạn 6.145 tỉ đồng; phải thu ngắn hạn khác hơn 2.108 tỉ đồng… Tất cả các khoản phải thu này đều không được thuyết minh một cách chi tiết.
Khám xét biệt thự của tỉ phú Trịnh Văn Quyết và trụ sở FLC |
Ai là chủ nợ lớn nhất?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021, tổng dư nợ vay ngân hàng, trái phiếu của công ty tại ngày 31.12.2021 là 6.189 tỉ đồng (không tính dư nợ thuê tài chính), bao gồm các khoản vay ngắn hạn, nợ dài hạn đến hạn trả, vay trung dài hạn và trái phiếu. Tổng dư nợ của FLC chiếm 18,3% tổng nguồn vốn tại ngày cuối năm.
Hai nhà băng cấp tín dụng trung dài hạn nhiều nhất cũng là 2 chủ nợ lớn nhất của FLC là Sacombank 1.840 tỉ đồng và BIDV 1.746 tỉ đồng. Tiếp sau đó là NCB và OCB đều cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn cho FLC, với dư nợ cuối 2021 gần 600 tỉ đồng.
Cơ cấu thời gian trả nợ, nợ dài hạn đến hạn trả vào cuối năm 2021 của FLC là 506 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đặt ra "áp lực" trả nợ không nhỏ đối với doanh nghiệp trong năm 2022. Trong đó, 3 chủ nợ chính lần lượt là BIDV Quy Nhơn, BIDV Đồng Bằng Sông Cửu Long và Agribank Đông Gia Lai.
Hai khoản phát hành trái phiếu lớn của FLC trong năm 2021 là để phục vụ dự án Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn (giai đoạn 2) và Khu đô thị Tropical City 1 tại Quảng Ninh. Cụ thể, lô trái phiếu trị giá 430 tỉ đồng, kỳ hạn 3 năm được Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) mua hết.
Ngoài ra, cuối năm 2020, trong công bố thông tin phát hành trái phiếu riêng lẻ, FLC cho biết đã huy động thành công 400 tỉ đồng với kỳ hạn 3 năm, có tổ chức đại lý quản lý tài khoản trái phiếu và tổ chức bảo lãnh thanh toán đều là OCB Thăng Long. Như vậy, nếu gộp chung cả 2 nghĩa vụ trái phiếu này, thì OCB là chủ nợ lớn thứ 3 của FLC với tổng dư nợ tại 31.12.2021 vào khoảng 1.389 tỉ đồng.
Cổ phiếu FLC giảm sàn trắng bên mua |
chụp màn hình |
Liên quan đến cổ phiếu FLC, trong phiên giao dịch sáng nay, ngay từ phiên mở cửa (ATO) hàng chục triệu cổ phiếu đã được chất bán, phía bên mua không có bất cứ một lệnh mua nào. Giá cổ phiếu FLC giảm kịch sàn 7%. Đây đã liên giảm sàn thứ 3 liên tiếp trong tuần này, kể từ khi tin đồn và sau đó là lệnh bắt giảm tỉ phú Trịnh Văn Quyết được tống đạt.
Hiện tại, giá cổ phiếu FLC đang đứng ở mức 11.800 đồng/cổ phiếu, giảm hơn một nửa so với vùng đỉnh 24.000 đồng trước khi Chủ tịch Trịnh Văn Quyết “bán chui”. “Hệ sinh thái” của FLC gồm: ART, KLF, HAI AMD… cũng không thoát được cảnh trắng bên mua. KLF bị chất bán gần 7 triệu cổ phiếu, giảm sàn còn 5.400 đồng; AMD dư bán gần 9 triệu, giá còn 5.760 đồng; HAI dư bán hơn 4,5 triệu giá giảm về 5.470 đồng và ART dư bán sàn hơn 4,3 triệu giá còn 8.800 đồng/cổ phiếu.
Bình luận (0)