Ai ở bên bạn lúc nguy nan nhất? - Kỳ 2: Nữ luật sư lương 'khủng' khụy ngã

14/12/2017 12:22 GMT+7

Một cô luật sư kinh tế giỏi giang với thu nhập trên 50 triệu đồng/tháng, chợt phải sống cuộc đời im lặng kể từ biến cố xuất huyết não. Trên giường bệnh triền miên ngày này qua tháng nọ là đôi tay của người chị đầy chở che cho cô.

Mùng 5 tháng 5 Âm lịch, một cơn đau đầu khiến Nguyễn Thị Ngọc Trân (SN 1984) ngất đi tại nơi làm việc. Cô phải lập tức nhập viện, bởi cơn đau này dữ dội hơn nhiều so với những lần dai dẳng trước đó. Để rồi chẳng ai ngờ được, cô gái 8X giỏi giang phải bắt đầu một cuộc đời im lặng từ đây…
VIDEO: Những cuộc đời bên chiếc giường trắng khi chị chăm em từng chút một
Ám ảnh kinh hoàng 
Tôi tìm đến nơi Trân đang “sống” – một chiếc giường trắng trong bệnh viện Chuyên khoa Nội thần kinh Quốc tế (quận Tân Phú, TP.HCM)– vào một ngày cuối tháng 11. Bên cạnh Trân, chị Nguyễn Thị Ngọc Hân (48 tuổi) đang ngồi nhìn theo từng cử động khẽ nhất từ cô em út của mình. Chị ngước đôi mắt trũng sâu nhìn tôi và nói rất nhỏ: “6 tháng mấy rồi…”
Trân bắt đầu thấy đau đầu trước đó rất lâu, nhưng chỉ cho rằng đấy là do áp lực công việc. Từ một cô sinh viên tốt nghiệp ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), văn bằng 2 ĐH Kinh tế - Luật và khả năng ngoại ngữ được đào tạo từ Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học Huflit, Trân đương nhiên tìm được công việc về mảng pháp lý cho nhiều công ty lớn, với thu nhập mỗi tháng trên 50 triệu.
“Nhà tôi có 5 chị em, không ai học hành tới nơi tới chốn, chỉ thương Út là giỏi giang chịu khó nên chị em mỗi người góp ít lo cho nó học thành tài. Nó học quá trời, xong ra trường đi đâu người ta cũng nhận vào làm hết, lương cũng quá trời! Đùng một cái…”, chị Hân khoe về cô em út của mình, rồi giọng nghẹn lại. Còn tôi nghẹn lòng.
Những cuộc đời trên chiếc giường trắng - Kì 1: Anh em như thể tay chân…1
Những cuộc đời trên chiếc giường trắng - Kì 1: Anh em như thể tay chân…2
Bên cạnh Trân, chị Ngọc Hân luôn nhìn theo từng cử động khẽ nhất từ cô em út của mình
Một buổi chiều ngày Tết Đoan ngọ, Trân cảm thấy đau đầu kinh khủng và lập tức được đồng nghiệp công ty đưa ngay vào bệnh viện Pháp – Việt. Mấy chị em ở nhà cuống cuồng chạy đến và bàng hoàng nghe các bác sĩ chẩn đoán: vỡ mạch máu não. Trân được chuyển ngay sang bệnh viện Chợ Rẫy. Khuya hôm đó, Trân phải làm phẫu thuật.
“6 giờ chiều chụp citi Út, các bác sĩ đã dự đoán tất cả những tình huống xấu nhất sau khi mổ. Con Ba, con Tư chỉ biết khóc. Tay chân Út cứng đơ, còn tay chân tôi thì rã rời. Nhưng là chị Hai, tôi không khóc. Tôi làm đầy đủ thủ tục cho Út và chấp nhận mổ. Con đường nào có hi vọng sống sót, dù mong manh, tôi chọn cho Út”, chị Hân đỏ mắt kể về quyết định hôm đó của mình.
Cuối cùng, Trân sống sau ca phẫu thuật, nhưng là cuộc sống im lìm của… “người thực vật”. Bữa cơm gia đình tất cả đã hẹn trước tối hôm đó, cũng lạnh tanh ở nhà cha mẹ già đã ngoài 70 của mấy chị em.
Những cuộc đời trên chiếc giường trắng - Kì 1: Anh em như thể tay chân…4
Chị Hân vẫn thường trò chuyện, dỗ dành dể Trân được thoải mái hơn
Những hi vọng lóe lên rồi vụt tắt
Trân khẽ cựa mình rồi nghiến răng ken két, tay chân co quắp khiến chị Hân phải kê lại gối, dốc sức đỡ cô em nằm ngay ngắn rồi nhẹ nhàng vuốt ve, dỗ dành. Đợi một lúc lâu cho em gái nằm yên, chị mới lại tiếp tục câu chuyện dài.
Chị Hân vẫn nhớ rất rõ từng mốc thời gian từ khi Trân bệnh, vì có lẽ vì trong chị tồn tại một niềm tin mãnh liệt rằng cô út giỏi giang, xinh đẹp của mình sẽ lại nói cười: “Chị chuyển Út qua bệnh viện Chuyên khoa Nội thần kinh Quốc tế được 48 ngày sau ca mổ thì Út mở mắt, bác sĩ nói hồi phục khả quan. Mấy chị em mừng rỡ dọn đồ đạc cho Út xuất viện về. Mới có 9 ngày, Út lại sốt cao phải trở vô. Chẩn đoán cho thấy shunt đặt trước đó để rút nước tụ trong não đã bị nhiễm trùng. Út lại phải mổ…”
Trân trở lại chiếc giường trắng, độ đâu gần 2 tháng thì lại hồi phục và xuất viện. Lần này, Trân còn bắt đầu nhận thức được. Dù không nói được, nhưng Trân lắng nghe và có phản ứng lại với bạn bè, người thân đến thăm. Mọi thứ đầy hi vọng.
Có một điều làm chị Hân nhớ mãi: “Út nó tốt tính, hay làm từ thiện. Nó biết hai mẹ con nhà kia bị mù, có người thân nhưng không ai chăm sóc, nên chủ Nhật nào rảnh cũng tới hỏi han giúp đỡ. Lần này về, họ biết Út bệnh nên gọi đến động viên. Tôi mở loa cho Út nghe, nó mở mắt trân trân. Đầu dây bên kia vừa dứt tiếng “Trân ơi cố gắng lên, phải cố lên” là nó khóc. Nó khóc quá trời...”
Vậy mà được có 1 tháng, bỗng nhiên Trân ói, ói suốt 5 ngày như thế. Một lần nữa cô lại nguy kịch.
“Bác sĩ chụp citi đầu và thấy Út… bị xuất huyết thêm một bên nữa, phải mổ gấp. Sau đó 3 ngày, Út được chuyển xuống phòng nằm. Rồi Út lại sốt, lại cấp cứu theo dõi thêm 3 ngày nữa. Người Út tiêu tan hết. Coi như từ đây là Út không phải mổ gì nữa hết, tại… còn gì đâu mà mổ”, chị Hân nói mà không còn cầm được nước mắt.
Tuy các bác sĩ điều trị cho Trân suốt thời gian qua đều dự trù đến những tình huống xấu nhất, nhưng chị Hân nói mấy chị em có hỏi thêm nhiều bác sĩ quen bên ngoài. Có người bảo cũng có nhiều trường hợp tương tự sẽ tỉnh và phải mất đến 3 – 4 năm. Mà dẫu sao thì chị Hân cũng đã kiên quyết: “Còn nước còn tát, Út tỉnh là được”.
Tôi biết những con người ấy đang giữ niềm tin bằng cách chắt chiu những hi vọng nhỏ nhoi nhất. Còn Trân đang nằm yên lặng kia, biết đâu cũng vậy.
Những cuộc đời trên chiếc giường trắng - Kì 1: Anh em như thể tay chân…5
Những vết vá sọ vẫn còn chằng chịt trên đầu Trân
Những cuộc đời trên chiếc giường trắng - Kì 1: Anh em như thể tay chân…6
Những con người ấy đang giữ niềm tin bằng cách chắt chiu những hi vọng nhỏ nhoi nhất
“Chị em như thể tay chân...”
Đều đặn mỗi sáng, chị Hân đưa rước cháu ngoại đi học và vào luôn bệnh viện với Trân. “7 giờ 30 tôi vào với Út, đến gần 10 giờ đêm thì bé Tư vào thay. Chỉ có 2 chị em trực suốt như thế, còn bé Ba, thằng Năm phải tranh thủ công việc, rồi thay nhau chăm cha mẹ ở nhà. Mẹ chúng tôi bệnh dữ lắm, lúc nào cũng phải có người trông. Đến giờ bà ấy vẫn nghĩ Út nó đi nước ngoài. Chúng tôi giấu, vì bà mà biết thì chắc chắn bà không chịu được”, chị Hân nói.
Sinh hoạt của gia đình gần như bị đảo lộn. Chị Hân và người em thứ tư phải bỏ cả công việc của mình từ sau biến cố. Công việc của chị giờ là theo sát Trân, vệ sinh, chà răng, thay tã mỗi ngày. Trân thở oxi 24/24, thức ăn thức uống được truyền qua ống dẫn 3 giờ một lần. Còn kháng sinh phải đặt ống dưới chân, vì tay đã không còn ven truyền nữa.
Trân nằm im, cạnh những dây nhợ treo trên cao rung theo hơi thở nhè nhẹ. Đôi tay, đôi chân đã bị teo gần phân nửa, thi thoảng lại gồng cứng. Mỗi lần như vậy chị Hân lại kề sát vào cô em út khe khẽ khuyên, rồi từ từ kéo tay chân ra cho Trân thoải mái. Cứ 5 – 10 phút, chị lại sờ người Trân, chị sợ Trân sốt.
Nhưng còn thực tế khác tôi phải băn khoăn với chị, đó là viện phí. Vẫn không rời mắt khỏi Trân, chị nói: “Ca mổ đầu tiên đã gần 50 triệu. Nằm đây mỗi ngày nếu khỏe cũng khoảng 3 triệu, còn có triệu chứng bất thường cũng phải tới 5 - 6 triệu. Chị em lo lặt vặt phần nào thôi, còn chủ yếu là của nó để dành. Nó giỏi lắm. Nó giỏi mà! Mà sao số nó như vậy…”
Nói đoạn, chị vuốt vào nơi đầu chằng chịt những vết may của Trân. Cơ thể Trân run run, tay chị cũng run run. Chị vẫn đang mong một ngày “Út” của mình nắm tay chị, cất tiếng gọi “Hai ơi”, phải không?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.