Âm nhạc đương đại khó 'nuôi' nghệ sĩ

Ngọc An
Ngọc An
02/12/2019 06:33 GMT+7

Âm nhạc đương đại ở Việt Nam đã có khán giả, nhưng hầu hết chương trình vẫn cần có hỗ trợ, tài trợ, trong khi phần lớn nghệ sĩ đeo đuổi dòng nhạc này phải làm công việc khác để nuôi đam mê.

Những tràng pháo tay vang lên không ngớt khi buổi hòa nhạc đa phương tiện Thư Hà Nội của hai nhà soạn nhạc Lương Huệ Trinh (Việt Nam) và Jean-David Caillouët (Pháp) diễn ra tối 30.11 tại Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội) kết thúc. Tác phẩm kết hợp giữa các nhạc cụ phương Tây và Việt Nam, điện tử và video, do các nghệ sĩ Pháp và Việt Nam trình diễn: Sơn X, Minh Tâm Nguyễn, Pablo Tognan, Jean-David Caillouët, Đoàn Thanh Bình và Lương Huệ Trinh. Đêm nhạc nằm trong Liên hoan âm nhạc châu Âu 2019, do Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam, các viện văn hóa châu Âu, đại sứ quán các nước thành viên EU đồng tổ chức.

Khán giả không còn đến vì tò mò

Lương Huệ Trinh thuộc thế hệ nhạc sĩ âm nhạc điện tử, thể nghiệm thứ hai ở Việt Nam sau những tên tuổi như Kim Ngọc, Vũ Nhật Tân, Sơn X. Cô cũng là một trong những học viên khóa đầu của Trung tâm âm nhạc và nghệ thuật thể nghiệm Đom Đóm do nghệ sĩ Kim Ngọc sáng lập từ năm 2012. Dưới góc nhìn của “người trong cuộc”, nghệ sĩ Kim Ngọc cho rằng khán giả quan tâm đến âm nhạc đương đại, thể nghiệm đã tăng lên cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Ngoài số lượng, đã có nhiều người hiểu biết về âm nhạc đương đại, thể nghiệm.
Nghệ sĩ Vũ Nhật Tân, người đồng sáng lập nhóm nhạc Đương đại Hà Nội (Hanoi New Music Ensemble) - nhóm nhạc thính phòng đương đại chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, cũng nhìn nhận: “Khán giả đã có sự thay đổi nhìn nhận với âm nhạc đương đại. Hầu hết các chương trình của nhóm chúng tôi từ nhỏ đến lớn, từ vài trăm cho đến cả nghìn chỗ ngồi đều gần như kín khán giả, có buổi diễn không đủ chỗ ngồi”.

Những nhà quản lý văn hóa, xây dựng chính sách của một quốc gia cần phải nhận ra tầm quan trọng của văn hóa đương đại trong lòng xã hội, trong “cơ thể” văn hóa quốc gia và không thể không chăm bẵm, tạo dựng, phát triển nền móng vững chãi cho văn hóa đương đại

Nghệ sĩ Kim Ngọc

Sự thay đổi này là “trái ngọt” mà các nhóm nghệ sĩ đương đại nhận được từ những nỗ lực bền bỉ trong suốt nhiều năm. Nghệ sĩ Kim Ngọc lý giải: “Khung cảnh sinh hoạt nghệ thuật, âm nhạc đương đại, thể nghiệm tương đối đa dạng, có nhiều hoạt động; khán giả có nhiều điều kiện đến xem, đến nghe, thưởng thức. Một bộ phận khán giả đã coi đây là món ăn tinh thần, để thưởng ngoạn, thưởng thức, chứ không vì tò mò, muốn biết nó là cái gì”.

Khó sống được bằng nghề

Đã có khán giả, nhưng các trung tâm, nhóm, nghệ sĩ âm nhạc đương đại đến giờ vẫn phải hoạt động theo cách “tự thân vận động” kinh phí. Họ chủ yếu trông vào sự hỗ trợ của các quỹ văn hóa nước ngoài, hoặc số ít cá nhân, trong khi chưa có bất kỳ quỹ hỗ trợ nào của nhà nước hay của quỹ tư nhân trong nước.
Nghệ sĩ Kim Ngọc cho hay mô hình của hầu hết các trung tâm, như Trung tâm âm nhạc và nghệ thuật thể nghiệm Đom Đóm, đều hoạt động theo dự án.
Tuy không phải bỏ tiền túi để duy trì hoạt động cho trung tâm Đom Đóm, nhưng nghệ sĩ Kim Ngọc cho biết chị làm việc gần như không lương ở trung tâm. Phần đông những nghệ sĩ âm nhạc đương đại đều không đủ sống bằng nghề và phải làm những công việc khác để đeo đuổi với nghề. Nghệ sĩ Vũ Nhật Tân cũng không phải ngoại lệ. “Trung bình mỗi năm, nhóm của tôi (nhóm nhạc Đương đại Hà Nội) biểu diễn khoảng 1 concert lớn, 3 - 4 concert nhỏ hoặc ít hơn. Những nghệ sĩ của nhóm không ai tính sống bằng việc biểu diễn ấy cả”, anh nói và cho biết thêm: “Tôi vẫn làm thêm nhạc phim, làm nhạc cho những chương trình khác nhau, tổ chức sản xuất chương trình, thậm chí sửa đàn piano...”.
Nghệ sĩ Kim Ngọc cho rằng trong suốt nhiều thập niên, các nghệ sĩ vẫn tự tìm cách để làm ra tác phẩm mà chưa có sự hỗ trợ của nhà nước. “Nhưng những nhà quản lý văn hóa, xây dựng chính sách của một quốc gia cần phải nhận ra tầm quan trọng của văn hóa đương đại trong lòng xã hội, trong “cơ thể” văn hóa quốc gia và không thể không chăm bẵm, tạo dựng, phát triển nền móng vững chãi cho văn hóa đương đại. Thử nhìn vào những quốc gia có nền nghệ thuật phát triển trên thế giới, họ đều có trách nhiệm với nghệ thuật, âm nhạc đương đại. Họ coi đó là dòng nghệ thuật chính thống chứ không phải là underground”, nữ nghệ sĩ bày tỏ.
Cần có chính sách hỗ trợ cụ thể
Nghệ sĩ Vũ Nhật Tân cho rằng trên thế giới, hay ngay như trong khu vực châu Á, nhiều quốc gia đã có chính sách hỗ trợ cho nghệ thuật, âm nhạc đương đại. “Chẳng hạn như Singapore, họ có chính sách giảm thuế cho những công ty, tập đoàn hỗ trợ cho nghệ thuật, âm nhạc đương đại. Ví dụ trong 1 năm, họ tài trợ bao nhiêu tiền cho những hoạt động ấy sẽ được trừ tiền thuế tương ứng”, anh nói và bày tỏ: “Chúng ta cứ kêu gọi chung chung thì rất khó, cần phải đưa vào luật, vào chính sách thì mới được”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.