“Chơi” chứng khoán quốc tế hay trò lừa đảo ? : Ẩn nấp bằng giấy phép kinh doanh nước ngoài

20/10/2020 06:28 GMT+7

Là hoạt động bị cấm tại Việt Nam nên hầu hết các sàn đầu tư chứng khoán, tiền tệ hay forex nói chung đều đưa ra giấy phép đăng ký kinh doanh ở nhiều nước khác nhau để “trấn an” nhà đầu tư.

Giấy phép do Saint Vincent, Virgin Island cấp ?

Nhân viên môi giới của các sàn thường nhấn mạnh mình là sàn chứng khoán quốc tế và có giấy phép hoạt động hợp pháp. Chẳng hạn theo giới thiệu trên website của sàn DK Trade thì sàn này là “một công ty giao dịch và môi giới tài chính chứng khoán được cấp phép và quản lý bởi Cơ quan Dịch vụ tài chính St. Vincent và Grenadines (SVG FSA), được thành lập để cung cấp môi trường giao dịch tốt và ổn định nhất trên thị trường tài chính chứng khoán thế giới”.

Đây là những đại lý không chính thức, hoặc tự nhận, tự phong là đại lý môi giới vì thực chất cũng không phải là sàn giao dịch. Vì vậy khi tham gia bản thân các cá nhân phải hiểu rằng sẽ gặp rủi ro rất lớn mà không được ai bảo vệ. Thậm chí khi có dấu hiệu lừa đảo thì cũng khó xử lý vì thiếu bằng chứng cụ thể. 

Luật sư Trương Thanh Đức

Thử tìm kiếm trên mạng thì Saint Vincent và Grenadines là một đảo quốc thuộc chuỗi đảo Tiểu Antilles trong lòng biển Caribe và có diện tích 389 km²… Tương tự, với hai sàn UTSpot và UTDmarket, khi truy cập vào trang chủ của hai sàn này, thông tin địa chỉ liên hệ cụ thể không có mà chỉ để 2 số điện thoại liên hệ có mã quốc tế + 44 1865… (là mã vùng của Liên hiệp Anh).
Hoặc sàn Forex4you cũng giới thiệu đã được Ủy ban Dịch vụ tài chính từ Virgin Island công nhận. Thậm chí sàn Ugreenfx còn không có địa chỉ hay số điện thoại liên hệ trên website trong khi chỉ giới thiệu là sàn chứng khoán... Đa số các sàn này đều tự xưng là đại lý hoặc đại diện của các công ty tài chính đa quốc gia nhưng mọi thủ tục như mở tài khoản, nạp và rút tiền đều được hứa hẹn khá nhanh chóng. Chỉ cần cung cấp số điện thoại, địa chỉ email là tài khoản giao dịch sẽ được tạo ngay chỉ trong vòng vài phút. Đồng thời nhà đầu tư có thể chuyển nạp tiền vào tài khoản và giao dịch được ngay sau đó, nhanh hơn nhiều khi mở tài khoản chứng khoán trong nước.
Trả lời thắc mắc về tính pháp lý, độ tin cậy khi được giới thiệu mở tài khoản giao dịch chứng khoán trên DK Trade, một nhân viên môi giới tên Ngọc Vân đã gửi cho chúng tôi xem giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy cam kết đền bù từ ngân hàng được cấp cho DK Trade có địa chỉ tài khoản ở ngân hàng tại St. Vincent và Grenadines… Nhân viên môi giới cũng khẳng định đây là sàn quốc tế, nên “Việt Nam không có quyền quản lý” và không vi phạm pháp luật.
Nhiều môi giới khẳng định Việt Nam chưa có quy định ghi nhận quyền của nhà đầu tư cá nhân mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa ở nước ngoài, nhưng cũng không có quy định cấm. Bởi Pháp lệnh ngoại hối hiện hành và Thông tư 15 của Ngân hàng Nhà nước ban hành năm 2015 chỉ quy định về hoạt động này của các tổ chức tín dụng.

Người chơi phạm luật ?

Để đầu tư chứng khoán quốc tế, người chơi sẽ được hướng dẫn nạp tiền từ tài khoản ngân hàng nội địa sang tài khoản đầu tư thông qua nhiều cách như nạp trực tiếp bằng thẻ thanh toán quốc tế Visa, Master hay nạp trực tiếp thông qua ví Ngân Lượng... Các giao dịch này đều thực hiện bằng VND và sẽ được quy đổi sang USD theo tỷ giá hiện tại. Chính vì vậy, theo giải thích của các nhân viên môi giới sàn chứng khoán quốc tế, cá nhân tham gia đầu tư chứng khoán nói riêng hay forex nói chung trên thị trường quốc tế cũng không phạm luật vì không có quy định nào cấm việc này. Thế nhưng, dù các sàn được thành lập trong hay ngoài nước thì việc mua bán chứng khoán phái sinh ở nước ngoài cũng là vi phạm pháp luật. Ngoài việc không được sự chấp thuận mua bán chứng khoán ra nước ngoài, những sàn này nếu có hoạt động chuyển tiền từ trong nước ra sàn quốc tế cũng đã vi phạm về lĩnh vực ngoại hối.
Theo quy định tại Việt Nam, hiện nay không cho phép cá nhân giao dịch mua bán ngoại tệ làm phương tiện thanh toán, đối với nhu cầu chuyển tiền ra nước ngoài phục vụ các mục đích như du học, du lịch, khám chữa bệnh... sẽ phải thông qua ngân hàng và phải có đầy đủ các giấy tờ. Còn theo quy định cụ thể của Ngân hàng Nhà nước tại Quyết định 1452/2004/QĐ-NHNN, tổ chức và cá nhân chỉ được thực hiện các giao dịch hối đoái (giao dịch giao ngay, giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi, giao quyền chọn) sau khi được Thủ tướng cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Như vậy các tổ chức và cá nhân hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch ngoại hối mà không có giấy phép là trái pháp luật. Tổ chức và cá nhân có thể bị phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng đối với hành vi mua, bán ngoại tệ và kinh doanh, mua, bán vàng không đúng quy định của pháp luật.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico, phân tích việc các đại lý chứng khoán quốc tế giải thích theo hướng không phạm luật là do các luật liên quan không quy định rõ về các hoạt động này. Quy định hiện hành chỉ nêu cụ thể là các hoạt động tư vấn luật, tư vấn tài chính, bất động sản là những hoạt động có điều kiện cần phải được đăng ký hoạt động. Còn những tư vấn khác là không quy định nên môi giới chứng khoán có thể đưa ra bất kỳ lời khuyên nào mà không phạm luật. Chỉ đến khi nào văn phòng, đại lý đó nhận tiền của người khác và đầu tư vào tiền tệ, chứng khoán ở quốc tế, nhưng không có giấy phép thì lúc đó mới vi phạm pháp luật Việt Nam. Do đó quan trọng nhất là nhận thức của nhà đầu tư vì đây là hoạt động rủi ro, không được pháp luật bảo vệ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.