Ăn Tết quê chồng hay quê vợ?

03/02/2013 13:51 GMT+7

Đó là câu hỏi của nhiều gia đình trong hoàn cảnh mỗi người mỗi quê. Nếu không khéo tính, ngày Tết sum họp trở thành những ngày chia lìa, xa cách.

“Mỗi năm chỉ có một lần Tết mà sao ngán ngẩm quá. Tệ lắm cũng phải mất mấy chục triệu đồng…”. Chị Ngân, một người bạn của tôi nhà ở quận Tân Bình - TPHCM, than thở khi nghe tôi hỏi chuyện Tết nhứt. Thoạt nghe, ai cũng tưởng nhà Ngân ăn Tết lớn nhưng sự thật không phải vậy. Chị đang nói đến khoản chi phí đi lại mấy ngày Tết.

Chuẩn bị mâm cơm cúng ông bà ngày Tết ở quê
Chuẩn bị mâm cơm cúng ông bà ngày Tết ở quê - Ảnh: Hồng Vân 

“Méo mặt” vì tàu xe

Quê Ngân ở TPHCM nhưng lấy chồng người Hà Nội. Vợ chồng có công việc ổn định ở TPHCM; khổ nỗi Hoàng, chồng Ngân, là con trai cả và cũng là con trai duy nhất trong gia đình nên Tết nào cũng phải về. Chị kể: “Khoản tiền quà cáp, biếu ông bà, lì xì cho các cháu cũng chỉ bằng nửa tiền mua vé máy bay từ TPHCM ra Hà Nội. Hai vợ chồng và hai đứa con cũng tròm trèm 20 triệu đồng, coi như đi đứt khoản thưởng Tết của hai vợ chồng”.

Có năm tiếc tiền, chị bàn với chồng đi tàu cho đỡ tốn kém. Vừa nghe tin, ông bà đã nhắn vào: “Nếu anh chị tiếc tiền thì nói để chúng tôi gửi tiền cho chứ đừng hành xác hai đứa nhỏ”. Chị thở dài: “Nghe ông bà nói vậy thì cũng phải cố chứ biết làm sao. Thôi, coi như cả năm không đi du lịch dành tiền đi chơi Tết vậy”.

Quê ai nấy về

Cũng chuyện ăn Tết ở đâu mà gia đình chị Hồng và anh Quân (quận 8 - TPHCM) mấy ngày nay vô cùng căng thẳng. Quê chị Hồng ở Cà Mau còn quê anh Quân ở Quảng Nam. Anh chị cưới nhau được 8 năm, có 2 con nhưng chưa năm nào có một cái Tết êm ấm vì ai cũng có “chính kiến”. Anh Quân thì muốn cả gia đình phải về nội ăn Tết cho có không khí. Còn chị Hồng lại nghĩ: “Tại sao con gái lấy chồng là mất luôn quê cha, đất tổ? Tại sao năm nào mình cũng phải về quê người ta ăn Tết mà không bắt người ta về quê mình? Bất công quá vậy?”. Dù cuối cùng đích đến những ngày Tết là Quảng Nam nhưng nếu không cãi cọ thì hình như… chưa thấy Tết!

Đó là chuyện những năm trước. Còn năm nay, chị quyết “đòi lại công bằng” cho mình, bắt cả nhà phải về Cà Mau ăn Tết với bên ngoại. Tất nhiên là anh không đồng ý. Cuối cùng, họ đi đến thỏa thuận: quê ai nấy về. Anh và đứa lớn về Quảng Nam, chị đưa đứa nhỏ về Cà Mau. Anh than phiền: “Tết nhứt không còn là dịp sum họp gia đình nữa rồi”.

Bất phân thắng bại

Tại cuộc họp mặt đồng hương tỉnh Quảng Ngãi ở TPHCM mới đây, chuyện “Tết này về đâu?” là chủ đề xuyên suốt buổi gặp gỡ. Hầu như không có cặp vợ chồng nào cùng quê nên “để đi đến thống nhất”, mọi người tranh luận hết sức sôi nổi, thậm chí có cặp vợ chồng còn gay gắt, đả kích nhau. Có chị cãi không lại chồng, bật khóc ngon lành!

Chị Tuyết quê ở Tiền Giang, lấy chồng là anh Long, quê Quảng Ngãi, hờn mát: “Mấy năm trước, tui theo ổng về ngoải rồi, năm nay phải ăn Tết ở nhà ba má tui”. Nghe vậy, anh Long sừng sộ: “Tụi mình mà không về, ba má chửi tắt bếp. Ai đời, con trai mà Tết nhứt lại đeo theo vợ?”. Chị Tuyết hầm hứ: “Theo vợ thì sao? Nếu yêu quê, nhớ quê sao không ở ngoải luôn đi, còn vô trong này làm gì?”.

Đụng đến chuyện quê hương, gốc gác thì chuyện nhỏ bỗng thành lớn chuyện. Anh Long đập bàn: “Im đi…”. Thấy tình hình căng thẳng, mọi người phải xúm lại can ngăn. Cuối cùng, chuyện “Tết này về đâu?” của vợ chồng anh Long vẫn chưa có đáp án.

Nhường nhau một chút

Vợ chồng anh Minh, chị Thanh làm việc tại quận 3 - TPHCM nhưng quê hai người đều ở Vĩnh Long. Bao nhiêu năm nay, anh chị sắp xếp lịch ăn Tết… ngon ơ: Công ty cho nghỉ việc ngày nào thì ngày đó vợ chồng, con cái dắt díu nhau về quê. Dù ở chung tỉnh nhưng người ở huyện Tam Bình, kẻ ở huyện Long Hồ. Chị nhường anh, về ăn Tết với bên chồng trước, tới chiều mùng 1 thì về bên ngoại ở chơi đến hết Tết rồi quay lên Sài Gòn. “Anh chị em bên chồng cũng như bên mình có thói quen về ăn Tết với gia đình nên không khí rất rôm rả. Mọi người cùng nhau đi chợ, gói bánh tét, tát mương… rất vui. Đối với vợ chồng mình, không có chuyện phân biệt bên chồng hay bên vợ, bên nào tiện đường thì về trước” - chị Thanh chia sẻ.

Theo Hồng Đào / Người Lao Động

>> Bệnh nhân hen suyễn ăn tết
>> Ăn tết ở nhà
>> Hối hả về quê ăn tết
>> Ăn tết 3 miền
>> Đến Việt Nam ăn tết
>> Làm dưa hành tím ăn Tết
>> Ăn tết lo thịt heo độc
>> Ăn tết quê anh hay quê em?
>> Ca sĩ hải ngoại về quê ăn tết
>> Giúp trẻ ăn Tết ngon mà khỏe

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.