Gần đây, mạng xã hội đã và đang có nhiều ý kiến cho rằng trong một bữa ăn, cần ăn theo thứ tự sau đây là tốt nhất: Nước canh, chất xơ (từ rau củ quả), đạm (từ thịt) và cuối cùng là tinh bột.
Cô N.T.T.T (46 tuổi, ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ trong mỗi bữa ăn, cô thường ăn cơm (tinh bột) trước, sau đó là xen kẽ các thức ăn bao gồm thịt cá và canh rau. Tương tự, chị L.N.K.N (21 tuổi, ở Q.Tân Bình, TP.HCM) cũng có thói quen ăn theo cách này. Chị N. cho biết: “Ăn cơm hay tinh bột đầu tiên trong bữa ăn luôn là ưu tiên của mình vì làm dịu cơn đói và cảm giác thèm ăn ngay lập tức. Sau đó tùy theo sở thích đối với các món được chế biến trong bữa ăn mà mình sẽ chọn ăn rau hoặc thịt tiếp theo...”.
Mặt khác, chị N.L.T (21 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lại cho rằng: “Mình thường cho đồ ăn và rau lên một muỗng cơm và ăn, như vậy sẽ tạo cảm giác ngon miệng hơn. Nhiều thành viên trong gia đình mình cũng ăn như vậy”.
Thực hư về lợi ích của việc ăn theo thứ tự
Bác sĩ chuyên khoa 1 Trương Lê Luy Na, Phó trưởng khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM) cho biết, thói quen ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và ngăn ngừa các bệnh mạn tính. Theo đó, ý kiến về thứ tự ăn: Chất xơ - đạm - tinh bột trong bữa ăn là hoàn toàn có cơ sở khoa học.
“Có nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng thứ tự ăn các nhóm thực phẩm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và quá trình trao đổi chất. Ăn chất xơ trước sẽ làm chậm tốc độ hấp thụ đường từ tinh bột, ổn định đường huyết sau ăn. Chất xơ còn tạo cảm giác no, hỗ trợ kiểm soát cân nặng. Tiếp đó, ăn đạm giúp cơ thể duy trì năng lượng ổn định và kích thích tiết hormone làm giảm cảm giác đói. Tinh bột nên được ăn cuối cùng để tránh đường huyết tăng đột ngột, hạn chế nguy cơ kháng insulin hoặc mắc bệnh tiểu đường loại 2”, bác sĩ Luy Na giải thích.
Đặc biệt, người cao tuổi và người có bệnh nền cũng nên ăn các nhóm chất theo thứ tự nêu trên, nhằm cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ biến chứng.
Theo bác sĩ Luy Na, ăn rau trước giúp làm chậm tốc độ hấp thụ glucose, giảm cholesterol máu và hỗ trợ tiêu hóa. Sau đó cần bổ sung protein từ thịt, cá, trứng, các loại đậu hạt… để duy trì cơ bắp và cung cấp năng lượng ổn định. Cuối cùng, nên ăn lượng tinh bột vừa phải, ưu tiên tinh bột phức hợp như gạo lứt, khoai lang, yến mạch hoặc bánh mì nguyên cám…
Tai hại khi tự ý bỏ các nhóm chất trong bữa ăn
Những thói quen ăn uống không hợp lý có thể gây tác động tiêu cực đến sức khỏe về lâu dài. Các trường hợp sau đây được bác sĩ chỉ ra hậu quả xấu cho sức khỏe:
Ăn đạm và tinh bột trước, không ăn chất xơ: Thiếu chất xơ khiến cơ thể hấp thụ glucose nhanh hơn, làm tăng nhanh đường huyết sau ăn, gây táo bón, mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Điều này gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và các bệnh tim mạch.
Chỉ ăn đạm và chất xơ, không ăn tinh bột: Loại bỏ tinh bột lâu dài có thể khiến cơ thể thiếu năng lượng, gây mệt mỏi, giảm hiệu suất làm việc và suy giảm trí nhớ. Ngoài ra, ăn nhiều đạm gây áp lực lên gan và thận, tăng nguy cơ sỏi thận hoặc tăng tổn thương thận ở những bệnh nhân cần tiết chế đạm.
Việc duy trì thói quen ăn uống cân đối là vô cùng quan trọng, đối với người có sức khỏe bình thường lẫn có bệnh nền. Do đó, mọi người cần tránh loại bỏ hoàn toàn bất kỳ nhóm chất nào để đảm bảo sức khỏe lâu dài.
Bình luận (0)