Không chỉ có đám côn đồ hung hăng ngang nhiên vào trường học rượt bắt, hành hung học sinh mà có cả trường hợp phụ huynh cũng dễ dàng xông vào lớp để thượng cẳng chân hạ cẳng tay với thầy cô giáo, với học sinh thì quả là chuyện an ninh trường học không thể xem nhẹ.
Ở H.Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp là chuyện côn đồ mang hung khí xông vào Trường THPT Đốc Binh Kiều để bắt hai em học sinh lớp 12 đem đi hành hung. Ở một trường khác cùng huyện này, một học sinh nam cũng bị một đám côn đồ khống chế đem đi hành hung.
Trường học, cũng như bệnh viện, chắc chắn không thể là một nơi được thiết kế như “pháo đài” bất khả xâm phạm về an ninh, nhưng cũng không thể là nơi mà muốn xông vào để giở trò vũ lực hành hung người khác đều có thể được.
Chúng ta thật sự cảm thấy bất an nếu như không gian học đường trở nên thiếu an toàn cho trẻ em, cho học sinh đến mức như thế. Việc thiết lập một cơ chế đảm bảo an ninh, an toàn sức khỏe và tính mạng cho thầy cô và học sinh là việc cần được nâng mức trách nhiệm đối với các nhà quản lý.
Đối với các nhà quản lý trường học ở đô thị thì việc bố trí lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp nên được đặt vào mức ưu tiên cần thiết. Việc các trường học nên làm việc với cơ quan công an địa phương để xây dựng sẵn phương án phối hợp phản ứng nhanh trong trường hợp có vụ việc mất an ninh trật tự cần được hỗ trợ gấp. Nhất là đối với trường học ở nông thôn, khu vực còn nhiều hạn chế... thì càng cần có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, biên phòng...
Ngành giáo dục nên đặt ra những tiêu chuẩn cụ thể về vận hành một trường học, trong đó có chỉ định rõ ràng yêu cầu xây dựng và thực hiện quy trình phối hợp với cơ quan công an và chính quyền địa phương để ưu tiên đảm bảo an ninh học đường. Việc này chắc chắn không phải việc dễ dàng, nhưng cũng chắc chắn không phải là việc bất khả thi.
Các xu hướng học sinh sử dụng bạo lực trong môi trường học đường cũng là một nguy cơ tiềm tàng ngay trong môi trường trường học, có thể là nhân tố bắc cầu dẫn đến việc côn đồ ngoài nhà trường tham gia để giải quyết mâu thuẫn học trò. Điều này đặt ra trách nhiệm nặng nề cho công tác tham vấn tâm lý học đường, và đòi hỏi sự gia tăng mức trách nhiệm của nhà trường trong việc dẫn dắt đạo đức, lối sống cho học trò. Thậm chí kinh nghiệm giáo dục ở nước ngoài cũng rất đáng tham khảo: nhà trường mời phụ huynh làm việc trong các ngành công an, tòa án… đến trường cùng chia sẻ; phối hợp với các cơ quan này trong các sinh hoạt chuyên đề, báo cáo, tham quan thực tế... cũng là một giải pháp nâng cao ý thức và giáo dục pháp luật.
Thiết lập một mô hình kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với chính quyền trong việc đảm bảo an ninh trường học đã đến lúc phải được đặt vào trọng tâm của việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh. Giống như ngành y tế đã làm được điều tương tự khi phối hợp với chính quyền để xây dựng phương án đảm bảo an ninh bệnh viện từng có lúc rất phức tạp.
Bình luận (0)