Tiếp nối chủ trương “Từ không chiến đến hòa giải và hợp tác phát triển” của 3 lần gặp gỡ trước (2016 và 2018 tại Việt Nam, 2017 tại Mỹ), cuộc gặp gỡ hội thảo lần thứ 4 năm 2022 vừa diễn ra tại San Antonio (Texas, Mỹ)
Những lần gặp trước, các cựu phi công đã trao đổi làm sáng tỏ nhiều điều chưa rõ trong những trận không chiến trên bầu trời miền Bắc Việt Nam. Họ cũng đã để lại nhiều sự kiện và huyền thoại cảm động trong lòng công chúng.
Nổi tiếng nhất là chuyện Randy Cunningham - một trong 3 phi công nổi tiếng của Mỹ, khi sang Hà Nội dự gặp gỡ đã về miền Trung viếng mộ liệt sĩ phi công Trà Văn Kiếm, được các phi công Mỹ tưởng tượng là “Đại tá Toon”, đã hy sinh khi chiến đấu với Randy Cunningham.
Các phi công Mỹ sau khi dự cuộc gặp ở Hà Nội năm 2018 đã được Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa và đồng đội mời về Đồng Tháp gặp gỡ anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy, sống làm vườn như một nông dân thực thụ.
Lần gặp gỡ thứ 4 vừa qua, phía Việt Nam có hai anh hùng Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa và Trung tướng Nguyễn Đức Soát. Họ đều là những phi công đẳng cấp ACE (Át chủ bài - bắn rơi 5 máy bay trở lên trong chiến đấu. Trong chiến tranh chống Mỹ, Không quân Việt Nam có 16 phi công ACE).
Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa cùng Chuck Jackson, người bị ông bắn rơi |
NHÂN VẬT CUNG CẤP |
Thân tình hướng tới tương lai
Sáng 12.11, vừa về tới TP.HCM sau 20 giờ bay, tưởng ông cũng sẽ như mọi người còn mệt vì bay dài và lệch múi giờ, người phi công kỳ cựu Nguyễn Văn Nghĩa cho biết ông đã kịp dự giỗ đầu người đồng đội thân thiết Nguyễn Hồng Nhị, ra Hà Nội làm việc, rồi lại bay ngược về dự một đám cưới.
Ông chia sẻ: “Quen rồi, từ hồi chiến tranh thức dậy từ 3 giờ sáng trực chiến, như thế cả tháng trời”. Ngày xưa trong chiến tranh, ông có biệt danh “Nghĩa Cáp” - săn chắc như dây cáp. Nay đã ngoài 70, ông vẫn dẻo dai, nhanh nhẹn.
Ông kể về 4 ngày hội thảo tại Texas.
Rất trang trọng, phía Mỹ có đông đủ các phi công tham chiến ở miền Bắc Việt Nam, họ đến từ nhiều bang. Có thêm 12 phi công lớn tuổi tham chiến từ Thế chiến 2, trong đó có 3 ông 100 tuổi được vợ đẩy xe lăn tới, được tặng Huy hiệu danh dự. Một số người đến từ Top Gun - chương trình đào tạo không chiến đối kháng của Không quân Mỹ.
Trong hội trường lớn cả trăm người, hai phi công đoàn Việt Nam được mời ngồi chủ tịch đoàn. Hình ảnh của Trung tướng Soát và Đại tá Nghĩa được trưng bày trang trọng nơi phòng khánh tiết.
Ngoài hội thảo chính, có nửa ngày tiếp xúc tự do, xin chữ ký. Ông Nghĩa cười: “Mình ngạc nhiên vì khi người Mỹ xếp hàng xin chữ ký mình và anh Soát xong, họ đều hỏi “How much?” (bao nhiêu?). Hóa ra nhiều người Mỹ khi đưa vật lưu niệm để “VIP” ký tặng xong lại có thói quen trả tiền”.
Có lễ thượng cờ và hạ cờ của các quân binh chủng. Có lễ mặc niệm cho quân nhân hy sinh ở cả hai phía. Tiệc chia tay rất lớn, trong đó một phi công Top Gun được châm nến long trọng.
Không khí thật long trọng và đầm ấm, đúng nghĩa hòa giải trong tình thân thiện, ông Nghĩa nhớ lại.
Nhưng các cựu phi công Việt - Mỹ còn đi tìm đáp số nữa. Họ trao đổi tìm hiểu những trận không chiến xưa chỉ gặp nhau trên trời, giải đáp một số thắc mắc vẫn đeo đuổi: “Lần ấy anh bị thương thế nào”, “Rồi về đâu hạ cánh”, “Ai là người đã bắn tôi trên đỉnh núi ngày đó”, “Người bị chúng tôi bắn rơi ở Tuyên Quang nay còn sống không?”...
Phi công Việt - Mỹ còn hỏi nhau về chiến thuật không chiến, cùng nhau nhận định MiG-21 và F-4 có phải là đối thủ xứng tầm không, so sánh các tính năng, kỹ năng tác chiến của hai bên, những điều xưa từng là “bí mật” được đem ra hỏi nhau, tranh luận.
Phi công Nguyễn Văn Nghĩa (thứ 2 từ trái sang) cùng các cựu phi công Mỹ |
“Giá như ai về nhà nấy”
Như tại bao cuộc gặp gỡ, báo chí truyền hình hỏi… cảm tưởng “phi công Bắc Việt”.
Anh hùng phi công Nguyễn Văn Nghĩa nói: “Tôi ước giá như cả cuộc chiến xưa chúng ta đã là bạn của nhau, chiến đấu chỉ là cuộc tập dượt trên không, xong rồi ai về nhà nấy”.
Cả hội trường đã đứng dậy vỗ tay hoan nghênh.
Câu nói vui, dí dỏm tưởng như đời thường đó đã gây xúc động về mong ước bình thản, yêu chuộng khát khao hòa bình của người Việt Nam. Nhất là khi được nói ra bởi một anh hùng thiện chiến, người đã khai thông bế tắc cho Không quân Việt Nam khi bắn hạ chiếc F-4 đầu tiên trong 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không.
Tổng cộng trong chiến tranh chống Mỹ, ông Nghĩa bắn hạ 5 máy bay địch, bắn bị thương 1 chiếc khác. Trong cuộc chiến tranh Tây Nam chống Khmer Đỏ, ông là trung đoàn trưởng Trung đoàn 935 anh hùng.
Một phi công được đồng đội miêu tả tính cách: “Bố mẹ sinh ra đã... cáp rồi”. “Tính tình thì “thật thà cỡ ấy đến là thua!”. “Anh phi công thật thà” ấy lần này cũng gặp lại phi công Chuck Jackson, người bị “anh” bắn rơi và sống sót nhờ kịp nhảy dù ở Sơn La.
Ông đã tặng cuốn sách Không chiến ông viết khá đồ sộ do NXB QĐND phát hành năm 2020, gây tiếng vang trong nước.
Cuốn sách viết rất chân phương của Nguyễn Văn Nghĩa cho thấy cuộc đời chiến đấu của các phi công Việt Nam được diễn tả tỉ mỉ dưới mắt một đồng đội hài hòa trong tập thể lớn. Những trận không chiến miêu tả dưới góc kỹ thuật chiến tranh và tinh thần quả cảm. Về Không quân nhân dân Việt Nam - cái nôi cho họ trưởng thành từ những ngày đầu nhập ngũ, sự đào tạo của Liên Xô và Không quân Việt Nam…
Không chiến cho người đọc chân dung những nhân tài không quân mà chúng ta nghe tên rất nhiều như: Phạm Phú Thái, Lê Thanh Đạo, Vũ Xuân Thiều, Phạm Thành Nam, Nguyễn Đức Soát, Phạm Tuân... và nhiều người khác nữa.
Chiến tranh qua đi, các phi công Việt - Mỹ nay đa số tuổi 70 - 80 cả rồi. Họ đã ghi dấu cho lịch sử những khốc liệt, dũng cảm và hy sinh.
“Tôi đã chính thức mời phi công Randy Cunningham và Chuck Jackson sang Việt Nam, họ hứa sẽ sang thăm”, ông Nghĩa nói.
Sau hơn 50 năm, điều ước “giá như ai về nhà nấy” đã và đang dần trở thành “đến thăm nhà nhau” giữa các cựu thù trên bầu trời ác liệt năm xưa.
Bình luận (0)